Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính. Images: Minh Trang |
Nhiều chuyên gia đánh giá về thị trường bất động sản (BĐS) 2012 tiếp tục gặp khó khăn vì thiếu vốn.
Và mới đây, trong báo cáo nghiên cứu "Xu hướng thị trường và các nhân tố ảnh hưởng đến nhu cầu tín dụng nhà ở trên thị trường bất động sản đô thị" của Vietnam Report cũng đã đề cập tới vấn đề tín dụng ảnh hưởng đến thị trường BĐS.
Ảnh hưởng từ kinh tế vĩ mô
Năm 2011 sắp kết thúc và khi thời hạn Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các Ngân hàng Thương mại đưa tỷ trọng cho vay về dưới 16%, dự báo thị trường BĐS Việt Nam sẽ có nhiều biến động.
Trên thực tế, thời điểm khó khăn nhất của kinh tế vĩ mô Việt Nam đang dần qua, nhưng nhìn tổng quan kinh tế thế giới vẫn chưa hồi phục và lòng tin của nhà đầu tư đối với Việt Nam suy giảm. Bên cạnh đó, tăng trưởng kinh tế chậm do thắt chặt tiền tệ, thắt chặt tài khóa… Điều này khiến cho triển vọng thị trường BĐS năm 2012 có thể phục hồi chậm chạp. Đồng thời, việc thắt chặt tín dụng BĐS cả phía cung lẫn cầu cũng là một trở ngại lớn đối với khả năng phục hồi của thị trường BĐS. Báo cáo của Vietnam Report cho rằng, ngoài những yếu tố trên, việc cấp phép, hoàn thiện các thủ tục hành chính cho các dự án đầu tư xây dựng còn rườm rà cũng là một trong những trở ngại để thị trường BĐS phát triển ấm trở lại.
Chưa hết sức hút đầu tư
Mặc dù theo dự báo, thị trường BĐS ảm đạm và khả năng phục hồi chậm chạp, nhưng theo kết quả khảo sát của Vietnam Report, BĐS vẫn là kênh đầu tư ưa thích của các hộ gia đình có tích lũy tại Hà Nội và TP. HCM. Theo đó, lĩnh vực BĐS chiếm 34% tổng số hộ gia đình có các hoạt động đầu tư. Các hoạt động cung cấp dịch vụ chiếm 24%. Đầu tư cho sản xuất chiếm dưới 10%. Đa số (68%) người sử dụng tín dụng BĐS với mục đích đầu tư (ý định sinh lời) và chỉ có (32%) trong số sử dụng tín dụng BĐS dùng cho mục đích mua nhà để ở. "Vay ngân hàng mua nhà không phải là lựa chọn số 1 của người dân Hà Nội và TP. HCM. Khách hàng tự mua nhà bằng tiền tích lũy của mình, tại Hà Nội là 87% và TP. HCM là 57,1%" - đại diện Vietnam Report nói.
Bản báo cáo phân tích rằng, đặc điểm về hình thức vay ngân hàng để tài trợ cho tín dụng nhà ở tại Việt Nam đa số là các gói tín dụng nhỏ lẻ. Ngân hàng thường tài trợ trực tiếp cho các hộ có nhu cầu tín dụng nhà ở. Đáng lưu ý, có khoảng 25% số người dân Hà Nội và TP. HCM vay ngân hàng để mua nhà lại lấy chính nhà đó làm tài sản thế chấp (trong đó có 95% là căn hộ xây mới, 60% là dùng nhà và đất ở khác để thế chấp, số còn lại là hình thức thế chấp khác).
Những người có kinh nghiệm giao dịch với ngân hàng lại có khả năng có nhu cầu vay vốn mua nhà thấp gần 90%. Điều này có thể phản ánh sự không ổn định của nền kinh tế thời gian gần đây, việc lãi suất vay lên quá cao làm cho người đi vay gặp rất nhiều khó khăn trong việc trả lãi và nợ gốc, do đó họ có trải nghiệm không tốt với việc đi vay ở ngân hàng.
Một yếu tố có tác động đến nhu cầu mua nhà của người dân là khi tổng thu nhập của hộ gia đình tăng lên 1% thì khả năng có nhu cầu mua nhà tăng lên 90%. Xét về triển vọng của thị trường, có khoảng 33% các doanh nghiệp trong ngành cho rằng giá căn hộ/nhà ở trên địa bàn Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh với các phân khúc hạng sang và bình dân sẽ không thay đổi trong thời gian tới.
Báo cáo mới đây của Hiệp hội BĐS Việt Nam cũng cho rằng, nguồn vốn cho BĐS vẫn bị siết chặt do chính sách của Chính phủ tiếp tục kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, thị trường BĐS vẫn phát triển ở các phân khúc căn hộ bình dân, căn hộ có diện tích nhỏ. Và trong vòng 2 năm tới sẽ hạn chế phát triển phân khúc chung cư cao cấp, biệt thự và nhà liền kề.
Thống kê của Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia cho thấy, có tới 52% nguồn kiều hối đổ vào bất động sản. Điều này cho thấy một thực tế, BĐS vẫn là kênh an toàn cho đầu tư của các hộ gia đình cũng như các cá nhân có tích lũy.
DiaOcOnline.vn - Theo Kinh Tế Đô Thị