Thị trường bất động sản bắt đầu sôi động

Cập nhật 31/03/2014 14:56

Tốc độ giải ngân gói hỗ trợ ưu đãi cho nhà ở xã hội, nhà giá rẻ đang được cải thiện rõ rệt, gói tín dụng thương mại 50.000 tỷ đồng và hàng loạt gói cho vay ưu đãi mà ngân hàng kết hợp với các chủ đầu tư dành cho người mua nhà đã thu hút sự quan tâm của toàn thị trường.

Tốc độ giải ngân gói hỗ trợ ưu đãi cho nhà ở xã hội, nhà giá rẻ đang được cải thiện rõ rệt, gói tín dụng thương mại 50.000 tỷ đồng và hàng loạt gói cho vay ưu đãi mà ngân hàng kết hợp với các chủ đầu tư dành cho người mua nhà đã thu hút sự quan tâm của toàn thị trường.

Quý II tới, thị trường bất động sản sẽ sôi động hơn nữa.

Mô hình 4 nhà

Cuối tuần qua, Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) công bố, gói tín dụng 50.000 tỷ đồng thông qua chuỗi liên kết bốn nhà với mục tiêu hỗ trợ cho ngành xây dựng, bất động sản theo Nghị quyết 01/NQ-CP năm 2014, các nghị quyết 01 và 02/NQ-CP năm 2013 của Chính phủ.

VNCB sẽ là ngân hàng đầu mối cung cấp tín dụng cho doanh nghiệp trong ngành xây dựng – vật liệu xây dựng - bất động sản. Tập đoàn Thiên Thanh tổ chức cung ứng vật liệu xây dựng, chủ trì sàn kinh doanh vật liệu xây dựng nhằm kết nối các đơn vị có nhu cầu là các chủ đầu tư, nhà thầu với nhà sản xuất vật liệu trên cả nước.

Theo VNBC, điểm mới trong dòng chảy của gói tín dụng là tối ưu và hiệu quả cho tất cả các chủ thể tham gia thị trường xây dựng, an toàn tín dụng cho các ngân hàng cấp tín dụng, khơi thông hàng hóa vật liệu xây dựng thông qua các hình thức trả chậm và đổi trừ, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận tín dụng mới khi còn có các khoản vay cũ, giúp nhà sản xuất giải phóng được hàng tồn kho với số lượng lớn…

Thực tế, mô hình tín dụng liên kết bốn nhà hỗ trợ bất động sản là điều mong muốn từ lâu và đây không phải là ngân hàng đầu tiên triển khai. Cuối năm 2013, BIDV cũng đã thí điểm một gói tín dụng 3.000 hướng đến bất động sản thông qua mô hình liên kết bốn nhà và kết quả đến nay rất khả quan.

Từ thực tế thị trường và những thí điểm bước đầu, các chuyên gia tin rằng, nếu có một gói tín dụng đủ lớn với sự tham gia của ngân hàng với chủ đầu tư - nhà thầu - nhà cung ứng, sản xuất vật liệu xây dựng thành chuỗi liên kết sẽ rất hiệu quả khi bơm vốn cho sản xuất kinh doanh mà ngân hàng vẫn kiểm soát được dòng tiền.

Ông Phan Thành Mai, Tổng giám đốc VNBC cho rằng, gói tín dụng sẽ kết nối để vật liệu xây dựng đến công trình, giảm giá trên số lượng lớn, xét trên diện rộng nó tác động đến không chỉ ngành bất động sản mà còn liên quan đến cả thị trường xây dựng và nhiều ngành sản xuất khác. Trong đó, rõ nét nhất là thúc đẩy phát triển nhà ở diện tích nhỏ, nhà thương mại diện tích nhỏ giá thấp.

Lãi suất tiết kiệm đồng loạt giảm

Đây là một cơ hội tốt cho nền kinh tế nói chung và thị trường BĐS nói riêng. Khi lãi suất huy động giảm, cùng với việc các ngân hàng đang dư thừa vốn, chắc chắn lãi suất cho vay sẽ giảm và khi đó, nền kinh tế sẽ được lợi, trong đó có thị trường bất động sản. Tuy nhiên, quan trọng nhất là khi kinh tế ổn định, doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp hơn, nên hiệu quả dự án khả thi hơn.

Hiện dù lãi suất giảm, nhưng người dân vẫn tiếp tục gửi tiết kiệm, bởi sự an toàn của nó so với các kênh khác như vàng, chứng khoán, ngoại tệ. Tuy nhiên, khi thấy tín hiệu thị trường bất động sản phục hồi, dòng tiền tiết kiệm, chứng khoán và vàng nhiều khả năng sẽ chuyển hướng sang thị trường này, bởi đây là thị trường luôn có hiệu quả lợi nhuận cao, hấp dẫn nhà đầu tư.

Cùng với đó là mô hình Ngân hàng tiết kiệm nhà ở trong Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), các chuyên gia cho rằng đây mô hình này khả thi khi triển khai ở Việt Nam. Cách đây 5 năm, một đoàn khoản sát của Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ, Hiệp hội BĐS đã nghiên cứu mô hình này tại Đức, Séc, Trung Quốc.

Trong đó, mô hình ngân hàng tiết kiệm nhà ở đã được áp dụng khá thành công ở Trung Quốc. Mô hình tạo thói quen tiết kiệm của người dân và có vay khoản tiền tương ứng để mua nhà.

