Thị trường BĐS 2014: Nửa đầu chưa xuôi, nửa cuối chưa thoát

Cập nhật 25/07/2014 14:23

Dù đánh giá những tháng cuối năm thị trường sẽ có sự cải thiện, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn và khó có chuyện tăng giá

Dù đánh giá những tháng cuối năm thị trường sẽ có sự cải thiện, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn và khó có chuyện tăng giá

Dù Bộ Xây dựng có đánh giá, thị trường BĐS đã ấm lên, hàng tồn kho giảm… nhưng với chủ đầu tư, chỉ có rất ít dự án giá rẻ may ra cứu vãn được. Một đại diện công ty địa ốc đánh giá, 6 tháng đầu năm, thị trường BĐS mới “ấm”, mới “hồng” một chút và chỉ ở một số phân khúc. Chưa thể thoát khỏi khó khăn, mà thực tế vẫn còn rất nhiều khó khăn phía trước.

Ảnh minh họa

Tại thị trường TP. Hồ Chí Minh có tới 900 dự án “đắp chiếu”, thậm chí có thể còn nhiều hơn vì có những dự án im lìm để đó nhưng không báo cáo. “Số lượng dự án sôi động trên thị trường chỉ không quá 30 dự án, tức là chỉ chiếm 4%, còn 96% dự án vẫn giao dịch ảm đạm. Trong số 30 dự án thì có 20 dự án có giá bán dưới 1 tỷ đồng/căn hộ, còn 10 dự án có giá bán từ 1,5-2 tỷ đồng/căn”, vị đại diện này cho hay.

Bên cạnh đó, chính sách trong thời gian qua chưa có nhiều tác động hay giúp ích nhiều cho thị trường BĐS, ngoại trừ một số thay đổi tại Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2014, có thể giúp giảm bớt thời gian và giấy tờ trong thủ tục hành chính về đất đai.

Cũng đánh giá thị trường BĐS có sôi động hơn, nhưng TS. Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng khẳng định, thị trường phát triển chưa ổn định bởi nền kinh tế chung chưa hồi phục hẳn. Chính sách đưa ra thì nhiều, nhưng thực hiện thì chưa được mấy, chưa có tác động nhiều.

Vốn FDI vào thị trường BĐS trong nửa đầu năm 2014, đạt 692 triệu USD, tăng 65% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường chứng khoán đã tăng trở lại sau khi sụt giảm vào tháng 5, lượng khách nước ngoài đến Việt Nam 6 tháng đầu năm 2014 tăng 21% so với cùng kỳ năm trước. Ngân hàng Thế giới vẫn duy trì mức dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2014 ở mức 5,4%.

Cùng với đó, các giải pháp của Chính phủ đang tiếp tục được triển khai tốt. VAMC đã mua gần 51 nghìn tỷ đồng nợ xấu, tăng trên 11 nghìn tỷ đồng so với tháng 12/2013. Gói kích cầu 30 nghìn tỷ đồng đã giải ngân 7%, tăng 4% so với cuối tháng 2/2014. NHNN tính dòng vốn chảy vào Việt Nam trong năm 2014 đạt xấp xỉ 26 tỷ USD… Đó là những tiền đề, điều kiện quan trọng mà CBRE cho rằng, thị trường BĐS sẽ có sự thay đổi trong tương lai, nhất là trong những tháng cuối năm nay.

Ông Marc Townsend, Tổng giám đốc điều hành CBRE Việt Nam cho rằng, phân khúc nhà bình dân vẫn “nóng”. Phân khúc trung và cao cấp sẽ có nhiều người mua để ở hơn và làn sóng đầu tư căn hộ mua để cho thuê sẽ quay trở lại phân khúc cao cấp. “Giá căn hộ có xu hướng giảm nên người mua có thể nâng cấp lên phân khúc nhà có chất lượng tốt hơn”, ông Marc Townsend nhận định. Bên cạnh đó, nhiều chủ đầu tư bắt đầu xem xét khởi động lại kế hoạch phát triển dự án nhà ở và khu đô thị trước đây của mình. Những dự án tại vị trí vàng vẫn nằm im sẽ được chuyển đổi công năng. Dọc hai bờ sông Hồng sẽ mọc nhiều dự án mới...

Bà Ngô Hương Giang, Quản lý cấp cao bộ phận nghiên cứu và tư vấn của Savills cũng cho rằng: Với sự đầu tư bài bản hơn của các chủ dự án, cùng với những hỗ trợ về vốn như nới lỏng cơ chế cho vay, tăng tỷ lệ cho vay với từng dự án, căn hộ… thì từ nay đến cuối năm thị trường sẽ có sự cải thiện. Nhưng, nếu nói thị trường hết trầm lắng thì rất khó. Cùng với đó, xu hướng tăng giá thì chưa hẳn đã hình thành.

Không lạc quan như CBRE hay Savills, ở góc độ chủ đầu tư, ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành vẫn thẳng thắn đánh giá: Thị trường 6 tháng cuối năm khó khăn vẫn chồng chất khó khăn, những dự án có mức giá phù hợp thì vẫn cứ “sôi”, còn những dự án “đắp chiếu” nếu không có sự hỗ trợ về chính sách thì vẫn chưa có cải thiện. Còn về giá nhà khó có thể giảm thêm ở những dự án đang chào bán 14-15 triệu đồng/m2, chỉ có những dự án chung cư cao cấp mới có thể có chuyện giảm giá.

DiaOcOnline.vn - Theo Thời báo Ngân hàng