Thị trường bất động sản TP.HCM: Nguồn vốn đang dồi dào

Cập nhật 19/09/2007 11:00

Khi thị trường vốn cho thị trường bất động sản (BĐS) được khai thông, các dự án BĐS huy động vốn sẽ dễ dàng hơn trước rất nhiều....

Khi thị trường vốn cho thị trường bất động sản (BĐS) được khai thông, các dự án BĐS huy động vốn sẽ dễ dàng hơn trước rất nhiều. Thậm chí các ngân hàng còn cạnh tranh nhau để cho vay. Tuy nhiên,  các nhà đầu tư tài chính cũng không đầu tư đại trà mà vẫn xem xét rất kỹ tiềm năng phát triển của doanh nghiệp trước khi bỏ vốn đầu tư.

Khai thông nguồn vốn


Theo các chuyên gia BĐS, thời gian qua khi thị trường BĐS đóng băng, nguồn vốn cho thị trường BĐS rất hạn hẹp do ngân hàng thắt chặt chính sách cho vay. Các chủ doanh nghiệp BĐS đi lên từ nguồn vốn hạn hẹp tích lũy được ở giai đoạn phân lô bán nền trước đó gần như mất năng lực tài chính để đáp ứng định hướng phát triển đô thị mới theo hướng hình thành các khu dân cư tập trung, cao tầng đầy đủ cơ sở hạ tầng. Vì vậy, họ rất khó huy động thêm vốn dù chỉ là vài chục tỉ đồng.

Khoảng cuối năm 2006, nguồn vốn  cho thị trường BĐS đã đảo chiều ngoạn mục. Ông Huy Nam, chuyên viên kinh tế và chứng khoán của TP. HCM phân tích, vốn cho thị trường BĐS đã được khai thông từ nhiều nguồn, xuất phát từ sức hấp dẫn của thị trường BĐS trong tình hình cơ sở hạ tầng phát triển quá chậm so với nhu cầu của nền kinh tế sau một thời gian "nghỉ đông" quá dài. Đầu tiên, nguồn vốn đầu tư nước ngoài đổ vào thị trường nhằm đón đầu cơ hội phát triển các loại hình BĐS thời "hậu WTO".

Nhiều doanh nghiệp FDI triển khai các dự án vốn hàng chục, hàng trăm triệu đô la Mỹ tại các trung tâm đô thị lớn làm cho thị trường BĐS "nóng" lên từng ngày, từng tháng. Các quỹ đầu tư nước ngoài bắt đầu tìm kiếm cơ hội tham gia vào thị trường, các quỹ đầu tư chuyên ngành cũng bắt đầu xuất hiện. Mặc dù trong thời gian đầu còn loay hoay tìm hướng tiếp cận thị trường, nhưng sau mấy lần tăng vốn, các quỹ này đã và đang phát huy tác dụng rất hiệu quả.

"Nhờ huy động được lượng vốn nhiều ngàn tỉ đồng, các ngân hàng không chỉ chuyển vốn sang đầu tư BĐS dưới nhiều hình thức mà bắt đầu cạnh tranh cho vay để giải ngân. Nhờ đó, khách hàng là các chủ đầu tư dự án cũng như những cá nhân vay mua nhà đất có thêm nhiều hình thức vay ưu đãi, linh hoạt và dài hạn hơn. Điều này mang ý nghĩa kích cầu quan trọng, tạo thêm sự sôi động cho thị trường BĐS"- ông Huy Nam nhận xét.

Chọn dự án tốt để đầu tư

Thời gian gần đây, thị trường BĐS đang có xu hướng tăng cường hợp tác giữa các nhà đầu tư dưới nhiều hình thức như hợp đồng hợp tác kinh doanh, thành lập liên doanh, mua bán cổ phần để trở thành đối tác chiến lược của nhau... Ông Trương Thái Sơn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Địa ốc Hoàng Quân nhận định, sự hợp tác diễn ra liên tục và đa dạng giữa các doanh nghiệp BĐS với nhau, giữa doanh nghiệp BĐS với các đối tác trong chuỗi cung ứng sản phẩm dịch vụ liên quan đến việc phát triển dự án BĐS, với các định chế tài chính trong và ngoài nước, các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính, thậm chí là giữa các doanh nghiệp ngoài ngành nhưng có nhu cầu đầu tư vào BĐS...

Các doanh nghiệp chọn đối tác dựa trên thương hiệu và những điều kiện phù hợp chứ không phân biệt trong hay ngoài nước. Quá trình này đang tháo gỡ bài toán về vốn tại nhiều doanh nghiệp.

Một động thái nữa cho thấy sự chuyển động mang tính chất khá tích cực của dòng vốn đổ vào thị trường BĐS, đặc biệt là ở 2 đô thị lớn Hà Nội và TP.HCM, là sự xuất hiện của một số doanh nghiệp Nhà nước có tầm cỡ thuộc hàng "đại gia". Đó là sự hình thành một thương hiệu mới trên thị trường BĐS - LILAMA LAND, do Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam (Bộ Xây dựng), một thương hiệu hàng đầu  của ngành công nghiệp lắp máy xây dựng ở Việt Nam đã hợp tác với một số đối tác có tiềm năng để nhảy vào thị trường kinh doanh hoàn toàn mới so với ngành nghề truyền thống lắp máy là BĐS.

Mới đây nhất, một "đại gia" nữa là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng đang có ý định hình thành một Tổng Công ty chuyên đầu tư và kinh doanh địa ốc. Một quan chức của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho biết: Đối với ngành Dầu khí, không quan trọng chuyện vốn liếng, bởi nguồn vốn của Tập đoàn rất dồi dào có thể đáp ứng một lúc cả ngàn tỷ đồng cho việc kinh doanh địa ốc, nhưng quan trọng nhất vẫn là việc chuẩn bị nguồn nhân lực chuyên nghiệp và "thiện chiến" cho một "sân chơi" mới là thị trường BĐS và việc làm sao để chọn lựa được các dự án BĐS tốt để đầu tư hiệu quả.

Cũng theo ông này, sự ra mắt sắp tới của Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng và Đô thị trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, được nâng cấp lên từ Ban Quản lý Dự án các công trình xây dựng phía Nam, là một động thái tích cực cho việc hướng tới xây dựng một Tổng Công ty chuyên đầu tư và kinh doanh địa ốc của ngành Dầu khí Việt Nam với thương hiệu PETRO LAND.

Theo Hoàng Hoa - BTN & MT