Thêm chiêu gọi vốn “lạ” trên thị trường địa ốc

Cập nhật 11/11/2021 12:05

Nếu tham gia góp vốn, ngoài nhận về mức lợi nhuận lên tới 168% sau 2 năm, nhà đầu tư còn được tặng kèm cả bất động sản, chiêu gọi vốn “lạ” này của Công ty cổ phần Đầu tư thương mại bất động sản Nhật Nam không khỏi gây tò mò.

Nếu tham gia góp vốn, ngoài nhận về mức lợi nhuận lên tới 168% sau 2 năm, nhà đầu tư còn được tặng kèm cả bất động sản, chiêu gọi vốn “lạ” này của Công ty cổ phần Đầu tư thương mại bất động sản Nhật Nam không khỏi gây tò mò.

Dự án Khu biệt thự cao cấp Xuân Khanh.

Góp vốn nhận lãi “khủng” tặng kèm bất động sản

Liên hệ tới số điện thoại trên website Công ty Nhật Nam, người bắt máy tự nhận là nhân viên công ty này cho biết, hiện có 2 chương trình hợp tác đầu tư. Với chương trình “Bí quyết đầu tư thời 4.0 an toàn với lãi suất 5%”, khách hàng có nhiều lựa chọn với lãi thu về lên tới 168% sau 24 tháng.

“Chẳng hạn, với gói 1 tỷ đồng, sau 2 ngày ký hợp đồng, Công ty sẽ gửi về tài khoản khách hàng số tiền 2,5 triệu đồng/ngày từ thứ Hai đến thứ Sáu hàng tuần, tương đương 50 triệu đồng/tháng, sau 24 tháng nhận về tổng cộng 1,2 tỷ đồng”, nhân viên này nói và cho biết thêm, ngoài lợi nhuận thu về, nếu có nhu cầu, khách hàng còn được mua bất động sản của Công ty với giá rẻ và số tiền giảm giá tương ứng với gói đầu tư ban đầu, nếu không sẽ được quy đổi sang lãi suất và theo đó, thay vì 2,5 triệu đồng/ngày thì nhận được 3,5 triệu đồng/ngày, tương đương 1,6 tỷ đồng sau 24 tháng, bao gồm cả gốc và lãi.

Còn với chương trình “Sổ đỏ trao tay, lợi nhuận hàng ngày”, khi khách hàng tham gia ký kết hợp tác và chọn nhận bất động sản sẽ được chia lợi nhuận tương ứng 5%/tháng và nhận 1 lô đất theo mức vốn tham gia.

“Ví dụ, với gói 3,5 tỷ đồng, sau 24 tháng, khách hàng được nhận tổng số tiền 4,2 tỷ đồng và 100 m2 đất ở xã An Phú, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Với gói cao nhất là 35 tỷ đồng, khách hàng được nhận 42 tỷ đồng kèm lô đất 379,2 m2 ở khu biệt thự tại Sơn Tây, Hà Nội. Thời gian nhận chuyển nhượng đất sau 30 ngày kể từ khi ký hợp đồng”, nhân viên trên giới thiệu, đồng thời thông tin thêm, ngoài ra, khách hàng còn được tặng quà bằng tiền mặt tương ứng với từng mức đầu tư, như gói 100 triệu đồng được tặng 2 triệu đồng, 1 tỷ đồng tặng 30 triệu đồng, 5 tỷ đồng tặng 300 triệu đồng...

Chưa rõ thông tin dự án

Theo thông tin công bố, Công ty Nhật Nam có trụ sở tại số 54 Ngô Thị Thu Minh, phường 2, quận Tân Bình, TP.HCM do bà Vũ Thị Thúy làm Giám đốc. Giấy đăng ký kinh doanh ngày 23/12/2019 thể hiện công ty này có vốn điều lệ 200 tỷ đồng. Trên website, Công ty Nhật Nam giới thiệu sở hữu nhiều bất động sản ở nhiều địa phương trên cả nước như Hà Nội, Hà Nam, Thanh Hóa, Ban Mê Thuột, Tây Ninh, TP.HCM, Phú Quốc…

Trong vai nhà đầu tư, phóng viên được cung cấp một số hình ảnh của dự án Khu biệt thự cao cấp Xuân Khanh, phường Xuân Khanh, thị xã Sơn Tây, Hà Nội với diện tích đất quy hoạch là 16.318 m2, được cho là mua lại từ Công ty cổ phần Xây dựng số 2.

