Thị trường bất động sản: Đợi... xé nhỏ căn hộ

Cập nhật 07/09/2014 10:19

UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, thành phố không cấm doanh nghiệp chẻ căn hộ, tuy nhiên phát triển thị trường bất động sản không thể đồng nghĩa với việc phá vỡ quy hoạch chung của cả thành phố. Mọi dự án chia nhỏ căn hộ mà DN đệ trình đều phải xem xét kỹ lưỡng.

UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, thành phố không cấm doanh nghiệp chẻ căn hộ, tuy nhiên phát triển thị trường bất động sản không thể đồng nghĩa với việc phá vỡ quy hoạch chung của cả thành phố. Mọi dự án chia nhỏ căn hộ mà DN đệ trình đều phải xem xét kỹ lưỡng.


Thị trường BĐS đang tồn tại nghịch lý thừa căn hộ lớn thiếu căn hộ nhỏ. Do hầu bao của người dân chỉ dừng lại ở những căn hộ có diện tích nhỏ, cho nên sản phẩm ế ẩm của thị trường BĐS hiện nay chính là những căn hộ có diện tích lớn. Theo nhìn nhận của giới kinh doanh lĩnh vực này, xu hướng của thị trường gần đây và trong tương lai sẽ chứng kiến sự lên ngôi của căn hộ có diện tích trung bình hoặc nhỏ. Mong muốn "đẩy” những căn hộ diện tích lớn đang tồn kho ra thị trường nên DN BĐS thi nhau xin và trình UBND TP cho xé nhỏ căn hộ. Hầu hết DN cho rằng, nút thắt - chẻ nhỏ căn hộ được tháo gỡ sớm DN đẩy mạnh đầu tư với nguồn cung tốt, thanh khoản sẽ tăng lên và phát triển ổn định hơn.

Mặc dù các quy định, chỉ tiêu, thủ tục chia nhỏ căn hộ đã được Bộ Xây dựng ban hành tại Thông tư 02, Công văn 1245 và Quyết định 895 của Bộ này, nhưng đến nay TPHCM vẫn chỉ dừng lại ở việc xem xét các trường hợp đã được các chủ đầu tư đệ trình đầy đủ thủ tục và điều kiện có thể. Lý giải về việc hạn chế chấp thuận cho các dự án chẻ nhỏ căn hộ, UBND TPHCM cho biết, thành phố không cấm DN chẻ căn hộ, tuy nhiên phát triển thị trường BĐS không thể đồng nghĩa với việc phá vỡ quy hoạch chung của cả thành phố. Nghĩa là, những dự án ngoại thành và có đường giao thông thuận lợi thì được, riêng những dự án nằm trên trục đường nhỏ sẽ khó khăn trong việc chia nhỏ vì nếu chia nhỏ ảnh hưởng đến môi trường sống. Chính vì lẽ đó mà UBND TPHCM kiên quyết xem xét kỹ lưỡng các dự án mà DN xin chia nhỏ. Tại cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội TPHCM tháng 8-2014 mới đây, một lần nữa UBND thành phố cho biết, theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng, UBND thành phố đã giao Sở Xây dựng nghiên cứu, xây dựng tiêu chí và điều kiện điều chỉnh cơ cấu căn hộ các dự án nhà ở thương mại để chuyển đổi từ căn hộ diện tích lớn thành diện tích nhỏ. Đồng thời, điều chỉnh chuyển đổi dự án nhà ở từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội đối với các dự án nhà ở thuộc khu vực các quận nội thành, nhưng đảm bảo không phá vỡ quy hoạch chung trong khu vực nội thành.

Như vậy, cho đến lúc này UBND thành phố chưa giải quyết thủ tục điều chỉnh chuyển đổi dự án nhà ở tại các quận nội thành.

Theo báo cáo của Sở Xây dựng, trên địa bàn TPHCM có 21 dự án xin điều chỉnh cơ cấu 10.242 căn hộ diện tích lớn thành 13.599 căn diện tích nhỏ, trong đó có năm dự án đã được phê duyệt với hơn 3.800 căn thành 4.700 căn. Hầu hết các DN BĐS đang "dài cổ” chờ sự chấp thuận của UBND thành phố. Điển hình như Công ty CP Địa ốc Đất Lành đã xin chủ trương chia nhỏ tầng trên cùng 15 căn penhouse thành 52 căn cho một dự án chung cư, nhưng chỉ được phép chia nhỏ 36 căn. Từ lúc xin phép đến khi UBND TPHCM chấp thuận chủ trương đã gần 2,5 năm, nhưng hiện công ty vẫn phải chờ Sở Xây dựng ban hành quyết định cho phép điều chỉnh diện tích căn hộ. Tương tự Công ty CP Địa ốc Đất Lành, Novaland- đơn vị cũng đang có một số dự án chung cư đã có chủ trương được chẻ nhỏ căn hộ. Tuy nhiên, chấp thuận trên chưa được hợp thưc hóa bằng văn bản vì đại diện của Novaland cho biết, trong vòng 1-1,5 năm Novaland sẽ có giấy phép. Theo quy trình, DN phải gửi hồ sơ lên quận, rồi từ quận sẽ đến Sở Quy hoạch - Kiến trúc, tiếp đến Sở Xây dựng và từ đó được Sở trình lên UBND thành phố. Nếu được chấp thuận hoặc không thì quy trình trả hồ sơ lại cho DN đi theo đường ngược lại như thế.

Thị trường BĐS vẫn chưa "rã đông”, đặc biệt là căn hộ lớn trong khi nhu cầu về nhà ở của người thu nhập thấp lại rất cao. Vì vậy, các DN mong muốn thành phố sớm "nới lỏng” điều kiện và quy trình xét duyệt phương án chẻ nhỏ căn hộ.

DiaOcOnline.vn - Theo Đại Đoàn kết