Những tháng cuối năm 2014, thị trường bất động sản (BĐS) liên tiếp đón tín hiệu vui: Giao dịch thành công tăng, giá bán ổn định, lượng hàng tồn kho giảm, nhiều chính sách mới có tác động khơi thông nguồn vốn được thông qua… Tuy nhiên, nợ xấu, nhà đầu tư thoái vốn hay thị trường tự điều chỉnh cơ cấu... là những nguy cơ mang đến rủi ro.
Những tháng cuối năm 2014, thị trường bất động sản (BĐS) liên tiếp đón tín hiệu vui: Giao dịch thành công tăng, giá bán ổn định, lượng hàng tồn kho giảm, nhiều chính sách mới có tác động khơi thông nguồn vốn được thông qua… Tuy nhiên, nợ xấu, nhà đầu tư thoái vốn hay thị trường tự điều chỉnh cơ cấu... là những nguy cơ mang đến rủi ro.
Tiến sĩ Trần Kim Chung, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ, tại hội thảo "Kinh doanh BĐS: Cơ hội và thách thức trong bối cảnh thị trường có dấu hiệu phục hồi", khẳng định thị trường có xu hướng tốt lên nhờ các xung lực từ chính sách mới về đất đai - nhà ở, tác động của PPP khi được thông qua, tình hình kinh tế thế giới dần ổn định… Tuy nhiên, việc xử lý nợ xấu mới đạt kết quả bước đầu và không thể giải quyết trong ngắn hạn. Vì thế, doanh nghiệp BĐS vẫn phải đối mặt rủi ro đến từ đối tác có nợ xấu cũng như các khoản nợ xấu vẫn hiện hữu. Thứ nữa, nhiều doanh nghiệp lớn vốn là đối tác tiềm năng, nay bắt đầu quá trình thoái vốn khỏi thị trường BĐS, kéo theo những thay đổi liên quan giá trị BĐS; buộc doanh nghiệp BĐS phải thiết lập lại giá trị và trạng thái tài sản. Ngay cả thị trường, tuy có dấu hiệu "ấm" dần, nhưng cũng đang điều chỉnh theo hướng thu hẹp số lượng, quy mô dự án. Hệ quả là những dự án không thể triển khai sẽ gây ra rủi ro cho các bên liên quan và khi nhà đầu tư gặp khó thì dự án đó lại càng vướng mắc không thể giải quyết được.
Cũng theo ông Chung, từ nay đến cuối năm 2015, đầu năm 2016, các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô sẽ không có chuyển biến gì lớn. Các chỉ tiêu tăng trưởng, lạm phát, đầu tư công, ODA, bội chi ngân sách không có đột biến. Vì thế, lãi suất ngân hàng cũng sẽ được giữ ổn định… nhưng sự ổn định này chưa vững chắc. Vấn đề nợ xấu có được xử lý rốt ráo, tái cơ cấu có đạt kết quả mong muốn, nợ công có được hạ thấp hay không đang là những điều kiện khiến rủi ro vẫn có thể xảy ra, nhất là với thị trường BĐS mang tính trung và dài hạn phụ thuộc nhiều vào sự ổn định của kinh tế vĩ mô. Bên cạnh đó, nếu bất ổn trong khu vực gia tăng, nguồn tài chính quốc tế có thể không như dự đoán, hoặc các nền kinh tế mới nổi tăng cường cạnh tranh thu hút vốn với Việt Nam cũng là xu hướng phải tính đến trong những năm tới.
Nợ xấu, nhà đầu tư thoái vốn hay thị trường tự điều chỉnh cơ cấu... là nguy cơ rủi ro cho thị trường bất động sản. Ảnh: Bá Hoạt
|