Thị trường bất động sản sẽ hồi phục?

Cập nhật 16/12/2013 13:08

Áp lực giảm giá bán bất động sản (BĐS) chỉ xuất hiện ở những công ty gặp khó khăn về tài chính, bị buộc phải thanh lý các dự án với giá thấp. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, việc mua lại các dự án này bởi các chủ đầu tư khác sẽ giúp giảm bớt áp lực giảm giá, trước khi các sản phẩm được đưa tới người mua cuối cùng.

Áp lực giảm giá bán bất động sản (BĐS) chỉ xuất hiện ở những công ty gặp khó khăn về tài chính, bị buộc phải thanh lý các dự án với giá thấp. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, việc mua lại các dự án này bởi các chủ đầu tư khác sẽ giúp giảm bớt áp lực giảm giá, trước khi các sản phẩm được đưa tới người mua cuối cùng.

Giải quyết hàng tồn kho tiếp tục là vấn đề nan giải của thị trường năm 2014

Nhìn lại toàn cảnh thị trường BĐS năm 2013 có thể thấy, kể từ khi thị trường BĐS lao dốc năm 2008, tín dụng đối với lĩnh vực này đã được thắt chặt. Tháng 7/2013, Chính phủ đã thành lập Công ty quản lý tài sản để mua lại nợ xấu ngân hàng. Đến tháng 9/2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cam kết nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư ngoại trong ngân hàng nội từ 30 - 49%. Gói 30.000 tỷ đồng khởi động trong năm nay phần nào thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc giải quyết nhu cầu nhà ở cho người dân. Dù vậy, theo các nhà phân tích, nhiều khoản nợ xấu vẫn còn liên quan đến BĐS. Bên cạnh đó, tốc độ giải ngân của gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng quá chậm, chưa tạo “cú huých” cho cả người bán và người mua.
Giáo sư Đặng Hùng Võ:

Nếu các doanh nghiệp tái cơ cấu nhanh, thị trường BĐS sẽ sôi động hơn vào năm 2015. Những khúc mắc, khó khăn hiện nay trên thị trường là hệ quả của một quá trình phát triển tự phát, không thể giải quyết ngay được nhưng rất cần sự quản lý, giám sát và khơi thông của nhà nước.
 

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, đến hết tháng 9/2013, tổng giá trị tồn kho BĐS trên toàn quốc khoảng 101.889 tỷ đồng; trong đó, căn hộ chung cư còn khoảng 23.007 căn, tương đương 34.358 tỷ đồng; nhà thấp tầng khoảng 14.920 căn, tương đương 26.367 tỷ đồng; đất nền nhà ở hơn 10,86 triệu m2, trị giá khoảng 34.983 tỷ đồng và xấp xỉ 2 triệu m2 đất nền thương mại với trị giá khoảng 6.191 tỷ đồng. Mặc dù lượng tồn kho còn rất lớn, nhưng so với thời điểm đầu quý III/2013, giá trị tồn kho đã giảm 5.603 tỷ đồng (5,21%). So với thời điểm sốt giá giai đoạn 2008- 2010, nhiều dự án giá giảm tới 50%, trở về giá tương đương thời điểm năm 2006. Hầu hết các dự án đã giảm từ 10-30% giá bán. Một số nhà đầu tư nước ngoài cho rằng, đây là thời cơ tốt để mua vào.

Tại Hội thảo Đánh giá về tác động của các chính sách đến kinh tế Việt Nam 2013 và triển vọng 2014 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức mới đây, bà Mai Thị Thu – Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế, xã hội quốc gia - cho rằng: Các giải pháp về giải quyết hàng tồn kho đã phát huy tác dụng, thể hiện ở số liệu hàng tồn kho giảm qua các tháng. Tuy nhiên, mức giảm này một phần là do doanh nghiệp dừng hoặc giảm sản xuất hàng hóa mới, chứ chưa phải do thị trường được mở rộng và sức mua tăng. Đối với BĐS, tuy lượng tồn kho giảm nhiều từ giữa năm đến nay, nhưng lượng hàng còn rất nhiều so với khả năng hấp thụ của thị trường. Do vậy, giải quyết hàng tồn kho sẽ tiếp tục là vấn đề nan giải cho năm 2014.

Để cải thiện tình hình, hiện Việt Nam vẫn đang nghiên cứu việc cho phép người nước ngoài mua hơn một căn hộ, được sở hữu nhà ở hơn 50 năm và mua đất. Các chuyên gia cho rằng, những thay đổi này có thể giúp Việt Nam cạnh tranh với nhiều nước Đông Nam Á khác về thu hút đầu tư nước ngoài. Mặc dù vậy, những khó khăn về tình hình nợ xấu và dự án bỏ hoang vẫn sẽ là những thách thức cho thị trường BĐS năm 2014.

DiaOcOnline.vn - Theo Công thương