Thị trường bán lẻ Hà Nội: Vẫn nóng ở khu vực trung tâm

Cập nhật 20/01/2010 14:15

Hiện nay trên địa bàn TP Hà Nội có 10 trung tâm mua sắm/cửa hàng lớn/đại siêu thị, 81 siêu thị và siêu thị điện máy, 2 trung tâm bán buôn và 11 chân đế bán lẻ, cung cấp cho thị trường tổng số gần 372.602m2 diện tích bán lẻ.

Hiện nay trên địa bàn TP Hà Nội có 10 trung tâm mua sắm/cửa hàng lớn/đại siêu thị, 81 siêu thị và siêu thị điện máy, 2 trung tâm bán buôn và 11 chân đế bán lẻ, cung cấp cho thị trường tổng số gần 372.602m2 diện tích bán lẻ.

Trong quý 4/2009 có thêm 2 siêu thị và một siêu thị điện máy mới mở, đóng góp thêm tổng cộng 15.000m2. Ngoài ra có thêm 3.000m2 chân đế (The Garden cho Big C thuê lại). Tuy nhiên, Luxury Mall hiện nay đang chuyển tất cả diện tích của mình thành văn phòng cho thuê và không còn khối bán lẻ ở chân đế, khiến cho tổng cung diện tích bán lẻ giảm 5.000m2.

Công suất thuê trung bình trên toàn thị trường tăng nhẹ từ khoảng 90 – 95% trong quý 3/2009 đến 92 – 95% trong quý 4/2009. Giá thuê bình quân hàng tháng ở các trung tâm mua sắm và chân đế bán lẻ vẫn duy trì ổn định trong khoảng từ 20USD đến 150USD.

Bên cạnh đó, trong quý 4/2009, hoạt động nhượng quyền thương hiệu diễn ra rất sôi động. Các thương hiệu quốc tế cao cấp đã nhanh chóng chiếm những vị trí cuối cùng tại các khu trung tâm thương mại tại khu vực trung tâm, trong khi đó nhiều chuỗi nhà hàng ẩm thực đã mở thêm cửa hàng tại các căn nhà mặt phố được cải tạo lại trên phạm vi toàn thành. Việc thiếu nguồn cung dẫn đến giá thuê mặt bằng bán lẻ tại khu vực trung tâm tăng nhẹ đối với các hợp đồng thuê gia hạn.

Dự báo thị trường mặt bằng bán lẻ Hà Nội sẽ có các mức giá thuê cao do nhu cầu tăng từ các thương hiệu quốc tế cao cấp trong quý tới. Một dự án tại khu vực trung tâm tương đối có triển vọng là dự án tái cơ cấu Tràng Tiền Plaza.

Tại vị trí đắc địa nhất trung tâm Hà Nội, trung tâm thương mại này hoạt động không mấy hiệu quả do trình độ quản lý yếu kém và chiến lược quy hoạch khách thuê chưa tốt. Hy vọng với kế hoạch cải tạo và tái cơ cấu sẽ khiến cho trung tâm thương mại này chiếm ưu thế dẫn đầu trên thị trường.
 


Các dự án thương mại tại khu vực ngoài trung tâm, nhờ nguồn cầu được cải thiện nên tỷ lệ trống đã giảm xuống mức 31%, tuy nhiên ngoài Parkson và Big C, hầu hết các trung tâm thương mại ngoài khu vực trung tâm đều vẫn có tỷ lệ trống tương đối cao.

Năm 2010 dự báo sẽ là một năm thịnh vượng của thị trường bán lẻ. Giá thuê tại các trung tâm thương mại trong khu vực trung tâm dự kiến tăng, mặc dù mô hình cửa hàng mặt phố được cải tạo cũng sẽ tiếp tục thu hút nhu cầu và hạn chế khả năng tăng giá thuê.

Mặc dù không có kỳ vọng về tăng giá thuê tại các trung tâm thương mại ngoài khu vực trung tâm, nhu cầu tiếp tục tăng, các văn phòng mở rộng và ngày càng có nhiều tháp căn hộ sẽ cải thiện điều kiện cho thị trường mặt bằng bán lẻ, đặc biệt là những dự án dọc trục Phạm Hùng, khu vực hứa hẹn sẽ có sự giảm tỷ lệ trống xuống mức hợp lý (<15%).

Với chỉ 38.500 m² nguồn cung mới trong năm 2010, hầu hết có vị trí ngoài khu vực trung tâm, các dự án hiện tại buộc phải cải thiện vị thế của họ trên thị trường.

Bên cạnh đó, kể từ 01/01/2010, thỏa thuận mở rộng thương mại trên lộ trình mở cửa thị trường bán lẻ sẽ tạo điều kiện cho những nhà kinh doanh nước ngoài tiến hành bất cứ hình thức bán lẻ và bán buôn nào ở Việt Nam. Theo dự báo của các chuyên gia điều này sẽ có tác động tích cực lên thị trường bán lẻ ở Việt Nam.

Tính đến 2012, sẽ có thêm một khối lượng tương đương 500.000m2 diện tích bán lẻ được cung ứng trên thị trường. Với nguồn cung tăng thêm này, Hà Nội dự kiến sẽ có khoảng tổng số gần 1.200.000m2 diện tích bán lẻ, tức là gấp 3 diện tích hiện nay. Nhu cầu cho diện tích bán lẻ sẽ tiếp tục tăng ở những khu vực trung tâm và khu vực ngoại thành, tuy nhiên khu vực ngoại thành có thể sẽ phát triển chậm hơn.


DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới