Trong thời gian gần đây hàng loạt doanh nghiệp mua lại không ít dự án của doanh nghiệp khác; nhiều dự án mới đưa ra thị trường cũng mang tính chuyên nghiệp hơn. Thị trường BĐS đang chuyển dịch theo hướng cạnh tranh ngày càng minh bạch, tạo sự phát triển bền vững.
Trong thời gian gần đây hàng loạt doanh nghiệp mua lại không ít dự án của doanh nghiệp khác; nhiều dự án mới đưa ra thị trường cũng mang tính chuyên nghiệp hơn. Thị trường BĐS đang chuyển dịch theo hướng cạnh tranh ngày càng minh bạch, tạo sự phát triển bền vững.
Bán lại hoặc liên kết
Thời gian qua, CTCP Địa ốc Nova (Novaland) cùng lúc đầu tư xây dựng hàng loạt dự án trải dài ở nhiều quận/huyện. Ông Phan Thành Huy, Tổng giám đốc Novaland, cho hay tổng số căn hộ của các dự án đang triển khai lên đến gần 8.000 căn hộ. Trong đó nhiều dự án công ty đã mua lại của các doanh nghiệp khác trong thời gian gần đây. Cùng với Novaland, Hưng Thịnh Corp trong thời gian qua cũng mua lại hàng loạt dự án của các doanh nghiệp khác để tiếp tục đầu tư.
Hầu hết những dự án Novaland và Hưng Thịnh Corp mua lại là những dự án đã ngưng triển khai trong thời gian dài hoặc chỉ mới triển khai phần thủ tục. Dự án chung cư Tín Phong (quận 12, TPHCM) do Công ty TNHH Tín Phong làm chủ đầu tư có quy mô gần 400 căn hộ. Dự án đã xây dựng đến công đoạn hoàn thiện nhưng công trình ngưng thi công trong một thời gian hơn 2 năm. Mới đây Hưng Thịnh Corp đã hợp tác đầu tư với Tín Phong để tiếp tục hoàn thiện dự án và bán ra thị trường.
Hiện nay dự án đã được khởi động trở lại, tạo sinh khí mới cho công trình, tạo niềm tin mới cho hàng trăm khách hàng đã mua nhà trước đó nhưng không thể nhận nhà như cam kết của chủ đầu tư. Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty TNHH Địa ốc Đất Lành - chủ đầu tư dự án Thái An (đã bán lại cho Hưng Thịnh Corp), cho biết dự án này Đất Lành đã xây lên đến tầng 6 nhưng do đầu ra khó khăn nên buộc phải bán để “cắt lỗ”.
Thị trường trong thời gian qua đã qua cơn “sát hạch” rất dữ dội. Nhiều doanh nghiệp không trụ nổi với dự án, với thị trường đã buộc phải tháo lui. Tuy nhiên, cũng có không ít chủ đầu tư bị “chết” nhưng không thể “chôn” do đang triển khai dự án dở dang thì ngưng. Có những dự án đến nay tiền vay, tiền lãi đã vượt xa giá trị đầu tư, trong khi đó ngân hàng cũng chẳng muốn ôm vì có nhiều dích dắc.
Ông Lê Hùng, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư An Phú, cho rằng trong thời gian tới thị trường sẽ tiếp tục thanh lọc những nhà đầu tư yếu năng lực về tài chính, thiếu kinh nghiệm chuyên môn, tạo nên một cuộc đào thải rất lớn trên thị trường BĐS.
Chuyên nghiệp hơn?
Giám đốc một doanh nghiệp ví von: thị trường BĐS cũng giống như nhà hàng, cà phê. Trên một trục đường có rất nhiều quán nhưng có quán đông, có quán vắng. Đó là do chất lượng sản phẩm, cung cách phục vụ, giá cả, chế độ hậu mãi… để thu hút khách hàng. Nó tương tự như thị trường BĐS, nếu doanh nghiệp đầu tư có chiều sâu cho cả một hệ thống để tạo ra giá trị gia tăng thì khách hàng mới đi theo. Nhu cầu nhà ở khách hàng rất lớn, tuy nhiên cơ hội cũng chỉ dành cho những doanh nghiệp chuyên nghiệp.
Thời gian tới BĐS chỉ tồn tại những doanh nghiệp chuyên nghiệp và ngày càng chuyên nghiệp hơn mới có thể tồn tại được. Chính vì vậy, yêu cầu của khách hàng đối với sản phẩm ngày càng cao hơn về chất lượng cũng như sự minh bạch về pháp lý. Ông Hoàng Anh Tuấn, Tổng giám đốc CTCP Tấc Đất Tấc Vàng, cho biết công ty vừa đưa ra thị trường dự án IJC@Vsip giai đoạn 2 (TP mới Bình Dương). Bên cạnh hạ tầng hoàn thiện, hàng loạt tiện ích đi kèm, chủ đầu tư cũng đã cố gắng ra sổ đỏ cho từng nền đất để khách hàng yên tâm.
Khách hàng tìm hiểu một dự án BĐS tại Vietbuild 2014.
|