Năm 2012 chứng kiến hàng loạt vụ M&A trong lĩnh vực bất động sản, trong đó nổi lên việc mua bán các tòa nhà, khách sạn hạng sang.
Năm 2012 chứng kiến hàng loạt vụ M&A trong lĩnh vực bất động sản, trong đó nổi lên việc mua bán các tòa nhà, khách sạn hạng sang.
Thiếu vốn là một trong những nguyên nhân chính khiến cho nhiều doanh nghiệp BĐS phải chuyển nhượng và sáp nhập dự án. Nhưng đây lại chính là cơ hội cho những người sẵn tiền mua tài sản làm của để dành.
Khách sạn đổi chủ
Việc mua lại 70% cổ phần khách sạn Daewoo của Công ty Hanel xứng đáng được gọi là “thương vụ của năm” trong lĩnh vực M&A ở Việt Nam. Nằm trong trung tâm văn hóa - thương mại - ngoại giao của Hà Nội và tọa lạc tại vị trí tiếp giáp với công viên Thủ Lệ và các trục đường chính là Kim Mã, Liễu Giai và Đào Tấn, Khách sạn Daewoo có 411 phòng nghỉ được thiết kế và xây dựng với các tiêu chuẩn kiến trúc tốt nhất, trong đó, có 2 phòng nguyên thủ.
Tập đoàn phát triển bất động sản Vina (Vina Properties) đã mua lại tổ hợp khách sạn và sân gôn Novotel Phan Thiet Ocean Dunes and Golf Resort trên đường Tôn Đức Thắng, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Chủ sở hữu mới cũng đã đổi tên khách sạn thành DuParc Phan Thiet Ocean Dunes & Golf Resort.
UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã mua 50% vốn của Tập đoàn Crowndale International Corporation (Hong Kong) trong khách sạn Century (Huế) với giá 2,6 triệu USD và trở thành chủ sở hữu toàn bộ khách sạn này. Sau khi mua lại, tỉnh Thừa Thiên - Huế tiếp tục giao khách sạn Century cho công ty đầu tư du lịch Huế kinh doanh và đang tìm các đối tác lớn để đầu tư vào khách sạn này. Tổng tài sản của khách sạn này được định giá 169 tỷ đồng, tương đương 8 triệu USD.
Không ít những khách sạn hạng sang đang ăn nên làm ra cũng được các ông chủ rao bán. Điển hình là vụ Vina Capital đang rao bán 50% cổ phần đang nắm giữ tại khách sạn Metropole Hà Nội. Đây là khách sạn 5 sao lâu đời, nổi tiếng nhất Hà Nội.
Số cổ phần của Vina Capital tại Metropole có giá trị sổ sách là 58,7 triệu USD. Mức giá rao bán cao hơn so với giá trị sổ sách. Metropole là một trong những khách sạn nổi tiếng nhất Việt Nam, được xây từ thời Pháp thuộc, gồm 365 phòng.
Cách đó ít lâu, khách sạn Holiday View ở Cát Bà của chủ đầu tư Vinaconex ITC cũng rao bán với giá khởi điểm vỏn vẹn 70 tỷ đồng. Đây là khách sạn 3 sao duy nhất tại Cát Bà.
Theo hồ sơ chào bán cho các nhà đầu tư, Holiday View hoạt động khá hiệu quả với công suất phòng đạt trên 75%. Tuy nhiên, kết thúc thời hạn nhận hồ sơ chào thầu, hầu như không nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư và việc bán khách sạn cho đến tháng 6 vẫn chưa có kết quả.
Mua bán dự án tấp nập
Hoạt động M&A trong năm 2012 cũng trở nên tấp nập hơn bởi hàng loạt dự án lớn đã được thâu tóm. Năm vừa qua cho thấy sự lên ngôi của các nhà đầu tư nội trong việc chiếm lĩnh hoạt động M&A.
Điển hình, Đất Xanh ký kết hợp đồng đầu tư dự án Gia Phú (Sunview 5 Apartment ) với Công ty TNHH Địa ốc Gia Phú. Theo đó, Tập đoàn Đất Xanh đã chính thức mua lại toàn bộ sản phẩm căn hộ từ dự án Gia Phú với giá trị hợp đồng gần 250 tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay, công ty này đã mua lại 4 dự án đất nền từ các đối tác trong nước gồm dự án Majestic (Biên Hòa, Đồng Nai), Bella (TP.HCM), Gold Hill (Trảng Bom, Đồng Nai) và Marina (Bình Dương). Giá trị mỗi thương vụ ước tính từ 100-200 tỉ đồng.
