Thị trường Bất động sản: Thông tin chưa đứng về người mua

Cập nhật 07/06/2015 08:15

Thông tin trên thị trường bất động sản được cho là vẫn thuộc về người bán, khách hàng khó để biết được đâu là thông tin chính xác.

Thông tin trên thị trường bất động sản được cho là vẫn thuộc về người bán, khách hàng khó để biết được đâu là thông tin chính xác.

Người dân đang kỳ vọng sẽ có thị trường BĐS minh bạch với những thông tin cập nhật, đáng tin cậy. Ảnh: Hoài Anh.


Thị trường phát triển “kiểu người mù”?

Hiện nay, thông tin về các dự án nhà ở với giá cả, chất lượng, dịch vụ, những phân tích, nhận định về thị trường BĐS tại các phân khúc, vị trí... rất phong phú và đa dạng. Đặc biệt, sau thời kỳ trầm lắng, thị trường BĐS bắt đầu có bước phục hồi khi sự quan tâm của khách hàng đối với các dự án nhà ở cũng như các giao dịch đã tăng lên. Tuy nhiên, từ năm 2014, theo nhận định của các chuyên gia, trên thị trường bắt đầu có sự xuất hiện của những thông tin gây nhiễu khi giá cả của các dự án trên thị trường thiếu tính thống nhất. Nhiều thông tin cho rằng sẽ có sự khan hiếm, nóng sốt sản phẩm tại một số phân khúc khiến người tiêu dùng băn khoăn không biết tin vào đâu.

Theo giới chuyên gia, hiện nay thông tin phân tích, nhận định về thị trường BĐS đang được dẫn dắt bởi một số công ty nghiên cứu thị trường như Savillse, CBRE... Không phủ nhận những đóng góp và tầm quan trọng của các thông tin này, tuy nhiên, những công ty này cũng là DN, vì vậy về độ chính xác cũng như tính khách quan của các thông tin này còn nhiều ý kiến trái chiều. Bên cạnh đó, khi tìm hiểu thông tin tại các sàn giao dịch, (phóng viên trong vai khách hàng) thường nhận được lời tư vấn về việc giá nhà ở đã tăng và sẽ tăng thêm trong thời gian tới, trong khi thực tế tồn kho BĐS vẫn còn cao và ngay cả khi giá có dấu hiệu đi xuống.

Chưa kể, một số trang web thường có lời rao bán nhà với giá rẻ hơn giá của chủ đầu tư, nhưng khi phóng viên gọi điện thì họ thường báo hết hàng và tư vấn sang căn khác với giá cao hơn. “Hiện tượng này làm nhiễu thị trường, làm cho người mua nhà không biết tin vào đâu, cảm giác rất mong manh, dễ tổn thương, dễ bị lừa, mua xong mới biết bị hớ”, ông Vũ Đình Trung, Giám đốc Công ty Cổ phần BĐS Viethome nhận xét.

Nhiều ý kiến cho rằng thị trường hiện nay thiếu thông tin dành cho người mua, bởi thông tin trên thị trường gần như “đứng về phía người bán”. Việc thông tin trên thị trường đa phần có lợi cho người bán gây tâm lý băn khoăn cho khách hàng, bởi họ không biết đâu mới là thông tin chính xác.

Về vấn đề này, phát biểu trong một hội thảo về cơ hội kinh doanh khi thị trường BĐS ấm lên được tổ chức cách đây chưa lâu, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng “thị trường BĐS đang phát triển theo kiểu của người mù”, không có những dự báo mà chỉ có nhà đầu tư tự đưa ra những phân tích. Thị trường BĐS vẫn còn có những bí mật, những thông tin riêng, nhưng những thông tin về sản phẩm cần phải “mở” để thị trường có sức sống.

Đồng quan điểm, ông Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính, Giám đốc trường đào tạo cán bộ BIDV cho rằng, bên cạnh các tồn tại của thị trường BĐS hiện nay như chưa có hệ thống tài chính đa dạng cho BĐS; tính thanh khoản còn kém do giá BĐS còn cao; các thị trường liên quan đến BĐS chưa phát triển đồng bộ, tương thích với BĐS, thì thị trường BĐS còn có hạn chế lớn là hệ thống thông tin dự báo về BĐS còn chưa đồng nhất, thiếu tin cậy, gây khó khăn trong thẩm định, quản lý, cho vay...

Cần có chế tài xử lý việc đưa thông tin sai lệch

Xuất phát từ lý do trên, các chuyên gia đã đề xuất ngành BĐS có một cơ quan thu nhận thông tin, dự báo tình hình, đánh giá nghiên cứu thị trường, kịp thời đưa ra những thông tin dự báo minh bạch, chính xác nhất cần thiết hỗ trợ DN, các nhà đầu tư cũng như người dân về mặt thông tin cũng như hoạch định chính sách cho ngành phát triển.

Ông Vũ Đình Trung cho rằng chúng ta không thể khẳng định được báo cáo của các công ty nghiên cứu thị trường hiện nay là có vấn đề, hay thông tin của các Hiệp hội là đúng hay sai, chính xác bao nhiêu %. Tuy nhiên, ông Trung khẳng định, việc thành lập Trung tâm thông tin về BĐS là rất quan trọng và cần thiết, bởi các thông tin do các chuyên gia phân tích, so sánh một cách độc lập, giúp cho thị trường minh bạch hơn, người dân có thêm nhiều nguồn tham chiếu. Nhưng cung cầu trên thị trường thay đổi liên tục, mức giá theo đó cũng thay đổi nên từ góc độ Nhà nước cũng khó kiểm soát, ông Trung lưu ý.

Các chuyên gia cho rằng, Bộ Xây dựng đang trong quá trình làm minh bạch hóa thị trường, vì thế phải làm sao quản lý tốt thông tin do các chủ đầu tư, các sàn giao dịch cung cấp và cần phải có chế tài rất cụ thể đối với những thông tin sai lệch trên mạng intrernet hoặc do các đơn vị này cung cấp. Nếu làm tốt điều này, thông tin trên thị trường không bị nhiễu như hiện nay.

Mới đây, để chuẩn hóa hoạt động môi giới BĐS, Hội Môi giới BĐS Việt Nam được thành lập. Một trong những lý do cho việc thành lập Hiệp hội BĐS Việt Nam là do thời gian qua, thiếu vắng một tổ chức nghề nghiệp, đại diện cho những nhà môi giới BĐS, thiếu quy chuẩn chung trong hoạt động hành nghề, nên trên thị trường vẫn còn tồn tại những môi giới thiếu chuyên nghiệp, làm ăn chộp giật, gây mất niềm tin của khách hàng, ảnh hưởng không nhỏ đến toàn bộ thị trường BĐS nói chung. Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Thông tư về cấp chứng chỉ hành nghề và hoạt động môi giới BĐS tại Việt Nam.

Bình luận về điều này, ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng : “Trước hết cần xác định không thể đứng nhìn thị trường hoạt động thiếu tính tích cực, vì thế việc ban hành Thông tư này là một trong những điểm khởi đầu cần thiết để chuẩn hóa hoạt động môi giới”. Thực tế hiện nay pháp luật không can thiệp hết được các nội dung của hoạt động môi giới BĐS cho nên cần phải xây dựng thêm bộ quy tắc ứng xử về đạo đức nghề nghiệp để hoàn thiện hoạt động này. Đặc thù của nghề môi giới là bán thông tin, cho nên thông tin đòi hỏi phải trung thực, chính xác, rõ ràng, đầy đủ. Tuy nhiên, theo ông Thành, cũng không nên quá kỳ vọng vào chỉ một Thông tư mà có thể ngăn ngừa được tình trạng “nhiễu” thị trường BĐS. Vì thế, ngoài việc cần chuẩn hóa khâu đào tạo, cấp chứng chỉ hành nghề thì điều quan trọng hơn là phải tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của đội ngũ những người làm môi giới BĐS. Đồng thời, cần có những chế tài mạnh xử lý những vi phạm trong hành nghề môi giới BĐS gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Về hoạt động trong lĩnh vực môi giới, cũng có ý kiến cho rằng nếu như Hội Môi giới ban hành thông tin ra thị trường thì đương nhiên Hội mong muốn đó là những thông tin có lợi cho người môi giới, có lợi cho người bán, chưa hẳn đã có lợi cho người mua. Điều này vì thế có thể dẫn đến hiện tượng thông tin đã  “lệch” nay càng  “lệch”  hơn.

DiaOcOnline.vn - Theo Hải quan