Thị trường bất động sản: Cần “mở” đồng bộ chính sách

Cập nhật 11/04/2014 09:28

Trải qua thời kỳ hoàng kim của tăng trưởng "nóng” đến thời gian này doanh nghiệp (DN) bất động sản hầu hết đều gặp khó khăn. Ngoài vấn đề về vốn, điều mà hầu hết DN mong muốn nhất hiện nay là, cần "mở” các chính sách một cách đồng bộ.

Trải qua thời kỳ hoàng kim của tăng trưởng "nóng” đến thời gian này doanh nghiệp (DN) bất động sản hầu hết đều gặp khó khăn. Ngoài vấn đề về vốn, điều mà hầu hết DN mong muốn nhất hiện nay là, cần "mở” các chính sách một cách đồng bộ.

Thị trường bất động sản ế ẩm khiến nhiều dự án nhà ở rơi vào tình trạng cửa đóng, then cài. Ảnh: S. XANH

Vốn bị "nghẽn”

Có thể nói bất động sản đang trong tình trạng "3 dở dang” và "sụt giảm”. Cụ thể, đền bù dở dang, công trình dở dang, dự án dở dang; giá sụt giảm, sức mua sụt giảm. Vì thế, nhiều DN liên tục xin "khai tử” như vậy vô hình chung tạo nên một thị trường bất động sản phức tạp và bất ổn.

Để giải quyết khó khăn về vốn cho thị trường bất động sản, từ giữa năm 2013 Chính phủ đã đưa ra gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng. Gói hỗ trợ này được đánh giá đúng mục đích tập trung giải quyết nhu cầu nhà ở cho một bộ phận lớn người có thu nhập thấp, trung bình, hướng vào nhu cầu nhà ở thật sự của người dân. Tuy nhiên, do có nhiều vướng mắc trong thủ tục vay vốn mà việc giải ngân bị tắc nghẽn. Tính đến ngày 15 – 3-2014, giải ngân gói hỗ trợ này chỉ đạt 4,4% (khoảng 1.320 tỷ đồng).

Nhìn nhận về gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng hầu hết DN bất động sản và người mua nhà phải lắc đầu cho qua vì không thể nào "với tới” được. Trao đổi với phóng viên báo Đại Đoàn Kết ngày 9-4-2014, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh khẳng định: "Đến thời điểm này gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng đã "thất bại thảm hại”. Lý giải về sự "tắc nghẽn” của gói 30.000 tỷ đồng ông Phạm Trung Tuyến, Trưởng văn phòng thường trực Ban chỉ đạo TƯ về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản cho rằng: "Gói 30.000 tỷ không phải ngân sách mà chỉ hỗ trợ tín dụng với lãi suất thấp để cho nhiều người dân có cơ hội tiếp cận nhà ở, cộng thêm chính sách không thu tiền sử dụng đất để nhiều người dân tiếp cận. Đã là chính sách ưu đãi, phải có tiêu chuẩn và phải bình bầu xét duyệt kỹ càng”. 

Liên quan đến nguồn vốn giúp thị trường bất động sản có động lực để "phá băng”, ngân hàng Xây dựng Việt Nam công bố hỗ trợ thị trường này với 50.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia kinh tế và giới đầu tư, đây chưa phải là gói tín dụng tốt giúp thị trường BĐS vực dậy.

Mong muốn "mở” các chính sách một cách đồng bộ

Với tình trạng khát vốn của các nhà đầu tư bất động sản hiện nay thì nguồn vốn đưa vào thị trường là rất cần thiết, song theo các chuyên gia, khó khăn về vốn không phải là tất cả với nhà đầu tư. Điều quan trọng nhất hiện nay chính là kích cầu sản phẩn để nhà đầu tư xoay vòng vốn. Theo ông Lê Hoàng Châu, các địa phương cần tập trung giải quyết việc nhà đầu tư xin chuyển đổi dự án từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội và chia nhỏ căn hộ. Đó là một trong những giải pháp hữu hiệu để "phá băng” thị trường, tạo cơ hội cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận gói tín dụng lãi suất ưu đãi 30.000 tỷ đồng. Bởi vì, lượng nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp và trung bình còn ít trong khi đó nhu cầu của người dân ở phân khúc này rất lớn.

Ngoài ra, các doanh nghiệp bất động sản cũng đề nghị ngân hàng hạ lãi vay thêm một bước nữa và cơ cấu lại các khoản nợ cũ cho doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp bất động sản hiện vẫn phải gánh mức lãi vay từ 14 – 14,5%/năm, rất cao so với mặt bằng chung hiện nay. Đặc biệt, khi trần lãi suất huy động hiện nay đã giảm xuống dưới 6%/năm thì các ngân hàng nên xem xét tiếp tục giảm lãi suất cho vay để doanh nghiệp có thể tiếp cận với nguồn vốn lãi suất hợp lý.

Song song với hoạt động hỗ trợ tín dụng, giảm lãi suất, chuyển đổi dự án từ nhà thương mại sang nhà ở xã hội thì việc cho người nước ngoài mua và sở hữu nhà cũng đóng vai trò quyết định phá băng cho thị trường bất động sản. Theo tính toán có hơn 4 triệu người Việt ở các nước trên thế giới. Hàng năm lượng kiều hối gửi về trên 10 tỷ USD – đây là số tiền hoàn toàn không nhỏ, vì vậy nếu cho phép Việt kiều sở hữu nhà là hợp lý. Chưa kể đến một lượng lớn người nước ngoài muốn mua nhà để nghỉ dưỡng chứ không phải chỉ được thuê ở như thời gian qua.

Thị trường bất động sản là lượng tài sản lớn của quốc gia và có tác động trực tiếp đến nhiều ngành nghề khác trong xã hội, cho nên cứu thị trường bất động sản là việc làm hết sức cần thiết.

DiaOcOnline.vn - Theo Đại đoàn kết