Chủ trương đặt nhà máy thép liên hợp tại vũng Đầm Môn - bán đảo Hòn Gốm, phía bắc Khu kinh tế Vân Phong gây ra những lo...
Chủ trương đặt nhà máy thép liên hợp tại vũng Đầm Môn - bán đảo Hòn Gốm, phía bắc Khu kinh tế Vân Phong gây ra những lo ngại xoay quanh hai vấn đề: ảnh hưởng đến qui hoạch, phát triển của cảng trung chuyển quốc tế và ô nhiễm môi trường.
Đầm Môn - bán đảo Hòn Gốm được Posco và Vinashin lựa chọn lập dự án xây nhà máy thép liên hợp qui mô lớn, với nhận định "đây là địa điểm thuận lợi nhất". Báo cáo ban đầu của POSCO - Vinashin gửi các bộ ngành góp ý kiến cũng nêu rõ "với tầm quan trọng về giảm chi phí xây dựng và tăng hiệu quả trong quá trình vận hành, việc lựa chọn địa điểm là chìa khóa quan trọng của sự cạnh tranh".
Vịnh nước sâu - "chìa khóa" cạnh tranh của nhà máy thép
Báo cáo trên cho biết khu vực được nhà đầu tư chọn cũng là địa điểm lý tưởng, đảm bảo các yếu tố như: biển nước sâu tự nhiên với độ sâu trung bình 20m, do đó "không cần thiết phải xây dựng thêm các công trình nạo vét luồng (để tàu ra vào cảng)". Ngoài ra, khu vực Vân Phong không cần xây dựng đê chắn sóng do được nhiều đảo xung quanh che chắn, nên không chịu tác động trực tiếp của những cơn bão lớn cũng là một lợi thế.
Trên thực tế, một trong những yếu tố hấp dẫn nhà đầu tư thép chính là độ sâu biển tại Đầm Môn. Yêu cầu về độ sâu của cảng nhà máy thép liên hợp khoảng 25m, trong khi độ sâu của vùng nước tại bán đảo Hòn Gốm từ 22-24m.
Điều này "rất phù hợp và sẽ thuận lợi hơn trong xây dựng cảng của nhà máy thép liên hợp, tận dụng triệt để điều kiện tự nhiên ưu đãi tại Vân Phong, tiết kiệm chi phí nạo vét luồng và cho phép tàu chở nguyên liệu, sản phẩm của nhà máy thép có trọng tải lên đến 350.000 tấn ra vào, giảm thiểu chi phí vận chuyển so với phương án sử dụng những tàu có trọng tải nhỏ hơn".
Theo Vinashin, đề xuất xây dựng nhà máy thép liên hợp tại Đầm Môn - bán đảo Hòn Gốm không ảnh hưởng đến qui hoạch hai bến tàu container đầu tiên thuộc giai đoạn khởi động của cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong.
Tuy nhiên, nếu nhà máy thép được duyệt, một phần giai đoạn 1 của dự án cảng (tức bờ đông, vũng Đầm Môn) sẽ trở thành cảng xuất sản phẩm của nhà máy thép liên hợp. Ngoài ra, phần còn lại của nhà máy thép sẽ nằm vào một phần của giai đoạn tiềm năng của dự án cảng (sau 2020).
Nhà máy thép, nhiệt điện chạy than "chưa được tính đến trong qui hoạch"
Bản đồ qui hoạch cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong cho thấy POSCO - Vinashin đề xuất xây nhà máy thép liên hợp có phần trùng vào địa điểm qui hoạch xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt.
Trong khi đó, cho đến khi Bộ Kế hoạch và đầu tư tổng hợp ý kiến của các bộ - ngành trình lên Thủ tướng Chính phủ ngày 14-1-2008 về dự án nhà máy thép liên hợp, Bộ Giao thông vận tải chưa có ý kiến nào khác ngoài khẳng định trước đó "không đồng ý về nguyên tắc với đề xuất của Tập đoàn POSCO...".
Theo Bộ Giao thông vận tải, đề xuất vị trí nhà máy thép liên hợp (phương án nêu trong văn thư ngày 20-7-2007 của Tập đoàn POSCO gửi Thủ tướng) trùng vào địa điểm đã qui hoạch cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong, và phá vỡ qui hoạch chung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2005.
Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, với phương án địa điểm đầu tư nhà máy thép liên hợp đã thống nhất thì phải điều chỉnh một phần các qui hoạch. Tuy nhiên, UBND tỉnh Khánh Hòa đồng ý "phát triển song song dự án cảng trung chuyển quốc tế và dự án nhà máy thép liên hợp". Nhưng địa điểm chỉ giới hạn trong phạm vi qui hoạch giai đoạn tiềm năng cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong với diện tích gần 1.000ha.
Bộ Xây dựng lưu ý qui hoạch chung Khu kinh tế Vân Phong đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó khu vực Đầm Môn - bán đảo Hòn Gốm đã được xác định là "khu cảng trung chuyển quốc tế, cảng tàu khách du lịch và khu dịch vụ hậu cần cảng". Nhà máy thép liên hợp xuất hiện tại khu vực này là thay đổi chức năng sử dụng đất, làm mất cân đối với nhu cầu sử dụng cơ sở hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật của toàn khu và có tác động ảnh hưởng đến môi trường khu vực.
Tuy nhiên, bộ này cho rằng dự án nhà máy thép liên hợp cần được xem xét, nghiên cứu cụ thể về công nghệ sản xuất nhằm bảo đảm các yêu cầu về môi trường, sự hài hòa với hoạt động của cảng trung chuyển quốc tế, các hoạt động du lịch tại Vân Phong và phát triển bền vững của khu vực.
