Thành Phố Hồ Chí Minh: Cuối năm sẽ lại sốt đất?

Cập nhật 16/11/2007 14:00

Nhiều chuyên gia địa ốc dự báo, với những tín hiệu tốt khi các tập đoàn nước ngoài đang đổ vốn ào ạt vào nhà, đất TP HCM, cộng với với sức mua...

Nhiều chuyên gia địa ốc dự báo, với những tín hiệu tốt khi các tập đoàn nước ngoài đang đổ vốn ào ạt vào nhà, đất TP HCM, cộng với với sức mua “nóng” như hiện nay sẽ xảy ra cơn sốt mới vào cuối năm 2007.

Các chuyên gia dự báo, thời gian tới, giá đất sẽ tiếp tục tăng, riêng giá nhà sẽ chững lại, vì đến đầu năm 2008 sẽ có hàng loạt dự án với gần 10.000 căn hộ tiếp tục được chào bán.

Giành mua... trên giấy

Thực tế, tại nhiều dự án căn hộ có vị trí được xem là đắc địa, dù chỉ mới có thông báo hợp tác đầu tư giữa các “ông chủ” đất, nhiều khách hàng cũng đến để tìm hiểu thông tin và đặt mua theo các kênh phân phối từ chính thức đến thân quen kiểu “đối tác chiến lược”. Ví dụ, tại buổi công bố dự án khu căn hộ cao cấp The Mark (phường Tân Phú, quận 7) mới đây, dù chủ dự án cho biết có thể tháng 12/2007 mới bắt đầu chào bán, song đã có hàng loạt Cty môi giới nhà, đất trong và ngoài nước đã có mặt để tìm cơ hội mua căn hộ từ trên giấy!

Trong khi đó, giá nền đất cũng tăng chóng mặt. Nguyên nhân do thời gian qua, các quận 2, 7, 9... không còn chủ dự án nào bung thêm nền đất ra bán, đây là cơ hội cho các nhà đầu tư, dân đầu cơ và các Cty môi giới “làm giá”. Để tăng thêm nguồn hàng, các Cty môi giới và “cò” nhà, đất tăng cường rao mua trên các phương tiện thông tin đại chúng, thậm chí gọi thẳng những người đã từng là khách hàng mua đất để gạ nhượng lại.

Anh Trần Hùng, quận Bình Thạnh, do cần tiền để giải quyết việc gia đình nên cách đây bốn tháng đành phải bán hai nền đất (diện tích 140 m2/nền) tại phường Phước Long A, quận 9 với giá 4,5 triệu đồng/m2. Nay “cò” gọi đề nghị trả ngay 8,4 triệu đồng/m2. Tại một số lô đất chưa san lấp đường Nguyễn Bình (xã Nhơn Đức), giá chào bán từ 4,5 - 5 triệu đồng/m2, tăng từ 20 - 40% so với đầu tháng 11.
 
Bà Đỗ Thị Loan - Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản TP HCM (Horea), cho rằng đây là những diễn biến hết sức bình thường bởi sự dịch chuyển của nguồn vốn đầu tư trong khách hàng. Bên cạnh đó, từ 75 - 85% DN đã niêm yết cổ phiếu trên sàn cũng bỏ tiền vào đầu tư bất động sản để gia tăng giá trị tài sản của đơn vị.

Ông chủ lớn ở đâu?

Ông Nguyễn Đăng Sơn - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đô thị và Phát triển hạ tầng cho rằng, nếu Nhà nước là một ông chủ lớn, thì phải cung ứng sản phẩm để điều tiết thị trường. Song hiện nay do tình trạng hiếm hàng dẫn đến giá cứ leo thang là điều tất yếu.

Đơn cử, khi Cty Liên doanh Phú Mỹ Hưng nâng giá bán căn hộ Sky Garden 3, lên từ 25 - 26 triệu đồng/m2, chắc chắn thị trường nhà, đất tại gần đó sẽ điều chỉnh lại giá để tương ứng. Như vậy, giá nhà, đất khu Nam TP sẽ có những biến động nhất định trong thời gian tới và có thể gây “cơn sốt” mới.

Ông Sơn nhận định, hiện nay, nhiều người dân còn "mù" thông tin nên thường "tát nước theo mưa", làm theo phong trào mà thiếu sự tính toán, cân nhắc. Do vậy, việc cần làm ngay là có một cơ quan thu thập các thông tin về giá cả, những biến động liên quan đến thị trường cung ứng cho người mua để họ quyết định.
 
Bên cạnh đó phải công khai quy hoạch, góp phần minh bạch thông tin, tránh tình trạng người dân đổ xô đi mua đất đón đầu quy hoạch. Về lâu dài, Nhà nước cần có quỹ nhà, đất dự trữ đủ mạnh, để khi xảy ra biến động thị trường thì Nhà nước sẽ đưa quỹ nhà đất này ra điều tiết. Điều này cũng góp phần "giảm nhiệt" các "cơn sốt đất đã xảy ra trong thời gian qua" - ông Sơn cho biết.

Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp