Dù ít được công bố rộng rãi, song gần đây, thị trường bất động sản TP. HCM đang diễn ra cơn sóng ngầm về mua bán (M&A) dự án bất động sản.
Nhiều dự án bất động sản “hồi sinh” nhờ những cái bắt tay - Ảnh: Hoài Nam
|
Các doanh nghiệp đang có lợi thế về tài chính và thương hiệu xem đây là cơ hội để mua lại hàng loạt dự án của các doanh nghiệp có khó khăn về tài chính.
Nhiều dự án đổi chủ
Nhiều năm trước đây, giới kinh doanh địa ốc ở TP. HCM từng được biết đến khu đất có vị trí khá đắc địa tại số 39 Bến Vân Đồn, quận 4, TP. HCM do Công ty Quốc Cường Gia Lai làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, gần đây, bảng hiệu quảng bá trên khu đất này đã xuất hiện tên chủ đầu mới là Tập đoàn Novaland với tên Dự án The Tresor.
Theo nguồn tin của chúng tôi, Novaland đã mua lại dự án này từ Quốc Cường Gia Lai với giá hơn 830 tỷ đồng. Sau khi mua lại dự án này, Novaland đang xây dựng thành dự án khu căn hộ, thương mại, văn phòng. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, Novaland đã mua lại hàng loạt dự án bất động sản, trong đó có nhiều dự án chưa chính thức được công bố.
Cuối tuần trước, trao đổi với Đầu tư Bất động sản, bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch HĐQT Công ty Quốc Cường Gia Lai chia sẻ, dù chưa chính thức đặt bút ký kết hợp tác, nhưng Công ty Phú Mỹ Hưng là đơn vị có khả năng sẽ bắt tay với Quốc Cường Gia Lai triển khai Dự án Khu dân cư Phước Kiểng Nhà Bè. Theo kế hoạch, Phú Mỹ Hưng sẽ góp 51% vốn để triển khai dự án này, hiện đối tác này đang hỗ trợ Quốc Cường Gia Lai trong việc tư vấn làm bờ kè và các hạng mục hạ tầng.
Theo bà Loan, Phước Kiểng Nhà Bè là dự án khu dân cư có quy mô lớn, với khoảng 93 héc-ra. Đây là dự án mà Quốc Cường Gia Lai đặt nhiều tâm huyết, kỳ vọng và đã đổ khá nhiều vốn vào đây.
Ngoài những dự án kể trên, nguồn tin riêng của Đầu tư Bất động sản cho biết, mới đây nhất, Tập đoàn Hưng Thịnh đã chi hơn 600 tỷ đồng để mua lại một dự án tại quận Tân Bình. Theo kế hoạch, sắp tới, Hưng Thịnh sẽ xây dựng một dự án căn hộ tại khu đất này. Trước đó không lâu, Hưng Thịnh và CTCP Cơ khí - Xây dựng Bình Triệu đã bắt tay hợp tác đầu tư Dự án Khu dân cư Bình Triệu.
Tập đoàn Đất Xanh (DXG) cũng cho biết, vừa mua lại một dự án bất động sản có quy mô diện tích hơn 7,5 héc-ta tại vị trí khá đắc địa ở quận 9, TP. HCM. Đây là thương vụ mua dự án mới nhất của DXG trong năm nay. Trước đó, DXG đã mua lại thành công Dự án Water Garden (khu dân cư phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP. HCM) từ CTCP Phát triển hạ tầng và bất động sản Thái Bình Dương (PPI).
Theo ông Lương Trí Thìn, Chủ tịch HĐQT DXG, từ đầu năm đến nay, DXG đã mua lại 4 dự án bất động sản và từ đây đến tháng 3/2015, DXG sẽ đẩy mạnh việc mua lại các dự án để tạo quỹ đất phát triển cho chiến lược phát triển của DXG trong 5 năm kế tiếp.
Một đại gia khác trong lĩnh vực đầu tư địa ốc, được biết đến đã mua lại khá nhiều dự án bất động sản gần đây, nhưng chưa được chính thức công bố là Tập đoàn Him Lam. Một nguồn tin cho biết, gần đây nhất, Him Lam đã đã chi 1.050 tỷ đồng để mua lại dự án tại quận Thủ Đức của Hoàng Anh Gia Lai và mua lại một dự án có quy mô khá lớn khác tại quận 2, TP. HCM.
Xu hướng tích cực
Theo phân tích của giới kinh doanh địa ốc, sự khởi sắc của thị trường bất động sản thời gian qua đã mang lại nhiều cơ hội cho những doanh nghiệp có dự án tốt. Việc các doanh nghiệp có năng lực tài chính, có hoạt động đầu tư kinh doanh chuyên nghiệp mua lại những dự án "chết" là cơ hội để sắp xếp lại trật tự mới cho thị trường bất động sản.
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cho rằng, có thể xem những doanh nghiệp như Novanland, Hưng Thịnh… là những “người hùng” của thị trường bất động sản thời gian qua. Bởi không có những doanh nghiệp này, chưa hẳn thị trường đã sôi động và còn có nhiều dự án khác còn đang phải trùm mền.
“Không nói đâu xa, lấy dẫn chứng từ Công ty Đất Lành. Chúng tôi cũng từng rơi vào tình trạng khó khăn, vì khi triển khai Dự án 8x Thái An ở quận 12, nhưng không bán được hàng. Sau khi có sự hợp tác của Hưng Thịnh, chỉ sau thời gian ngắn, dự án đã bán sạch hàng”, ông Đực nói và cho rằng, việc doanh nghiệp mạnh mua lại dự án của doanh nghiệp yếu là xu hướng tích cực cho thị trường, hoạt động này không chỉ có lợi cho bên mua, mà cả bên bán.
Còn theo nhận định của Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh, hoạt động doanh nghiệp mạnh mua lại dự án hoặc cùng bắt tay hợp tác là hoạt động mang tính nhân văn rất lớn.
“Mua bán dự án diễn ra càng mạnh mẽ sẽ càng góp phần tạo sự phát triển ổn định cho thị trường bất động sản và kinh tế vĩ mô. Bởi lẽ, hoạt động mua bán dự án hiện nay có thể được hiểu là sự điều chuyển các dự án từ những doanh nghiệp không có nhu cầu hoặc thiếu tính chuyên nghiệp sang các doanh nghiệp chuyên nghiệp, mạnh về tài chính để triển khai, tránh tình trạng dự án bị đắp chiếu, hàng tồn kho gia tăng”, ông Trung nói và cho biết, thời gian qua, Hưng Thịnh đã làm việc với khá nhiều đối tác là các doanh nghiệp nhà nước đang muốn thoái vốn khỏi các dự án bất động sản.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Bất động sản