Thế chấp nhà trên giấy: Người dân và doanh nghiệp cùng hưởng lợi

Cập nhật 27/05/2014 10:06

Thay vì việc phải có tài sản đảm bảo sẵn có như trước đây để vay mua nhà thì đến nay, người dân sẽ được thế chấp ngay căn nhà sắp hình thành trong tương lai làm tài sản đảm bảo. Nhiều chuyên gia cho rằng, đây là “cú hích” đột phá của Bộ Xây dựng bởi, người nghèo sẽ dễ dàng có được căn nhà mơ ước và DN cũng dễ dàng hơn trong việc huy động vốn để hoàn thiện dự án đúng tiến độ.

Thay vì việc phải có tài sản đảm bảo sẵn có như trước đây để vay mua nhà thì đến nay, người dân sẽ được thế chấp ngay căn nhà sắp hình thành trong tương lai làm tài sản đảm bảo. Nhiều chuyên gia cho rằng, đây là “cú hích” đột phá của Bộ Xây dựng bởi, người nghèo sẽ dễ dàng có được căn nhà mơ ước và DN cũng dễ dàng hơn trong việc huy động vốn để hoàn thiện dự án đúng tiến độ.


“Dễ thở” hơn cho người thu nhập thấp

“An cư lạc nghiệp” lâu nay, đã trở thành mục tiêu lớn của đời người. Tuy nhiên, việc mua nhà phải có tài sản thế chấp đã hình thành thì không phải ai cũng dễ dàng biến mơ ước đó thành hiện thực, đặc biệt là những người làm công ăn lương, người thu nhập thấp.

Kết hôn đã 10 năm nhưng đến năm 2010, vợ chồng chị Trần Thị Lan Anh (TP Vinh - Nghệ An) mới dành dụm được số tiền ít ỏi để mua căn hộ trả góp tại dự án chung cư Bắc Hà Tower - Lê Văn Lương kéo dài (Từ Liêm - Hà Nội). Vậy nhưng, đến năm 2012 do điều kiện kinh tế khó khăn, không thể tiếp tục đóng tiền theo đúng tiến độ hợp đồng, chị đành phải qua sàn giao dịch BĐS nhờ nhượng lại. “Ngoài tiền vay ngân hàng thì vợ chồng tôi phải vay thêm họ hàng để mua nhà trả góp. Vì kinh tế khó khăn, việc “cõng trên lưng” lãi suất ngân hàng hàng tháng đã khiến vợ chồng tôi không thể kham nổi, trong khi đó, muốn thế chấp nhà cho ngân hàng thì sổ hồng lại chưa có”, chị Lan Anh chia sẻ.

Trước thực tế trên, Bộ Xây dựng đã cho thông qua đề xuất được thế chấp tài sản hình thành trong tương lai, một phần nhằm xóa bỏ khoảng cách giàu nghèo, mặt khác sẽ khiến người thu nhập thấp dễ dàng hơn trước quyết định mua nhà. “Nỗi cực đi thuê nhà nhiều năm đã khiến chúng tôi quá mệt mỏi. Nếu cho áp dụng chính sách cho thế chấp nhà sắp hình thành trong tương lai để có được ngôi nhà riêng cho mình thì thực sự, những người thu nhập thấp như chúng tôi đã cảm thấy “dễ thở”. Hai con tôi cũng đã lớn, chúng rất cần có một căn nhà để yên tâm học tập”, chị Lan Anh chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Đực - Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM kiêm Phó giám đốc Cty Địa ốc Đất Lành cũng cho rằng, “sáng kiến” cho thế chấp nhà hình thành trong tương lai là bước đột phá lớn của Bộ Xây dựng trong vấn đề giải quyết an sinh xã hội. “Giải pháp này sẽ giúp người nghèo, người thu nhập thấp sớm có căn nhà đầu tiên, thay vì trước đây họ phải có tài sản đảm bảo, tức là có căn nhà đầu tiên thế chấp thì mới có được căn nhà thứ hai”, ông nói.

Doanh nghiệp hưởng những gì?

Theo đánh giá của các chuyên gia, đề xuất này sẽ tạo được nhiều hiệu ứng tích cực cho thị trường BĐS. “Việc thế chấp nhà từ lâu đã được nhiều nước trên thế giới cho áp dụng và đạt được những hiệu ứng tích cực, khiến lượng người mua nhà tăng cao, họ không còn bị ràng buộc bởi những tài sản đảm bảo sẵn có như trước đây. Điều này cũng đồng nghĩa với việc DN sớm bán được hàng và có thêm vốn tích lũy để hoàn thiện dự án”, GS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cho biết.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Minh Quang - Tổng giám đốc TCty Đầu tư Phát triển Hạ tầng Đô thị UDIC cho rằng: “Đây là một giải pháp hợp lý, góp phần tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư, kinh doanh BĐS, huy động vốn, tích lũy vốn để sớm hoàn thiện được tiến độ dự án”.

Trước một số ý kiến cho rằng việc thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai sẽ tăng độ rủi ro lên gấp bội, GS Đặng Hùng Võ đưa quan điểm: “Thế chấp nhà là một hình thức tự nguyện và do ngân hàng tự quyết định, bởi với tư cách là nhà giám định thì họ sẽ có đủ sự “thông minh” để tin tưởng, hỗ trợ các DN có “nội lực” cũng như uy tín để quyết định việc có cho vay hoặc có cho thế chấp hay không. Vậy nên, có rủi ro hay không thì chủ yếu phụ thuộc vào quyết định của ngân hàng”.

Hiện, vấn đề đang được dư luận bàn thảo sôi nổi, song phần nhiều đều cho rằng, đây là giải pháp đột phá cho thị trường BĐS và rủi ro chỉ chiếm phần rất nhỏ. “Có thể xuất hiện rủi ro nhưng chỉ là một phần rất nhỏ. Trường hợp rủi ro xấu nhất là như người mua không đủ tiền đóng theo tiến độ hợp đồng hoặc chủ đầu tư không thể hoàn thiện dự án, thì ngân hàng có thể đứng ra triển khai bằng cách cho chuyển nhượng, đấu giá hoặc thanh lý…”, ông Nguyễn Minh Quang nhận định.

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây dựng