Theo nhân viên trên, từ tháng 5/2021, Công ty Nhật Nam được cấp sổ đỏ một số lô đất tại dự án Khu biệt thự cao cấp Xuân Khanh. Tuy nhiên, trên mặt thông tin đất lại không ghi số thửa, số lô, khiến khách hàng khó tra cứu tình trạng pháp lý. Tại phần ghi chú có nội dung “giấy chứng nhận này được cấp lại từ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số BĐ 742717 do UBND thị xã Sơn Tây cấp ngày 24/1/2013 do nhận chuyển nhượng”, tức là đất được chuyển nhượng từ năm 2013, ngoài ra không còn thông tin thay đổi tình trạng đất.

Liên quan tới chủ đầu tư cũ là Công ty cổ phần Xây dựng số 2, theo tìm hiểu, trên thị trường hiện có 2 doanh nghiệp cùng tên này. Trong đó, Công ty cổ phần Xây dựng số 2 (Vinaconex2) đã được đổi tên thành Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Vina2 (mã chứng khoán VC2, sàn HNX). Ông Trịnh Văn Hưng, Phó tổng giám đốc VC2 khẳng định, VC2 không sở hữu dự án Khu biệt thự Xuân Khanh, “còn trên thị trường có Công ty cổ phần Xây dựng số 2 nào khác thì tôi không rõ”, ông Hưng nói.

Tra cứu trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp thì có Công ty cổ phần Xây dựng số 2, địa chỉ tại phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, trực thuộc Tổng công ty Xây dựng Hà Nội.

Để xác minh thông tin về dự án trên, phóng viên đã liên hệ với Công ty Nhật Nam và được một cán bộ truyền thông cho biết, “hiện Công ty đang hoàn thiện các thủ tục pháp lý để nhận chuyển nhượng toàn bộ dự án và đã tiến hành các bước sửa chữa hoàn thiện, còn thông tin bìa đỏ sẽ trả lời sau”.

Liên quan tới pháp lý hợp đồng hợp tác đầu tư, luật sư Nguyễn Thế Truyền cho hay, giữa các cá nhân và doanh nghiệp đều có thể thỏa thuận hợp tác đầu tư, đây là sự thỏa thuận tự nguyện giữa các bên. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần đặc biệt lưu ý tới yếu tố pháp lý dự án. Ngoài ra, cũng cần lưu ý tới những điều khoản ghi trong hợp đồng, bởi những hợp đồng hợp tác đầu tư kiểu này thường có những điều khoản khiến cho nhà đầu tư “nắm đằng lưỡi”.

Một số điểm cần lưu ý tại hợp đồng hợp tác

Trên website, Công ty Nhật Nam đăng tải công khai hợp đồng hợp tác đầu tư. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần lưu ý những điều khoản mà doanh nghiệp này đưa ra.

Chẳng hạn, theo Điều 5, bên A (tức Công ty Nhật Nam) “sẽ chủ động, nỗ lực và toàn quyền quyết định mọi vấn đề liên quan đến việc sử dụng vốn đầu tư trong suốt thời hạn hợp đồng. Trường hợp hoạt động kinh doanh gặp khó khăn, cản trở do biến động tiêu cực từ thị trường bất động sản, thị trường tài chính, do tác động tiêu cực từ các thông tin truyền thông hoặc do các sự kiện bất khả kháng…, bên A sẽ cân đối, điều chỉnh các vấn đề liên quan, bao gồm nhưng không giới hạn vốn đầu tư, lợi nhuận, phương thức và hình thức thanh toán lợi nhuận”.

Người đầu tư có quyền chuyển nhượng hợp đồng cho bên thứ 3 với điều kiện phải mất 10% phí chuyển nhượng (Điều 6.3). Người đầu tư cũng có thể rút vốn trước thời hạn (trước 24 tháng), nhưng phải chịu mất phí 30% và hoàn trả lại số tiền lãi do bên chi trả (Điều 7 và 7.3).

Hợp đồng cũng quy định rõ, bên A được toàn quyền sử dụng vốn của bên B, bên B không được can thiệp vào quá trình kinh doanh của bên A nhưng sẵn sàng và tự nguyện chia sẻ với bên A những thiệt hại có thể xảy ra việc đầu tư kinh doanh gặp biến động tiêu cực từ thị trường bất động sản, thị trường tài chính và sự kiện bất khả kháng (Điều 9.8).
 

DiaOcOnline.vn – Theo TNCK