Thế chấp nhà tương lai: Dân không nhà, ngân hàng tranh chấp nhau

Cập nhật 08/04/2014 13:32

Dự thảo Luật sửa đổi Nhà ở cho phép thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai được kỳ vọng là một trong những giải pháp khai thông dòng vốn, góp phần giải tỏa khó khăn về vốn của thị trường bất động sản hiện nay. Tuy nhiên thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai đem lại những rủi ro trong các giao dịch bất động sản.

Dự thảo Luật sửa đổi Nhà ở cho phép thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai được kỳ vọng là một trong những giải pháp khai thông dòng vốn, góp phần giải tỏa khó khăn về vốn của thị trường bất động sản hiện nay. Tuy nhiên thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai đem lại những rủi ro trong các giao dịch bất động sản.

Khai thông dòng chảy tín dụng

Dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi lần này có quy định tại điều 142 về việc thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai của chủ đầu tư dự án và khách hàng mua căn hộ như sau:“Chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở được thế chấp dự án hoặc thế chấp nhà ở xây dựng trong dự án tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam để vay vốn phát triển nhà ở nhưng phải giải chấp nhà ở này trước khi ký hợp đồng mua bán, cho thuê mua nhà ở cho khách hàng”.

Theo đó, chủ đầu tư được quyền thế chấp khi “phải có hồ sơ dự án, có thiết kế kỹ thuật của dự án được phê duyệt và đã có Giấy chứng nhận hoặc quyết định giao đất, cho thuê đất do cơ quan có thẩm quyền cấp” và dự án này chưa thế chấp tại các tổ chức tín dụng khác.
Giới kinh doanh bất động sản cho hay, đa số doanh nghiệp Bất động sản thực hiện các dự án, ngoài nguồn vốn tự có của doanh nghiệp (vốn đối ứng khoảng 20%) thì doanh nghiệp phải huy động từ khách hàng hoặc hỗ trợ cho vay từ ngân hàng.

Còn đối với khách hàng, khi ký hợp đồng mua nhà với chủ đầu tư, chưa có đủ lượng tiền lớn, nhưng lại có thu nhập ổn định và có khả năng thanh toán, trả nợ trong tương lai thì được quyền thế chấp nhà ở tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam để vay vốn cho phát triển nhà ở.

Như vậy, có thể thấy, thế chấp tài sản hình thành trong tương lai là quy định rất mở, rất “thông thoáng”, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng mở rộng cho vay và tạo điều kiện cho các cá nhân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận vay vốn sản xuất, kinh doanh.

Khi chủ đầu tư mất khả năng tài chính, ngân hàng thu tài sản thì khách hàng không nhận được nhà.

Rủi ro cho khách hàng và ngân hàng

Chuyên gia bất động sản nhận định, việc thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai sẽ mang lại những thiệt thòi và rủi ro không nhỏ cho khách hàng cũng như các ngân hàng vì sự thiếu thông tin của khách hàng cũng như ngân hàng.

Theo khảo sát của phóng viên, thực trạng các dự án hiện nay, hầu hết các chủ đầu tư đều đem dự án thế chấp các ngân hàng, có thể toàn bộ dự án hoặc chỉ quyền sử dụng đất, nhằm đảm bảo nguồn vốn thực hiện dự án.

Về phía ngân hàng, việc nhận thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro như: Chủ đầu tư đã thế chấp toàn bộ dự án cho ngân hàng khác và khách hàng lại thế chấp ở nơi khác. Khi chủ đầu tư mất khả năng tài chính sẽ xảy ra tranh chấp giữa các ngân hàng về việc xử lý tài sản thế chấp thì phần thiệt lại thuộc về ngân hàng nhận thế chấp từ khách hàng.

Đối với khách hàng mua nhà, khi chủ đầu tư đem toàn bộ dự án đi thế chấp các tổ chức tín dụng, tức là thế chấp cả tài sản hình thành trong tương lai (căn hộ) của khách hàng. Khi chủ đầu tư mất khả năng tài chính, ngân hàng thu tài sản thì khách hàng không nhận được nhà.

Khi chủ đầu tư dự án không có khả năng hoàn thành dự án và tuyên bố phá sản thì phương án xử lý tài sản thế chấp như sau: Nếu tài sản bán trước ngày thế chấp thì tài sản phải trả lại cho khách hàng. Còn nếu tài sản bán sau thế chấp thì xem như tài sản của khách hàng đã thuộc về ngân hàng.

DiaOcOnline.vn - Theo Đời sống & Pháp luật