Cụ thể, nếu muốn mua nhà 2 tỷ đồng, thì người mua sẽ phải có lộ trình tiết kiệm 1 tỷ đồng trong 2 - 3 năm, lãi suất tiền gửi không đáng kể, nhưng ổn định. Ngày đạt được 1 tỷ đồng sẽ được vay 1 tỷ đồng còn lại, lãi suất không đáng kể, không thay đổi trong thời gian vay, Bộ Xây dựng đã đề xuất đưa vào thí điểm ở Hà Nội và TP HCM.

Đánh giá về tác động của gói 30.000 tỷ đồng, ông Phan Thành Mai, Tổng giám đốc VNCB cho rằng, đừng nhìn vào việc gói 30.000 tỷ đồng giải ngân bao nhiêu tiền để đánh giá, mà nên nhìn vào hiệu quả xã hội mà nó tạo ra là gì.

Gói hỗ trợ này không phải dành cho thị trường chung, mà chỉ nhằm phục vụ cho phân khúc nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp. Lộ trình cho phân khúc nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp không thể tính bằng tháng hay năm, mà nhiều năm.

“Dựa trên cách nhìn đó, tôi cho rằng, gói tín dụng này đã có những thành công bước đầu. Thứ nhất, đã lập lại mặt bằng giá đối với thị trường nhà ở thấp hơn trước đây, giúp cho nhiều người có cơ hội có nhà ở. Thứ hai, đã tạo ra cú huých, giúp các DN cơ cấu lại sản phẩm, tạo ra sản phẩm phù hợp hơn với nhu cầu thực của thị trường” ông Mai nhấn mạnh.

Thị trường ấm dần

Rất nhiều tín hiệu cho thấy sự ấm dần lên. Bằng chứng là từ quý IV/2013, một số phân khúc nhà ở có giá hợp lý thanh khoản đã tăng lên, tồn kho giảm xuống, đặc biệt là tại Hà Nội và TP HCM. Điều này đã được kiểm chứng với các đợt bung hàng của các doanh nghiệp từ quý IV/2013 và kết quả bán hàng rất tốt được công bố thời gian qua.

Nhận định về thị trường bất động sản trong thời gian tới, ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hanoi cho biết: “Tôi khá lạc quan về thị trường bất động sản trong quý II tới. Dựa trên Báo cáo về thị trường bất động sản quý I của Savills Vietnam, cung vẫn vượt cầu trong phần lớn các phân khúc, ngoài ra giá trần của nhiều dự án đang và sẽ tăng nhẹ”.

Việc VNCB công bố gói 50.000 tỷ đồng đã gây được sự chú ý của thị trường. Hồi đầu năm, khi có những thông tin về một gói tín dụng có 100 ngàn tỷ dù sau đó đã được đính chính nhưng cũng đã mang lại rất nhiều hy vọng cho toàn thị trường.

Thực tế này cho thấy bất động sản đang rất cần vốn để kích hoạt cho một chu kỳ mới. Không chỉ bất động sản mà cả chục ngành nghề khác gắn liền với bất động sản cũng kỳ vọng điều này. Một nguồn vốn đúng nhu cầu, đúng địa chỉ và quản lý tốt sẽ rất có ý nghĩa vào thời điểm bất động sản đang có dấu hiệu ấm lên.

Không những thế, điều này còn có ý nghĩa kích thích tăng trưởng tín dụng cho ngân hàng, khơi thông khu vực sản xuất vật liệu xây dựng vốn đang tồn kho lớn, khơi dậy dịch vụ xây dựng, bất động sản với hàng triệu lao động đang bị ảnh hưởng nặng nề suốt thời gian qua. Từ đó, khơi dây một nguồn lực lớn đang đóng băng trong bất động sản, góp phần lấy lại niềm tin cho toàn thị trường.

Rất thực tế, ông Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng, bất động sản còn khó khăn, vì thế trong thời gian đầu hiệu quả của gói 50.000 tỷ có thể sẽ có nhiều thách thức. Nhưng ít ra những dự án đang xây dở dang mà có hiệu quả, khi có vốn rót vào sẽ được triển khi rất nhanh.

Những doanh nghiệp bất động sản nợ xấu nhưng dự án dự án tốt thì ngân hàng sẽ khoanh nợ để tiếp tục cho vay hoàn thành dự án. Đồng thời, nếu doanh nghiệp tham gia vào gói sản phẩm này thì lãi suất sẽ mềm hơn, vòng quay vốn sẽ hiệu quả hơn…

Thị trường bất động sản từ đầu năm 2014 đã bắt đầu có hơi ấm trở lại với sự kích hoạt của hàng loạt chính sách, hồi phục nhu cầu sử dụng và đầu tư, cũng như nỗ lực của các doanh nghiệp để vực dậy bất động sản – một khu vực quan trọng của nền kinh tế.

Thêm một nguồn vốn, sẽ góp phần kích hoạt bất động sản cho một chu kỳ mới nhưng để có được sự thàn công còn trông chờ vào nhiều yếu tố. Trong đó, quan trọng nhất là chính mỗi ngân hàng và doanh nghiệp phải có được sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường.

Nhiều chuyên gia cho rằng, cùng với với gói 30.000 tỷ đồng, gói tín 50.000 tỷ đồng sẽ giúp các doanh nghiệp giải quyết bài toán về vốn, tạo công ăn việc làm, tìm được đầu ra cho sản phẩm, các dự án bất động sản dở dang có cơ hội được tái khởi động, các dự án mới sẽ được triển khai, khi đó sẽ tạo được hiệu ứng domino, giúp thị trường bất động sản sẽ sôi động hơn nữa.

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây dựng