Rất nhiều dự án bãi đậu xe trên địa bàn TPHCM hiện nay đắp chiếu do thiếu cơ chế hỗ trợ nhà đầu tư. Vì vậy, việc miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với các dự án bãi đậu xe là một giải pháp tháo gỡ bế tắc đang được các cơ quan ban ngành xem xét.
Rất nhiều dự án bãi đậu xe trên địa bàn TPHCM hiện nay đắp chiếu do thiếu cơ chế hỗ trợ nhà đầu tư. Vì vậy, việc miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với các dự án bãi đậu xe là một giải pháp tháo gỡ bế tắc đang được các cơ quan ban ngành xem xét.
Dự án ì ạch, quỹ đất khan hiếm
Đến nay, TPHCM đã quy hoạch 4 bãi đậu xe ngầm, gồm Công viên Lê Văn Tám (diện tích đất xây dựng ngầm 29.240m2, gồm 5 tầng đậu xe với 28 chỗ đỗ xe buýt và xe tải, 1.250 chỗ đỗ ô tô con, hơn 2.000 chỗ cho xe máy); sân khấu Trống Đồng (1.620m2, gồm 9 tầng đậu xe với 560 chỗ đậu ô tô); sân bóng đá thuộc Công viên Tao Đàn (11.578m2, gồm 5 tầng với sức chứa tối đa 1.050 ô tô và 1.492 xe máy); Sân vận động Hoa Lư (15.570m2 gồm 5 tầng với sức chứa 3.062 chỗ đậu ô tô).
Tuy nhiên, những dự án kể trên gần như “bất động” vì vướng thủ tục, tính toán giá thuê đất. Dự án bãi đậu xe ngầm do CTCP Đầu tư Phát triển không gian ngầm (IUS) làm chủ đầu tư, theo hình thức BOT là một điển hình. Được chấp nhận chủ trương đầu tư năm 2005, động thổ từ năm 2010 nhưng đến nay vẫn loay hoay với khâu chờ phê duyệt thiết kế cơ sở.
Sự chậm trễ này khiến vốn đầu tư dự án ban đầu từ 70 triệu USD nay đã đội lên hơn 200 triệu USD do trượt giá. Tương tự, Tập đoàn Đông Dương đầu tư 2 dự án bãi đậu xe ngầm Hoa Lư và Sân khấu Trống Đồng đến nay vẫn không triển khai được do vướng mắc việc tính toán giá thuê đất, thiết kế phòng cháy chữa cháy…
Tình trạng thiếu bến bãi đậu xe trên địa bàn TPHCM và sự gia tăng nhanh về số lượng phương tiện giao thông, trong khi hạ tầng giao thông không đáp ứng được, nên các phương tiện đã tùy tiện chiếm dụng mặt đường để lưu đậu hoặc chạy lòng vòng dẫn đến ùn tắc giao thông thường xuyên ở khu vực trung tâm TP, ô nhiễm môi trường do khí thải trong giao thông đã đến mức báo động. |
Theo Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TPHCM đến năm 2020 và sau năm 2020, diện tích dành cho bến bãi là 1.145ha. Trong khi đó, diện tích bến bãi hiện có trên địa bàn TP mới đạt 76,84ha, khoảng 6,7% so với chỉ tiêu quy hoạch. Thực trạng khan hiếm quỹ đất dành cho bến bãi công với việc phân bổ không đồng đều ở các quận, huyện, đang gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động vận tải và an toàn giao thông của TPHCM.
Theo đó, đa số xe buýt phải sử dụng tạm lòng lề đường để đậu khi hết giờ hoạt động. Trong khi đó, mạng lưới tuyến xe buýt ngày càng phát triển để đáp ứng nhu cầu đi lại nhưng phải chấp nhận độ trùng lắp tương đối lớn do thiếu các điểm trung chuyển, dẫn đến ùn tắc giao thông và gây lãng phí. Đối với hoạt động taxi, chỉ một số rất ít doanh nghiệp taxi có khả năng về tài chính thuê mướn các điểm tạm thời để lưu đậu xe qua đêm, phần lớn xe taxi phải lưu đậu trên lòng lề đường, các trạm xăng dầu.
Với định hướng kéo giảm nguy cơ quá tải kết hợp sử dụng các bến xe hiện hữu nằm trong khu vực nội đô, TP đã có kế hoạch xây dựng mới một số bến xe liên tỉnh bên ngoài đường vành đai 2, trục đường cửa ngõ. Trong điều kiện ngân sách còn hạn chế chưa thể đầu tư xây dựng, các bến xe liên tỉnh hiện hữu như Bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh), Bến xe Miền Tây (quận Bình Tân), Bến xe An Sương (huyện Hóc Môn)… vẫn phải đảm nhận chức năng hoạt động liên tỉnh. Vì vậy tình trạng quá tải của các bến xe này trong nội đô chưa được giải quyết đồng bộ, ảnh hưởng đến giao thông khu vực và rất khó khăn trong điều hành, tổ chức giao thông.
Miễn tiền thuê, sử dụng đất
Với thực trạng như trên, yêu cầu đặt ra cho TPHCM là phải tăng cường bố trí quỹ đất dành cho giao thông tĩnh (bến bãi), đẩy nhanh công tác lập đồ án quy hoạch xây dựng chung để đảm bảo chỉ tiêu theo quy hoạch. Bên cạnh đó, nghiên cứu vận dụng các chính sách quy định hiện hành và đặc thù để có cơ chế, chính sách phù hợp nhằm khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng bến bãi, góp phần giải quyết nhu cầu đậu xe, bảo dưỡng sửa chữa phương tiện, trung chuyển hàng hóa và kéo giảm ùn tắc giao thông.
Trong văn bản gửi Bộ Tài chính và Bộ Giao thông-Vận tải ngày 6-5, UBND TPHCM đề nghị 2 cơ quan này xem xét hỗ trợ, thống nhất kiến nghị về cơ chế chính sách đầu tư xây dựng hệ thống bến bãi trên địa bàn TP. Theo đó, miễn tiền thuê đất hoặc miễn tiền sử dụng đất đối với phần diện tích đất phục vụ cho hạng mục đậu, đỗ xe và các hạng mục liên quan của công trình xây dựng bến bãi (các khu vực dịch vụ bảo dưỡng và sửa chữa phương tiện, bán vé, quản lý điều hành, đón trả khách, phòng chờ khách, vệ sinh, rửa xe, kho hàng hóa, mảng xanh và đường giao thông nội bộ).
Đối tượng áp dụng là doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực vận tải hành khách và vận tải hàng hóa, đồng thời mở rộng phạm vi đơn vị hành chính là các huyện thuộc các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương (kiến nghị điều chỉnh Quyết định 55/QĐ-TTg).
Xe buýt đậu trong Công viên 23 tháng 9. Ảnh: Cao Thăng
|