Hiện nay, hầu hết giao dịch nhà đất thường thông qua nhà đầu cơ và người môi giới. Những người có nhu cầu nhà ở thực sự phải thông qua nhà môi giới mua nhà đất giá cao gấp hai...
Hiện nay, hầu hết giao dịch nhà đất thường thông qua nhà đầu cơ và người môi giới. Những người có nhu cầu nhà ở thực sự phải thông qua nhà môi giới mua nhà đất với giá cao gấp hai, gấp 3 lần so với giá ban đầu. Đây là một trong những nguyên nhân gây ra cơn sốt nhà đất. Điều này thể hiện sự thiếu minh bạch thông tin trong thị trường bất động sản.
Nhà nước và người có nhu cầu nhà ở không được hưởng.
Nhiều chuyên gia thị trường BĐS nhận định, đợt sốt nhà đất hiện nay không mang tính đương nhiên của quy luật cung cầu mà bởi tác động của những người kinh doanh trên thị trường bất động sản.
Chỉ có nhà đầu cơ là người được hưởng lợi nhiều nhất, còn Nhà nước và người có nhu cầu nhà đất thực sự không không được hưởng lợi từ sự tăng giá đó.
Tại xã Phước Kiển (Nhà Bè) giá đất nông nghiệp vào tháng 11-2006 mỗi mét vuông từ 300-400 ngàn đồng, nay đã lên đến 2 triệu đồng/m2. Dự án Phú Xuân (đất nền) cũng tại huyện Nhà Bè trong năm 2006 giá chỉ 2,6 triệu đồng/m2, nay đã lên đến 12 triệu đồng.
Số tiền chênh lệch hơn 9 triệu đồng đó, chủ đầu tư dự án không được hưởng mà chủ yếu là các nhà đầu tư thứ cấp. Nhiều dự án đất nền, căn hộ chỉ trong vòng một năm đã tăng đến 200-300%.
Giá bán ra ban đầu khá thấp, lợi nhuận khoảng 20% so với tổng vốn đầu tư, nhưng sau vài lần sang nhượng đã đẩy giá tăng vài trăm phần trăm so với ban đầu. Người có nhu cầu thực sự phải chịu giá cao nhất.
Theo tính toán cứ 10 người thì có một người có nhu cầu về BĐS.
Rõ ràng nhu cầu về BĐS là rất lớn, nhất là tầng lớp “làm công ăn lương”, các bạn trẻ vừa lập gia đình. Trong khi đó những năm qua nhiều chương trình nhà ở của TP đưa ra để phục vụ cho người thu nhập thấp không đem lại kết quả như mong muốn.
Tuy nhiên, theo nhiều người am hiểu thị trường bất động sản cho rằng, cần phải xác định sự cần thiết của các nhà đầu tư thứ cấp. Chính họ đã cung ứng một phần vốn rất lớn cho chủ đầu tư dự án cung cấp nhà đất cho thị trường. Và chính họ cũng chịu áp lực rất lớn của sự rủi ro.
GS – TS Đặng Hùng Võ cho rằng: cần phải làm rõ vai trò của nhà đầu tư thứ cấp là môi giới hay kinh doanh. Nếu là môi giới thì chỉ được hưởng tiền dịch vụ, còn kinh doanh thu lợi nhuận thì chắc chắn phải bị đánh thuế”.
Đưa mua bán nhà đất lên sàn giao dịch.
Hiện tại Tp.HCM đã có hàng chục trung tâm giao dịch địa ốc của các ngân hàng và doanh nghiệp kinh doanh BĐS, nhưng thông tin chào bán nhà đất của các dự án hầu như chỉ do các nhà đầu tư thứ cấp đăng ký, còn các doanh nghiệp chủ đầu tư thì gần như đã bán hết sản phẩm từ trước nên không thể đưa sản phẩm nhà đất lên sàn theo quy định.
Theo luật kinh doanh bất động sản quy định muốn chuyển nhượng nhà đất trong dự án phải thông qua sàn giao dịch BĐS nhưng các chủ đầu tư không tuân thủ với lý do chưa có quy định về sàn giao dịch BĐS!
Ông Lê Cao Tuấn- Trưởng phòng BĐS Cục Quản lý nhà (Bộ xây dựng) cho biết: quy định bắt buộc các doanh nghiệp kinh doanh BĐS phải bán, cho thuê hàng hóa BĐS qua sàn giao dịch vẫn chưa được thực hiện, thông tin mua bán trên thị trường vẫn chưa minh bạch. Đây là một trong những bất cập trên thị trường nhà đất hiện nay”.
Để giảm “sức nóng” của thị trường BĐS, không còn cách nào khác ngoài việc tăng nguồn cung và Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác đền bù giải tỏa, tạo cơ chế thông thoáng trong thủ tục đầu tư.
Tăng diện tích đất sạch đưa ra đấu giá đất, đấu giá dự án để tạo sự công bằng. Có như thế mới mong đẩy nhanh được số lượng dự án, tăng cung nhà đất, đáp ứng nhu cầu nhà đất hiện nay.
Bên cạnh đó, cần công khai hóa nguồn cung đất, nhà ở của các dự án lên sàn giao dịch bất động sản. Có như vậy mới chống đầu cơ, lập lại trật tự cho thị trường BĐS, tránh những đợt sốt đất trong tương lai.
DiaOcOnline.vn