Thị trường BĐS: Cuộc đua mới của đại gia

Cập nhật 18/12/2014 13:37

Hàng loạt dự án mới được công bố, có những dự án sau nhiều năm án binh bất động được nhà đầu tư nước ngoài bỏ tiền hồi sinh, có dự án được nhà đầu tư trong nước bắt tay hợp tác… Những động thái đó diễn ra sau nhiều năm thị trường yên ắng, đang kỳ vọng một chu kỳ mới của thị trường bất động sản (BĐS) chuyển mình.

Hàng loạt dự án mới được công bố, có những dự án sau nhiều năm án binh bất động được nhà đầu tư nước ngoài bỏ tiền hồi sinh, có dự án được nhà đầu tư trong nước bắt tay hợp tác… Những động thái đó diễn ra sau nhiều năm thị trường yên ắng, đang kỳ vọng một chu kỳ mới của thị trường bất động sản (BĐS) chuyển mình.

Dòng chảy tài chính mới

Sau gần 3 năm trùm mền, dự án chung cư có quy mô gần 20.000m2 trên Đại lộ Võ Văn Kiệt (quận 8, TPHCM) do CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy làm chủ đầu tư được tái khởi động, sau khi Quỹ đầu tư City Gate Tower tiếp vốn. Trước khi dự án tái khởi động, chủ đầu tư đã xin điều chỉnh lại giấy phép xây dựng cho phù hợp với xu hướng thị trường.

Theo đó, từ khoảng 700 căn hộ có diện tích từ 80m2 trở lên, giấy phép mới đã tăng số lượng căn hộ của dự án lên hơn 1.000 căn với diện tích nhỏ hơn cùng một vài chi tiết quy hoạch khác. Ông Mai Thanh Trúc, Giám đốc kinh doanh Năm Bảy Bảy, cho biết toàn bộ dự án có tổng mức đầu tư 1.300 tỷ đồng, trong đó Quỹ đầu tư Creed (Nhật Bản) đã quyết định đầu tư với tỷ lệ 80%, đến nay một phần tiền đã được Creed giải ngân.

Theo đánh giá của các chuyên gia, với việc một quỹ nước ngoài nắm 80% tổng mức đầu tư của dự án, cho thấy đây không phải là sự hợp tác mà thực sự Creed mua lại dự án của Năm Bảy Bảy. Năm Bảy Bảy cũng đã ký kết với Creed Group về hợp tác chiến lược phát triển hơn 10.000 căn hộ giá 1 tỷ đồng tại trung tâm TPHCM.

Thị trường đang phát đi tín hiệu tốt với các dự án bài bản, kinh doanh chuyên nghiệp, không chụp giật như trước đây. Dòng tiền mới bắt đầu đổ vào thị trường. Thị trường địa ốc đang bước vào giai đoạn tích lũy cho chu kỳ mới. Theo đó, hàng loạt dự án ở những vị trí cơ sở hạ tầng có sẵn chắc chắn sẽ được kích hoạt. Bởi lẽ bản chất nhiều dự án đã đổi chủ, có dòng tiền mới, hình thành một lối chơi mới.

Ông Trần Như Trung, Phó Tổng giám đốc Tân Hoàng Minh
 

Tương tự, dự án chung cư 16 Âu Cơ (quận Tân Phú) do CTCP Đầu tư Kinh doanh Điện lực triển khai từ hơn 3 năm nay nhưng vẫn ì ạch, vướng đền bù giải tỏa. Mới đây dự án đã được CTCP Đầu tư Kinh doanh Địa ốc Hưng Thịnh (Hung Thinh Corp) hợp tác đầu  tư. Dự án gồm 2 block cao 18 tầng với trên 500 căn hộ.

CTCP Địa ốc Nova (Novaland) cũng mua lại, hợp tác đầu tư hàng chục dự án trong thời gian gần đây của các doanh nghiệp đã triển khai trước đó nhưng không thành công, với số lượng hơn 7.000 căn hộ. Một số dự án đang được Novaland khởi động, như Sunrise City - North Tower (quận 7), The Prince Residence (quận Phú Nhuận), Lucky Palace, Icon 56 (quận 4), Lexington Recidence (quận 2)…

Trên thị trường BĐS, hàng loạt đại gia khác cũng nhảy vào cuộc chơi mới. Theo đó, CTCP Đầu tư Xây dựng Tân Liên Phát thuộc Tập đoàn Vingroup làm chủ đầu tư các dự án với số lượng lên đến 10.000 căn hộ. Kế đến là dự án Masteri (quận 2) với hơn 3.000 căn hộ; dự án Him Lam Chợ Lớn (quận 6) với gần 1.500 căn hộ đang trong giai đoạn hoàn thiện cùng hàng loạt tiện ích như hồ bơi, công viên, khu sinh hoạt cộng đồng; giai đoạn 2 Him Lam Riverside (quận 7) cũng vừa chính thức trình làng…

CTCP Đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh đang đầu tư xây dựng dự án khu dân cư thấp tầng và triển khai đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật chính Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Dự án Đại Quang Minh có quy mô 128ha, giai đoạn 1 là 52ha, được quy hoạch thành các khu biệt thự, nhà phố thương mại và căn hộ chung cư phức hợp tại vị trí đắc địa TPHCM, đang thu hút sự quan tâm giới đầu tư và người có tiền muốn về phía Đông…

Kỳ vọng tác động lan tỏa chính sách

Năm 2014, nền kinh tế có nhiều dấu hiệu khởi sắc. Lạm phát ở mức thấp và trong vòng kiểm soát. Mặt bằng lãi suất ngân hàng liên tục giảm, đây được coi là liều thuốc tiếp sức khá mạnh cộng đồng doanh nghiệp. Cùng với các chính sách hỗ trợ và thúc đẩy của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, thị trường đang nhận được những tín hiệu vui, BĐS có xu hướng tan băng.

Sự ấm dần của dòng chảy tín dụng vào lĩnh vực BĐS đang giúp thị trường dần có sự khởi sắc cả về giá lẫn thanh khoản. Tất nhiên tùy từng chủ đầu tư và phân khúc dự án, bước đầu tạo niềm tin cho cả chủ đầu tư lẫn người mua nhà.
 

Ít nhất có 3 điểm tích cực thị trường BĐS nhận được từ chính sách tiền tệ. Một, do thị trường BĐS lâu nay chủ yếu phụ thuộc nguồn vốn từ hệ thống ngân hàng, nên lúc này, việc tiếp cận với nguồn vốn đã dễ dàng hơn rất nhiều. Hai, lãi suất đã đủ hấp dẫn để vay. Nếu hình dung lạm phát năm tới quanh mức 5%/năm, với lãi suất cho vay quanh 8%/năm nhà đầu tư hoàn toàn có thể có lãi. Ba, các ngân hàng đã sẵn sàng mở rộng hầu bao, mở rộng tín dụng cho BĐS. Điều ấy có nghĩa, các dự án tốt, phù hợp sẽ được ngân hàng giải ngân.

Ông Trương Quốc Hưng, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng
 

Nhận xét về tình hình thị trường BĐS Việt Nam, ông Chee Fan, Tổng giám đốc CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín Tân Thắng - nhà đầu tư đến từ Malaysia, cho biết những khó khăn của thị trường BĐS tại nhiều nước thường kéo dài 2-3 năm là phục hồi. Nhưng ở Việt Nam kéo dài suốt từ năm 2008 đến nay là quá lâu. Nhà đầu tư này cũng kỳ vọng một chu kỳ mới bắt đầu trở lại sau những tín hiệu khởi sắc thời gian gần đây.

Ông Phan Thành Huy, Tổng giám đốc Novaland, cho biết việc mở rộng điều kiện cho cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam sẽ xây dựng hình ảnh quốc gia thân thiện, cởi mở đón chào người nước ngoài đến làm ăn, học tập và tạo điều kiện cho họ an cư. Tuy nhiên cần quy định cụ thể người nước ngoài được mua và sở hữu nhà trong phân khúc cao cấp, nhằm tránh sự cạnh tranh với người dân thu nhập thấp trong nước chưa có nhà ở.

