Thị trường bất động sản: “Soi” ngoại, tìm hướng cho nội

Cập nhật 09/12/2010 09:50

Nhiều quốc gia ở châu Á đã trải qua những khó khăn, bất cập trong nội tại thị trường bất động sản (BĐS) như chúng ta đang phải phải đối diện. Và họ đã dùng biện pháp gì để "ứng cứu" là kinh nghiệm, bài học quý giá cho các nhà tạo lập chính sách thị trường BĐS của Việt Nam.


Nhu cầu về nhà ở là mối quan tâm của nhiều người dân. Ảnh: Hải Linh
Nhiều quốc gia ở châu Á đã trải qua những khó khăn, bất cập trong nội tại thị trường bất động sản (BĐS) như chúng ta đang phải phải đối diện. Và họ đã dùng biện pháp gì để "ứng cứu" là kinh nghiệm, bài học quý giá cho các nhà tạo lập chính sách thị trường BĐS của Việt Nam.

Thay đổi tưduy: "Nếu chúng ta xây, họ sẽ mua"


Theo Viện Nghiên cứu Xây dựng và kinh tế Hàn Quốc, một xu hướng mới trên thị trường BĐS Hàn Quốc đã xuất hiện, thay vì xây dựng tập trung và phát triển quy mô lớn như trước kia, thị trường đã hướng tới nhu cầu cá nhân của người dân và đáp ứng những nhu cầu cụ thể tùy theo địa điểm. Xu hướng đa mục đích sử dụng và chuyển đổi chức năng đô thị tăng cũng tạo động lực cho nhu cầu mới. Ngoài ra, hệ thống và công nghệ cung cấp nhà ở Hàn Quốc hiện nay cũng phải thay đổi, để mở rộng các sản phẩm nhà ở mới như nhà ở "xanh" thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng và có tuổi thọ dài.

Trước đây, ngành công nghiệp BĐS và nhà ở Hà Quốc tập trung cung cấp lượng lớn nhà ở trong thời gian ngắn, dịch vụ nhà ở cũng tập trung vào số lượng nhiều hơn là chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, phúc lợi của thế hệ tương lai sẽ được đáp ứng đầy đủ với những căn hộ phù hợp từng đối tượng khách hàng. Chính phủ Hàn Quốc đã quan tâm đến nhu cầu nhà ở và nâng cao chất lượng nhà ở cho tầng lớp thu nhập thấp và thu nhập trung bình. Những tiêu chuẩn đánh giá BĐS thực tiễn và yêu cầu báo cáo chặt chẽ hơn, cung cấp các số liệu khác nhau, tạo ra một nền tảng cho thị trường minh bạch hơn cũng đã được thiết lập. Chính phủ xoá bỏ sự can thiệp bằng các biện pháp quản lý. Chủ đầu tư cung cấp nhà ở cũng cần thay đổi suy nghĩ "Nếu chúng ta xây, họ sẽmua", đồng thời phát triển, sáng tạo sản phẩm nhà ở mới, tập trung đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng.

Thực tế hiện nay có thể thấy rõ, tư duy: "Nếu chúng ta xây, họ sẽ mua" đang hiện hữu trên thị trường BĐS Việt Nam. Thị trường vẫn đang thuộc về người bán. Mặc dù BĐS đang trong thời nguội lạnh, cung gia tăng nhưng người có nhu cầu thực vẫn rất khó, thậm chí không thể tiếp cận với nhà giá gốc và không được đáp ứng đúng nhu cầu, đặc biệt với phân khúc nhà giá trung bình và giá thấp.

Đa dạng hóa nguồn vốn

Khuyến khích các nguồn vốn tư nhân vào phát triển đô thị là cách làm của Nhật Bản. Chính phủ hỗ trợ bằng các khoản vay không tính lãi hoặc lãi suất thấp bằng cách trực tiếp tham gia vào dự án của họ hoặc tăng cường cho vay nguồn vốn dài hạn thông qua Ngân hàng Phát triển Nhật Bản. Bên cạnh đó, Chính phủ Nhật Bản cũng mở ra nhiều phương thức huy động tài chính mới như chứng khoán hoá BĐS, tín thác đầu tư BĐS. Tín thác đầu tư BĐS được xem là kênh thu hút vốn hiệu quả, biện pháp này thu hút lớn nguồn vốn do các nhà phát triển BĐS tư nhân và các công ty xây dựng, nhờ thu hồi được nguồn vốn lớn từ thị trường chứng khoán và từ khoản vay của các ngân hàng tư nhân. Những con số để so sánh cho thấy rõ tính hiệu quả của việc thu hút được nhiều nguồn vốn, nếu thu nhập bình quân đầu người của Nhật Bản khoảng 50.000 USD/năm, thì Việt Nam chỉ hơn 1.100 USD/năm. Trong khi đó, giá BĐS của Nhật Bản và Việt Nam gần như nhau. Hy vọng một ngày nào đó sẽ không còn nghịch lý này.

Ở Việt Nam, tăng trưởng tín dụng cho BĐS còn quá xa so với nhu cầu phát triển của thị trường. Các kênh thu hút vốn cho thị trường ngoài nguồn vốn đầu tư nước ngoài và vốn trong dân thì hầu như chưa có kênh thu hút vốn chuyên biệt.

Để giải quyết vấn đề nan giải này, TS. Habibu lanh Khan - Tổ hợp giáo dục Singapore, cố vấn Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, trong tương lai, Việt Nam nên xây dựng kênh thu hút vốn chuyên biệt. Chẳng hạn, chú trọng vào nguồn vốn quỹ tiết kiệm trong nước để phát triển lâu dài, ngoài ra có thể sử dụng vốn FDI, ODA cũng là một nguồn vốn quan trọng cho những nước đang phát triển.

Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Xây dựng - Nguyễn Trần Nam, mô hình thích hợp cho Việt Nam là tạo lập quỹ tiết kiệm nhà ở. Mỗi người hưởng lương sẽ dành khoảng 1% lương hằng tháng, bất kể là người đã có nhà hay chưa có nhà, khi về hưu sẽ được hoàn trả lại. Đây sẽ là nguồn tài chính lớn để tạo quỹ nhà cho những người thu nhập thấp chưa đủ sức tự lo nhà ở.

DiaOcOnline.vn - Theo Kinh Tế Đô Thị