Thấy gì qua tăng trưởng tín dụng bất động sản?

Cập nhật 04/12/2014 09:49

Dư nợ tín dụng trong lĩnh vực bất động sản cho đến hết 30/9/2014 tăng gần 12%, gấp đôi tăng trưởng tín dụng chung của cả nền kinh tế (hiện đang là 6%).

Dư nợ tín dụng trong lĩnh vực bất động sản cho đến hết 30/9/2014 tăng gần 12%, gấp đôi tăng trưởng tín dụng chung của cả nền kinh tế (hiện đang là 6%).

Ảnh minh họa.

Những công bố gần đây của một số cơ quan chức năng và các chuyên gia cho thấy bất động sản (BĐS) bắt đầu chu kỳ "màu hồng" mới.

Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là những con số đó đã phản ánh đúng thực trạng cũng như khả năng phát triển “lành mạnh” của thị trường trong thời gian tới? Theo thống kê của Bộ Xây dựng thì các giao dịch chủ yếu tập trung trong phân khúc căn hộ vừa và nhỏ.

Dù chưa có số liệu công bố chính thức nhưng trong tổng số gần 10.000 giao dịch thành công tại Hà Nội, thì số lượng căn hộ mà Công ty xây dựng tư nhân số 1 Lai Châu tại Linh Đàm (Hà Nội) cũng đã lên đến vài nghìn giao dịch với mức giá dưới 15 triệu đồng/m2.
Trước đó, báo cáo của Hiệp hội BĐS TP. HCM cũng chỉ ra rằng: “Thị trường BĐS đã phục hồi với số lượng giao dịch gia tăng. Trong đó, các căn hộ có quy mô dưới 70m2 với giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 phát triển bền vững nhất”.

Về con số dư nợ tín dụng trong BĐS cho đến hết 30/9, tăng gần 12% cũng cần "mổ xẻ" rõ ràng. NHNN chưa bao giờ thống kê cho dư luận rõ trong thành phần nợ được tái cơ cấu, nợ xấu bất động sản đã được đảo nợ ở mức độ nào so với các lĩnh vực khác. Một khi có được con số chính xác đảo nợ BĐS, sẽ hiểu ngay tín dụng bất động sản đang ở mức nào và điều chỉnh ra sao.
Quan trọng hơn, nếu nhìn vào chỉ tiêu theo chính sách nhà ở đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, chúng ta sẽ thấy thị trường còn thiếu khoảng 26 triệu, 56 triệu và 108 triệu m2 nhà ở cho các năm 2015, 2020 và 2030.

Nhìn một cách tổng thể  thì rõ ràng dù tăng trưởng nhưng thị trường BĐS vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Đang có một sự mất cân đối rất lớn giữa cung và cầu, đặc biệt là ở các đô thị lớn mà nguyên nhân cốt lõi vẫn là giá BĐS vẫn ở mức quá cao so với thu nhập của người dân.
Bởi vậy, thay vì vẽ ra những viễn cảnh “ấm nóng”  các cơ quan quản lý cần có những chính sách thúc đẩy mạnh mẽ hơn cho sự phát triển một cách lành mạnh. Trong đó, nguyên tắc cơ bản là phải tin tưởng vào quyết định của thị trường.

Trong bối cảnh đó, Thông tư số 36/2014/TT-NHNN có thể coi là một cú hích. Cụ thể, hệ số rủi ro của các khoản cho vay BĐS cũng được giảm từ 250% xuống còn 150%. Và như vậy thay vì khoảng 12% như hiện tại, tăng trưởng tín dụng mảng BĐS có thể tăng mạnh trong năm 2015.

DiaOcOnline.vn - Theo DĐDN