Hội Khoa học và kỹ thuật biển TP.HCM cho rằng nhà máy luyện thép rất cần cho sự nghiệp hiện đại hóa và công nghiệp hóa đất nước, nhưng "việc xác định chỗ để đặt nhà máy luyện thép có thể tìm được ở nhiều nơi khác thích hợp, trong khi cảng trung chuyển Vân Phong thì không có nơi nào thay thế trên đất nước ta".
Trong khi đó, Cục Hàng hải VN kiến nghị Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải ưu tiên phát triển cảng trung chuyển container tại vũng Đầm Môn, đồng thời giao cho cục "nghiên cứu giới thiệu cho POSCO và Vinashin một vị trí khác phù hợp hơn (để xây nhà máy thép)".
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm
Công nghiệp luyện gang thép là ngành công nghiệp tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên qui mô lớn. Nhưng POSCO cho biết sẽ sử dụng qui trình công nghệ có tên là Finex cho nhà máy thép được lập dự án xây dựng tại Đầm Môn - bán đảo Hòn Gốm. Theo giới thiệu của nhà đầu tư, công nghệ này có khả năng giảm hẳn chất gây ô nhiễm so với các loại công nghệ đang sử dụng hiện nay.
Theo tính toán, lượng xỉ thải phát sinh ước khoảng 1,2 triệu tấn/năm, nhà đầu tư dự định phần lớn lượng xỉ này sẽ được cung cấp cho nhà máy ximăng. Tuy nhiên, Bộ Tài nguyên - môi trường lưu ý phương án tái sử dụng chất thải rắn công nghiệp trong báo cáo của nhà đầu tư cần phải xem xét tính khả thi trong điều kiện ở VN khi mà các nhà máy ximăng "chưa từng dùng loại xỉ này để làm chất phụ gia cho ximăng", trong khi lượng chất thải phát sinh rất lớn. Ngoài ra, xỉ của lò thổi oxy, bùn đặc, các loại bụi... mỗi loại phát sinh hàng trăm ngàn tấn/năm.
Tuy nhiên, ở góc độ địa phương, UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết đã cử đoàn công tác sang Hàn Quốc với thành phần là cán bộ các sở ngành và một số cán bộ nguyên là lãnh đạo của tỉnh các thời kỳ (chủ tịch, bí thư...) để khảo sát, nắm bắt hoạt động của POSCO tại quốc gia này, nhất là vấn đề môi trường.
Sau khi nghe báo cáo về chuyến công tác, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Võ Lâm Phi đã kết luận: "Với công nghệ thiết bị sản xuất mới, hiện đại mà POSCO dự định triển khai tại nhà máy ở Vân Phong thì vấn đề môi trường hoàn toàn có thể yên tâm".
Bộ Kế hoạch - đầu tư phân tích việc xây nhà máy thép liên hợp (gồm khu sản xuất thép và nhiệt điện than) sẽ nảy sinh những vấn đề môi trường, như bãi thải xỉ than của nhà máy điện, khói bụi và các chất thải khác. "Nếu chất thải phát sinh từ nhà máy này không được xử lý tốt sẽ ảnh hưởng lớn đến môi trường khu vực", trong khi do tính chất của cảng trung chuyển quốc tế chủ yếu là hàng container nên "các hoạt động ảnh hưởng môi trường là kiểm soát được".
Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch nêu ý kiến tại Vân Phong tập trung quá nhiều nhà máy sản xuất công nghiệp nặng như ximăng, đóng tàu, thép... chắc chắn sẽ tạo ra những tác hại xấu tới môi trường, gây ảnh hưởng đến các khu du lịch sinh thái.
Nếu dự án gây ảnh hưởng đến môi trường và có khả năng thực hiện tại các địa điểm khác thì không nhất thiết phải sửa đổi, điều chỉnh qui hoạch. Hội Khoa học kỹ thuật xây dựng tỉnh Khánh Hòa lo ngại chất thải, bụi than từ hoạt động của nhà máy thép, nhà máy nhiệt điện than sẽ phát tán trong không khí, ảnh hưởng đến nhiều hoạt động khác của Khu kinh tế Vân Phong, nhất là du lịch trong khu vực.
Trong văn bản gửi các cơ quan chức năng và lãnh đạo trung ương vào cuối năm 2007, ông Phạm Văn Chi - nguyên chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa - vô cùng băn khoăn với công suất nhà máy thép 8 triệu tấn/năm như Posco đề xuất được xây dựng tại Vân Phong, thì lượng chất thải công nghiệp phát sinh lên đến hàng trăm nghìn tấn mỗi năm. Theo ông, lượng chất thải này nếu không được xử lý triệt để thì chỉ một vài năm đống chất thải sẽ cao như núi.
Sự chấp nhận phát triển song song hai dự án qui mô lớn: cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong và nhà máy thép liên hợp tại cùng một khu vực cực kỳ đắc địa của vịnh Vân Phong liệu có an toàn cho môi trường, đảm bảo phát triển bền vững? Hay là sẽ lặp lại bài học đắt giá đã xảy ra ở phía nam vịnh Vân Phong: ô nhiễm nghiêm trọng ở Nhà máy tàu biển Hyundai Vinashin với khối lượng nix thải (xỉ đồng qua sử dụng) lên đến hàng trăm nghìn tấn mà dư luận hết sức bức xúc trong nhiều năm qua?