Ông Dương Long Thành, Tổng giám đốc CTCP Địa ốc Thắng Lợi, nhận định thị trường BĐS thời gian gần đây có dấu hiệu phát triển tích cực nhờ một số chính sách của Chính phủ. Đặc biệt việc Quốc hội vừa thông qua  Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) sẽ tạo cú hích để thị trường vượt qua khó khăn, phát triển mạnh trong thời gian tới.

Cũng tin tưởng thị trường BĐS năm 2015 sẽ có nhiều chuyển biến tích cực, ông Đoàn Chí Thanh, Tổng giám đốc Công ty Địa ốc Hoàng Anh, cho rằng hiện gói tín dụng 30.000 tỷ đồng được mở rộng rất nhiều cả về đối tượng, điều kiện vay, đã đẩy tốc độ giải ngân tăng nhanh. Năm 2015 dòng sản phẩm này sẽ tiếp tục chủ đạo thị trường, vì vậy Chính phủ cần kéo dài thời gian thực hiện thay vì đến tháng 6-2016 sẽ kết thúc như dự kiến.

Tháo gỡ cản ngại

Báo cáo tại kỳ họp HĐND TPHCM vừa qua, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín cho biết toàn TP có 1.403 dự án phát triển nhà ở với tổng diện tích đất 11.861,67ha, tổng diện tích xây dựng sàn 51,307 triệu m2, quy mô 506.547 căn. Đến nay đã có 426 dự án hoàn thành (30,36%); 201 dự án đang xây dựng (14,33%); 689 dự án ngưng triển khai (49,1%); 85 dự án đã hủy bỏ hoặc thu hồi chủ trương đầu tư (6,1%).

TP đang rà soát 689 dự án phát triển nhà ở tạm ngưng triển khai để phân loại nhằm có biện pháp giải quyết cho phù hợp với từng loại dự án. Các doanh nghiệp BĐS đã bán được 7.256 căn/14.490 căn hộ tồn đọng từ cuối năm 2012; thị trường từng bước khôi phục, nhất là phân khúc trung bình.
 

Khách hàng tìm hiểu thông tin các dự án của Novaland.

TP đã chấp thuận 8/11 dự án đủ điều kiện được chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội; 9/21 dự án nhà ở thương mại đủ điều kiện chuyển căn hộ diện tích lớn sang diện tích nhỏ. Đến nay vốn tín dụng hoạt động kinh doanh BĐS chiếm 12,24% tổng dư nợ.

Đặc biệt, chương trình hỗ trợ vay nhà ở trên địa bàn đến 15-10 đã có 1.417 khách hàng ký hợp đồng tín dụng với ngân hàng thương mại, tổng hạn mức tín dụng đã ký kết trên 1.421 tỷ đồng, trong đó 1.314 khách hàng đã giải ngân 752,74 tỷ đồng, dư nợ hiện tại 727 tỷ đồng.

Ông Trương Minh Thuận, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư Kinh doanh nhà TP, cho rằng thị trường M&A BĐS đang diễn ra khá sôi động, đặc biệt tại TPHCM và Hà Nội. Số lượng chủ đầu tư ít đi sau quá trình thanh lọc của thị trường nhưng đó lại là một thế lực mới có tiềm lực thực sự. Sau giai đoạn khủng hoảng, thị trường BĐS đang bước vào một chu kỳ mới, một cuộc chơi mới quy củ và minh bạch hơn.

Một nhóm mới đang dần lộ diện tạo nên thế lực mới trên thị trường địa ốc, sẽ ngày càng sáng tỏ hơn trong thời gian tới. Tuy nhiên, thị trường có tín hiệu phục hồi nhưng chưa bền vững. Hàng trăm dự án bị ngưng trệ chứng tỏ nhiều doanh nghiệp vẫn còn rất khó khăn. Vì thế, Chính phủ, chính quyền TP cần tạo thuận lợi hơn nữa về thủ tục đầu tư, xác định giá đất… để giảm khó khăn, giúp doanh nghiệp tạo đà, bắt nhịp mới năm 2015.

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Đầu tư