Gần đây, giao dịch bất động sản tại một số khu vực tại Thành phố Hồ Chí Minh có dấu hiệu ấm lên. Kèm theo là sự rục rịch của giới đầu cơ ở các quận 2, 7, 9 và vài dự án ở ngoại vi...
Gần đây, giao dịch bất động sản tại một số khu vực tại Thành phố Hồ Chí Minh có dấu hiệu ấm lên. Kèm theo là sự rục rịch của giới đầu cơ ở các quận 2, 7, 9 và vài dự án ở ngoại vi. Liệu đó là dấu hiệu cho thấy thị trường địa ốc sẽ tỉnh ngủ sớm?
Hơn một năm qua, thị trường nhà đất tại TPHCM khá im hơi lặng tiếng. Cuộc đua đầu cơ chứng khoán và địa ốc thời gian trước đó đã lấy mất nhiều sinh lực của cả các doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực này. Cộng thêm vào đó là ảnh hưởng của suy thoái kinh tế cũng khiến dòng tiền bị co lại. Nhưng có nhiều lý do để tin rằng: địa ốc sẽ sớm phục hồi.
Thu hút vì giá rẻ
Cách đây khoảng nửa năm, khu vực Mỹ Phước (Bình Dương) đất dự án không có mấy ai quan tâm. Sốt ruột trước tình trạng đóng băng giao dịch, chủ đầu tư quyết định hạ giá. Một nền diện tích khoảng 200 m2 có giá trên 200 triệu đồng. Thế là dòng người ùn ùn kéo tới mua, làm giao dịch nền đất tại đây sôi động hẳn lên. Vì nhiều người mua, giá lại tăng dần. Mới đây, thông qua một công ty môi giới, giá nền 150 m2 được rao với giá 240 triệu đồng.
Công ty thuộc hàng “đại gia” là Hoàng Anh Gia Lai cũng tham gia cuộc đua giảm giá bằng cách kéo giá bán hai dự án thuộc hàng cao cấp xuống gần một nửa. Thông tin từ các công ty môi giới cho thấy sau chiêu giảm giá, khách hàng đã mua nhiều hơn chứ không chỉ “ngó chơi cho biết” như thời giá cao. Một dự án khác ở Nhà Bè cũng rao bán căn hộ penthouse (biệt thự trên cao) diện tích 200 m2 với giá 1,6 tỉ đồng/căn.
Chị Thanh, một khách hàng ở quận Phú Nhuận cho biết, đang chuẩn bị tiền để mua một căn hộ. Theo khách hàng này dự đoán, trong vòng một năm nữa thị trường địa ốc sẽ ấm lên. Chị Thanh cho rằng, quyết định đầu tư ở thời điểm này, năm tới dự án hoàn tất, mức sinh lợi có thể đạt 50%.
Nhiều dấu hiệu tốt
Với động thái giảm giá của chủ đầu tư, mức giá bán hiện nay đã gần hơn với khả năng chi trả của người mua. Nếu trong vòng sáu tháng nữa, thị trường vẫn chưa lấy lại sinh khí, nhiều khả năng sẽ có một đợt giảm giá nữa. Khi đó, phần đông những người đang có tâm lý “chờ xem” hiện nay sẽ tham gia thị trường. Một khía cạnh đáng chú ý là so với trước, gần đây tỷ lệ người mua để sử dụng đã tăng lên, số đầu cơ giảm xuống. Như vậy, nếu giao dịch tăng, rất có thể sẽ khó có những cơn sốt giá như đã từng xảy ra.
Một lý do nữa là tác động từ các chính sách kích cầu tiêu dùng của Chính phủ. Lãi suất cho vay giảm, các ngân hàng đã bắt đầu tích cực cho vay tiêu dùng. Đây là cú hích quan trọng giúp giao dịch bất động sản sôi động hơn. Nếu các ngân hàng thương mại nới lỏng điều kiện vay hơn nữa, dòng tiền đổ vào địa ốc chắc chắn sẽ mạnh hơn.
Lý do thứ ba không kém phần quan trọng là quan niệm về sở hữu tài sản của đa số người dân. Từ góc nhìn này, nhà đất vẫn ở “cửa trên” so với chứng khoán hoặc vàng. Biến động quá lớn của giá vàng vào cuối tháng 3 có thể khiến nhiều người dè dặt với việc mua cất trữ vàng miếng. Trong khi đó, chứng khoán vẫn chưa cho thấy sự phục hồi rõ ràng.
“Thức dậy” vào cuối năm
Theo ước tính của chuyên gia tài chính Trần Sĩ Chương, nguồn tiền mặt cất trữ trong dân hiện nay có thể nằm trong khoảng tương đương 6-7 tỉ USD. Tùy theo từng thời điểm, dòng tiền có thể đổ vào chứng khoán, vàng hay địa ốc. Nhưng ông Chương cho rằng, thị trường địa ốc có ưu thế lớn nhất để “chạy trước” khi kinh tế ấm lên.
Ông Chương giải thích thêm là ở nhiều nước, thị trường chứng khoán thường phục hồi trước. Nhưng ở Việt Nam, do tập quán và tâm lý, địa ốc sẽ thuyết phục được số đông về khả năng ổn định và mức sinh lợi. Mặt khác, rất có thể thị trường các tỉnh gần TPHCM sẽ không thụ động chờ lực kéo của trung tâm lớn nhất mà sẽ có những biến động sớm hơn theo hướng ấm lên.
Nếu căn cứ vào nhịp độ khảo sát thị trường và những động thái “ngắm nghía” gần nhất của giới kinh doanh, có nhiều lý do để tin rằng thị trường địa ốc sẽ tỉnh ngủ vào cuối năm nay. Dự đoán này đúng sai thế nào cần chờ được thực tế kiểm chứng.