Thị trường bất động sản: Có nên mạo hiểm đón trước ?

Cập nhật 06/12/2011 08:10

Ðây là thời điểm mà theo thông lệ những năm trước, thị trường bất động sản luôn sôi động, nhưng nay diễn biến đảo ngược. Thị trường nhà đất giảm cả về giá và số lượng giao dịch.

Ðây là thời điểm mà theo thông lệ những năm trước, thị trường bất động sản luôn sôi động, nhưng nay diễn biến đảo ngược. Thị trường nhà đất giảm cả về giá và số lượng giao dịch.

Thông điệp nới lỏng tín dụng bốn nhóm bất động sản ra khỏi tín dụng phi sản xuất của Ngân hàng Nhà nước được thông báo đã hơn nửa tháng, việc tiếp cận vốn vay vẫn khó. Một số chủ đầu tư tiếp tục thông báo chào bán sản phẩm trong tháng 12 này. Những dự án bất động sản phía nam ngày càng được giới thiệu nhiều hơn tới khách hàng phía bắc, đặc biệt là giới đầu tư tại Hà Nội. Nhưng xem ra, tài chính cũng không được cải thiện như mong muốn.

Những ngày cuối tháng 11 và đầu tháng 12, trên thị trường bất động sản đã có vài sự "đổi ngôi" người sở hữu dự án. Sự kiện gần nhất là Tập đoàn Vingroup thông báo chuyển nhượng toàn bộ tháp B (khối văn phòng) của toà nhà Vincom Center Hà Nội tại 191 Bà Triệu cho Techcombank Việt Nam. Còn tập đoàn này, chuyển toàn bộ trụ sở văn phòng và các đơn vị thành viên về Khu đô thị sinh thái Vincom Village tại Sài Ðồng, quận Long Biên. Và theo như ông Lê Khắc Hiệp, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup chia sẻ, sự chuyển nhượng này sẽ giúp Vingroup có thêm một nguồn vốn lớn để phát triển các dự án quan trọng khác.

Trước tình cảnh thiếu vốn đầu tư lại khó vay ngân hàng, sản phẩm thì không bán được, chuyển nhượng dự án vốn là câu chuyện bình thường trong kinh doanh. Mới đây, ngày 30-11, trong Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Xin-ga-po diễn ra tại Hà Nội, ông Ray-mon Lui, Ðại diện của Cục phát triển doanh nghiệp quốc tế Xin-ga-po tại Hà Nội cho biết, một trong những lĩnh vực mà nhiều doanh nghiệp Xin-ga-po đang rất quan tâm là hợp tác hoặc mua lại từ phía đối tác Việt Nam các dự án bất động sản, các khu dân cư, các khu công nghiệp. Ðây là những lĩnh vực có tiềm năng phát triển trung và dài hạn, doanh nghiệp Xin-ga-po rất chú trọng đến việc đầu tư lâu dài và ổn định tại Việt Nam, nên thường lựa chọn lĩnh vực đó.

Như vậy, không nằm ngoài dự báo của một số chuyên gia, thị trường bất động sản Việt Nam vẫn rất hấp dẫn. Và khi các nhà đầu tư trong nước "ngỏ lời", các quỹ đầu tư hoặc doanh nghiệp nước ngoài sẵn sàng "bắt tay" liên danh, liên kết, hoặc mua lại toàn bộ dự án.

Grant Thornton Việt Nam cũng vừa công bố kết quả cuộc khảo sát (tiến hành trong quý IV-2011) quan điểm của các nhà đầu tư về mức độ hấp dẫn trong lĩnh vực đầu tư tư nhân ở Việt Nam trong 12 tháng tới. Kết quả cho thấy khá bất ngờ, hơn 40% số nhà đầu tư được khảo sát đánh giá, bất động sản là lĩnh vực kinh doanh hấp dẫn, vượt các lĩnh vực giáo dục, y tế, dược phẩm, sản xuất, bán lẻ...

Vậy, trong thời điểm này, có nên mạo hiểm đón trước thị trường bất động sản? Dự báo, trong ngắn hạn, thị trường bất động sản còn gặp khó khăn. Nhưng xét về dài hạn, vài ba năm tới, hay 10-15 năm sau, thị trường bất động sản Việt Nam nói chung hay Hà Nội nói riêng vẫn phát triển mạnh, do nhu cầu nhà ở của người dân rất lớn, nhất là các thành phố lớn có tốc độ di dân cơ học cao. Giám đốc một sàn giao dịch bất động sản trên đường Nguyễn Phong Sắc cho rằng, để giữ biên độ an toàn, các nhà đầu tư nên theo đúng nhu cầu thật của mình, đầu tư vào những vùng có tương lai phát triển không xa, cơ sở hạ tầng, xã hội đồng bộ và hiện đại. Quan trọng nhất là, tránh đầu tư theo xu thế đám đông.

DiaOcOnline.vn - Theo Nhân Dân