Đó là đánh giá của tập đoàn quản lý, tư vấn bất động sản hàng đầu của Mỹ CB Richard Ellis (CBRE) đang hoạt động tại Việt Nam công bố khảo sát về thị trường bất động sản Hà Nội tuần cuối tháng 10 vừa qua.
Đó là đánh giá của tập đoàn quản lý, tư vấn bất động sản hàng đầu của Mỹ CB Richard Ellis (CBRE) đang hoạt động tại Việt Nam công bố khảo sát về thị trường bất động sản Hà Nội tuần cuối tháng 10 vừa qua.
Giá và cầu, còn lâu mới giảm
Theo ông Marc Townsend, tổng giám đốc CB Richarch Ellis, do ngày càng có nhiều công ty, tập đoàn đa quốc gia thành lập cung với sự mở rộng văn phòng của các công ty Việt Nam khiến cho thị trường bất động sản ở Hà Nội cung không đủ cầu.
Kể từ đầu quý 3 đến nay, thị trường văn phòng cho thuê tại Hà Nội luôn trong tình trạng cháy hàng. Hệ số sử dụng văn phòng hạng A và hạng B luôn ở mức cao, đạt gần 100%. Tuy nhiên, giá thuê phòng hiện nay không phản ánh đúng thực tế này.
Giá thuê các phòng hạng A tăng 1%, hạng B tăng 5% so với quý trước. Hiện giá thuê phòng trung bình từ 30 USD đến 40 USD/m2/tháng, thậm chí có nơi lên đến 55 USD/m2/tháng. Với mức giá này, Hà Nội là một trong những thành phố có giá thuê phòng cao nhất châu Á. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng văn phòng hạng A vẫn tiếp tục tăng mạnh và từ nay đến 2009 sẽ không có thêm dự án nào được đưa vào hoạt động khiến cho nguồn cung ngày càng trở nên khan hiếm.
Tính đến hết quý 3 vừa qua, thị trường văn phòng cho thuê hạng B ở Hà Nội chỉ có duy nhất dự án The Manor, diện tích 6000m2 đi vào hoạt động nhưng đã được phủ kín hết. Trong quý 4 năm nay, có 2 dự án mới đi vào hoạt động đó là tòa nhà Kinh Đô (phố Lò Đúc) và tòa nhà số 9 Đào Duy Anh, tổng diện tích 22.000m2 nhưng cũng chỉ đáp ứng được một phần nhỏ so với nhu cầu thực tế hiện nay.
Bước sang năm 2008, Hà Nội mới có thêm hai dự án văn phòng hạng B là Viet Tower tại số 1 phố Thái Hà với 13.000m2 và Sun City tại phố Hai Bà Trưng, khoảng 6000m2 đi vào hoạt động mới có thể nào giảm nhiệt được nhu cầu.
Đối với thị trường nhà ở cho thuê, trong quý 3 vừa qua cũng không có dự án mới nào được đưa vào sử dụng. Bước sang quý 4, đánh dấu sự xuất hiện của hơn 500 căn hộ thuộc 4 dự án: Somerset Hoà Bình, Fraser Suites Hanoi, Skyline và Atlanta đi vào hoạt động do đó tỷ lệ phòng trống tạm thời sẽ có nhưng cũng chỉ là ngắn hạn. Nhiều chuyên gia về bất động sản cho rằng, với sự đổ bộ ào ạt của nhiều doanh nghiệp nước ngoàivào Việt Nam, thị trường này sẽ cháy hàng vào đầu năm 2008.
Tương tự, thị trường nhà ở cao cấp để bán cầu luôn vượt cung khiến cho giá mua và giá bán có sự chênh lệch lớn. Điển hình là Paciffic Palce tại phố Lý Thường Kiệt, giá bán hiện đã lên gần 3000USD/m2, tăng gần gấp ba lần so với giá mua ban đầu. Tương tự, nhà ở cao cấp cho thuê tại khu Ciputra, Mỹ Đình, giá cũng gấp 2 đến 3 lần so với khu bình dân khác.
Mặc dù các nhà đầu tư trong nước chiếm ưu thế ở các dự án vừa và nhỏ, các nhà đầu tư từ Hàn Quốc và Nhật Bản cũng khẳng định sự tham gia tích cực của mình vào mảng thị trường này nhưng còn khá lâu nữa thị trường căn hộ ở Hà Nội mới bão hoà.
Đến 2010 mới đáp ứng về cung
Theo các chuyên gia của CB Richard Ellis, hiện nay xu hướng đầu tư bất động sản tại Hà Nội đang chuyển dịch về phía Tây thành phố, dọc hành lang đường Phạm Hùng - Mỹ Đình với tốc độ phát triển chóng mặt và dần được hình thành trung tâm thứ hai của thành phố.
Hiện nay khu vực Mỹ Đình đã và đang nhận được sự đầu tư rất lớn từ hàng loạt các dự án phức hợp và có quy mô lớn để phát triển cơ sơ hạ tầng. Bên cạnh một số công trình đã được xây dựng như khu tổ hợp Manor, hàng loạt các dự án khác đang được động thổ hoặc đang lên kế hoạch xây dựng của các nhà đầu tư trong và ngoài nước như các tổ hợp Keangnam Hà Nội Landmark, Crowne Plaza; các tháp Ceo, Apex; khách sạn Hà Nội Plaza, Orix Plaza...
Cùng với đó, khu vực này còn có nhiều dự án tổ hợp chung cư, bán lẻ, và khách sạn khác cũng được hình thành. Với hy vọng sẽ thu hút được nhiều khách thương nhân tới khu trung tâm mới, một số khách sạn 5 sao đang được quy hoạch cho Mỹ Đình với sự tham gia của các nhà đầu tư lớn trong nước và quốc tế.
Về vị trí, Mỹ Đình nằm tại đầu tuyến đường Láng – Hoà Lạc, tuyến đường được quy hoạch thành đường cao tốc nối liền đông tây (đầu mối giao thông chính giữa Hà Nội Và tỉnh Hà Tây). Đoạn giao của trục đường Phạm Hùng và đường cao tốc Láng – Hoà Lạc là điểm nối hai trong số các khu vực mới có tiềm năng phát triển nhất ở miền Bắc.
Theo dự kiến, sẽ có khoảng một triệu người sống quanh tuyến đường cao tốc Láng - Hoà Lạc, tạo ra một lượng nhân công lành nghề cho các doanh nghiệp hoạt động tại khu Mỹ Đình và khu Công nghệ cao Láng - Hoà Lạc.
Khu vực này được nhận định là điểm đến ngày càng hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước vì có vị trí chiến lược, hiệu quả kinh tế cao nhờ lực lượng lao động quy mô lớn, cơ sở hạ tầng tốt cùng với chính sách đầu tư linh hoạt của các cấp chính quyền.
Dự kiến, đến năm 2011, tại khu vực Mỹ Đình sẽ có khoảng 300.000m2 văn phòng, các khách sạn 5 sao, nhiều dự án trung tâm thương mại lớn và dự án nhà ở đi vào hoạt động sẽ l; àm tăng sức hấp dẫn của Hà Nội trong mắt giới kinh doanh và đầu tư và đáp ứng nhu cầu vẫn rất “nóng” của thị trường bất động sản hiện nay.
Theo Thị trường BĐS