Tương tự như vậy, Tập đoàn C.T Group công bố mua lại Công ty TNHH và Đầu tư Thiên Lộc tại 359 Phạm Văn Chiêu, quận Gò Vấp, TP HCM và chính thức trở thành chủ đầu tư mới của dự án tọa lạc trên khu đất này.
Từ đầu năm đến nay, Tập đoàn C.T Group đã công bố 2 thương vụ M&A trong lĩnh vực bất động sản. Ngoại trừ khu đất Phạm Văn Chiêu vừa mới thâu tóm, trước đó, ngày 19/3, C.T Group đã mua 95% cổ phần của Công ty TNHH Phát Triển GS Củ Chi (GSDC) trị giá khoảng 24 triệu USD. Thương vụ giúp tập đoàn này trở thành chủ đầu tư mới của dự án C.T Sphinx Golf Club & Residence.
Công ty Cổ phần Địa ốc Hoàng Quân liên tục chào bán các dự án căn hộ mang thương hiệu Cheery, trong khi đây là những dự án đã xuất hiện trên thị trường từ nhiều năm trước với các tên gọi khác nhau. Do thị trường khó khăn, kế hoạch kinh doanh các dự án này bị bể và Hoàng Quân quyết định hợp tác với các chủ đầu tư để khai sinh ra dự án mới.
Chẳng hạn, dự án Cheery 2 trước đây có tên là Võ Đình Apartment, tọa lạc trên đường Lê Văn Khương, quận 12, TP.HCM, do Công ty Tư vấn và Kinh doanh nhà Đạt Gia làm chủ đầu tư. Được khởi công từ tháng 11.2008, nhưng do thị trường khó khăn, dự án này đã bị đắp chiếu. Dự án căn hộ Cheery 3 trước đây có tên là Trung tâm Thương mại Hóc Môn, do Công ty Cổ phần Thương mại Hóc Môn làm chủ đầu tư. Hay Cheery 4 Apartment tiền thân là Babylon Residence do Công ty Đạt Gia làm chủ đầu tư.
Thị trường khó khăn, chủ đầu tư bằng mọi cách rút khỏi bất động sản cho dù tên tuổi bị hạ thấp qua các vụ chào bán dự án. Đơn cử, Công ty cổ phần địa ốc Dầu khí (PVL) vừa công bố thông tin bán đấu giá dự án Petrovietnam Greenhouse với mức khởi điểm 51 tỷ đồng. Theo PVL, giá khởi điểm nói trên chưa bao gồm 5,4 tỷ đồng PVL đã thu của 28 khách hàng. Bước giá thực hiện là 1 tỷ đồng. Số lượng tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá tối thiểu là 2 tổ chức hoặc cá nhân. PVL cho biết, hiện đã đầu tư vào dự án nói trên 163,3 tỷ đồng, theo đó công ty dự kiến lỗ khoảng 112,3 tỷ đồng.
Mới đây, Vinaconex cũng đang mời các nhà đầu tư quan tâm để chuyển nhượng cổ phần tại Liên doanh An Khánh JVC, chủ đầu tư dự án Splendora. Theo đó, Vinaconex sẽ tiến hành cấu trúc lại vốn đầu tư tại Công ty Liên doanh TNHH Phát triển đô thị mới An Khánh (An Khánh JVC) thông qua việc chuyển nhượng phần góp vốn cho các tổ chức kinh tế trong nước hoặc các tổ chức kinh tế nước ngoài đăng ký hoạt động tại Việt Nam.
12 tháng vừa qua, thị trường đã chứng kiến hoạt động M&A gia tăng tại Việt Nam, với một số giao dịch đáng chú ý có sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài. Những giao dịch này sẽ mở đường cho nhiều hoạt động M&A hơn nữa trong một vài năm tới. Năm 2013 sẽ là năm có nhiều thương vụ M&A liên quan đến bất động sản, nếu thị trường tiếp tục không có đầu ra.
DiaOcOnline.vn - Theo VEF