Thị trường bất động sản TP.HCM: “Hai màu sáng tối”

Cập nhật 11/04/2009 17:05

Sau hơn 2 năm gia nhập Việt Nam gia nhập WTO, thị trường bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phân chia rõ "hai màu sáng tối."

Sau hơn 2 năm gia nhập Việt Nam gia nhập WTO, thị trường bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phân chia rõ "hai màu sáng tối."

Các chuyên gia Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, sau hơn 2 năm gia nhập Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), thị trường bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phân chia rõ "hai màu sáng tối."

Nhận định này được cụ thể hóa trong đề tài "Đánh giá tác động của việc gia nhập WTO đến thị trường bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh" vừa được Viện Nghiên cứu phát triển nghiệm thu đầu đầu tháng 4/2009.

Thống kê sơ bộ của nhóm nghiên cứu cho thấy, trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, có khoảng 19.000 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên, đa số là doanh nghiệp nhỏ thiếu kinh nghiệm, vốn ít, nên chỉ đầu tư những dự án nhỏ lẻ. Thị trường sôi động là phụ thuộc vào hơn 1.000 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản có dự án đầu tư thường xuyên.

Trong giai đoạn 2003-2008, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã giao tổng cộng 475 dự án nhà ở cho các doanh nghiệp, với tổng diện tích đất hơn 4.000 ha. Con số này cho thấy, quỹ đất cung ứng cho thị trường sơ cấp rất lớn, nhưng đầu tư các dự án quá chậm nên sản phẩm cung cấp cho thị trường thứ cấp quá ít so với nhu cầu. Đây là lý do chính gây ra “cơn sốt giá nhà đất” cuối năm 2007.

Tuy nhiên do có đến 50% số dự án được việc giao đất có quy mô khoảng 5ha/dự án nên xuất hiện tình trạng manh mún, hạ tầng phát triển không đồng bộ và không kết nối, dẫn đến tình trạng ngập lụt ngày càng gia tăng tại các khu vực đô thị hóa ven thành phố.

Ngay sau khi Việt Nam gia nhập WTO, dòng chảy của vốn đầu tư từ các tập đoàn nước ngoài đã “cuồn cuộn chảy” vào thị trường bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh. Số liệu thống kê cuối năm 2007, cho thấy, thị trường bất động sản chiếm đến 50% vốn đầu tư nước ngoài, cả về số dự án lẫn tổng vốn đầu tư.

Cụ thể, năm 2007, đã có 24 dự án đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bất động sản, với tổng vốn đầu tư hơn 1.530 triệu USD, gần gấp 2 lần tổng vốn đầu tư từ năm 2000 đến năm 2006 cộng lại. Con số này tiếp tục tăng lên sang năm 2008, khi có 45 dự án đầu tư vào lĩnh vực bất động sản với tổng vốn đầu tư lên gần 3 tỷ USD.

Theo nhận định của Tiến sỹ Đỗ Thị Loan, Tổng Thư ký Hiệp hội bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh, việc FDI tăng mạnh vào lĩnh vực bất động sản sẽ góp phần rất quan trọng vào việc đô thị hóa, nâng cấp cơ sở hạ tầng.

Thực tế cho thấy tại Thành phố Hồ Chí Minh, hầu hết các dự án, công trình căn hộ có quy mô lớn, những khách sạn 5 sao đều có vốn đầu tư nước ngoài.

Một góc nhìn khác, việc gia nhập WTO đã đem đến nguồn vốn dồi dào, nhờ đó thị trường nhà ở đã khởi sắc mạnh mẽ. Chỉ tính đến cuối năm 2007, trên địa bàn thành phố, có 23 dự án hoàn thành cung cấp cho thị trường 6.400 căn hộ, thuộc các dự án Cantavil, Garden Plaza, Hoàng Anh Gia Lai 1, Botanic, Tanda Court.

Ngoài ra, còn có 26 dự án khởi công cung cấp thêm 12.000 căn hộ. Đến giữa năm năm 2008, đã có 31 dự án hoàn thành như Saigon Pearl, Panorama, Hùng Vương Plaza, Phú Mỹ, Garden Plaza 2, Hoàng Anh Gia Lai 2. Đến năm 2010, dự kiến có tiếp 40 dự án hoàn thành tạo ra nguồn cung khá dồi dào cho thị trường thành phố.

Các chuyên gia nghiên cứu cũng lưu ý đến mảng tối đã xuất hiện bên cạnh những thành quả của việc thu hút FDI vào thị trường bất động sản.

Trong 2 năm qua, sự chuyển hướng của 50% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cùng với một lượng lớn vốn của các doanh nghiệp nhà nước sang khu vực bất động sản với giá trị bị thổi phồng, gây ra hiện tượng đầu cơ, sốt ảo. Điều này khiến tín dụng nội địa tăng vọt, làm nền kinh tế trở nên quá nóng và tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Vốn đầu tư FDI được “bơm nhanh” vào thị trường bất động sản đồng nghĩa với nguy cơ nhập siêu tăng cao trong tương lai, bởi các nhà đầu tư phải nhập khẩu nguyên vật liệu xây dựng, thiết bị nội thất ngày càng nhiều để triển khai các dự án.

Ngoài ra phần lớn vốn FDI trong lĩnh vực bất động sản chủ yếu được dồn vào kinh doanh văn phòng, căn hộ cao cấp và khách sạn du lịch để thu lợi. Trong khi đó, phân khúc nhà ở cho người có nhu cầu thực sự có thu nhập trung bình và thấp hầu như không có dẫn đến sự mất cân đối trong cung cầu nhà ở của người dân.

Hơn nữa, các dự án bất động sản với hàng hóa là căn hộ, nhà cửa về bản chất không tham gia xuất khẩu nên sẽ gây khó khăn cho việc cân đối ngoại tệ của Việt Nam, dù rằng các nhà đầu tư nước ngoài thu hồi vốn bằng nội tệ nhưng lại chuyển vốn ra nước ngoài bằng ngoại tệ.

Vốn đầu tư FDI đổ vào nhiều, trong khi cơ sở hạ tầng hiện tại chưa đáp ứng một cách toàn diện cho sự phát triển ồ ạt các dự án bất động sản sẽ dễ phát sinh tình trạng kẹt xe, ngập nước ngày càng trầm trọng, ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng.

Ngoài việc nhìn nhận chung về hiện trạng của thị trường bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh sau hơn 2 năm Việt Nam gia nhập WTO, nhóm nghiên cứu còn dự báo rằng, từ nay đến cuối năm 2009, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản sẽ đối mặt với nhiều thách thức.

Một số dự án có vốn đầu tư lớn của các nhà đầu tư nước ngoài sẽ bị "treo," các dự án cao ốc văn phòng sẽ chậm đầu tư; khả năng thị trường “nóng” trở lại trong vòng một năm tới là rất khó.

DiaOcOnline.vn - Theo Địa Ốc Pháp Luật