Thang máy giá rẻ: Dân chung cư lơ lửng vận mạng

Cập nhật 02/08/2014 08:54

Liên tiếp các sự cố gây chết người liên quan đến thang máy đã xảy ra. Sự việc đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về chất lượng thang máy được lắp đặt trong các tòa nhà cao tầng

Liên tiếp các sự cố gây chết người liên quan đến thang máy đã xảy ra. Sự việc đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về chất lượng thang máy được lắp đặt trong các tòa nhà cao tầng.

Hiện nay, thang máy được sử dụng phổ biến không chỉ ở các tòa nhà cao tầng mà ngay cả trong những căn nhà dân chỉ cao 5,6 tầng hay biệt thự. Theo quy định, thang máy lắp đặt cho các tòa nhà, chung cư đều phải có quy chuẩn và có đơn vị thẩm định chất lượng. Định kỳ phải có các đơn vị kỹ thuật chuyên ngành thang máy kiểm tra, bảo trì tối thiểu một lần/2 tháng.

Quy định là vậy, nhưng thực tế không phải đơn vị nào cũng tuân thủ. Thang máy hiện có giá từ vài trăm triệu đến một tỷ đồng. Để tiết kiệm kinh phí, nhiều đơn vị thường lắp đặt thang kém chất lượng, chế độ bảo trì không đúng quy định.

Chất lượng thang máy xuống cấp vì nhiều chủ đầu tư ham rẻ

Với chi phí lắp đặt thang này chỉ bằng 1/3 so với các loại thang nhập ngoại, nhiều chủ đầu tư do không lường trước được hậu quả nên lựa chọn rất cảm tính. Loại thang máy được tự thiết kế và sản xuất không theo một tiêu chuẩn nào, tính năng an toàn, các thông số đo độ rung lắc, khả năng tải của thang máy đều bị "biến tấu" đi và sai lệch. Hệ quả kaf sau một thời gian ngắn đưa vào sử dụng, các sự cố đáng tiếc đã xảy ra.

Phần lớn các loại thang này đều có thiết bị từ Trung Quốc. Giá bán một thang máy dành cho tòa nhà 7-8 tầng là 500 triệu đồng, rẻ phân nửa so với hàng nhập chính hãng từ các nước khác.

Một chuyên gia trong lĩnh vực thang máy nhận định "tiền nào của đấy". Không phải ngẫu nhiên mà thang máy có giá lên tới hàng tỷ đồng đối với dòng nhập khẩu. Nhiều chủ đầu tư vẫn xem thang máy như một thiết bị trong toà nhà là sai lầm. Chính việc sử dụng các bo mạch, thiết bị, linh kiện dỏm, hàng nhái giá rẻ khi bảo trì, duy tu thang máy đã góp phần làm thang máy trục trặc, hỏng hóc liên tục và gây tai nạn. Nhiều công ty lắp đặt đã "ăn bớt" hệ thống an toàn để chiếc thang dễ vận hành hơn, lại vừa giảm chi phí, các dịch vụ bảo trì thang máy cũng bị cắt giảm triệt để.

Bên cạnh đó, nhiều chủ đầu tư hiện nay vẫn không chú trọng nhiều tới vấn đề bảo dưỡng cho sản phẩm của mình. Một nguyên nhân nữa là do công tác bảo dưỡng bảo trì thang máy của đơn vị thi công không đáp ứng được quá trình hoạt động của thang máy, vì vậy thang máy thường xuống cấp nhanh trong quá trình vận hành.

Mức phí bảo trì cũng tùy thuộc vào từng đơn vị và theo số tầng của tòa nhà. Đơn cử như tòa nhà 20 tầng, mức phí bảo trì của một công ty trong nước vào khoảng 1-2 triệu đồng/tháng, số lần bảo trì 12 lần/năm. Bên cạnh đó, thang sau khi sử dụng một thời gian dài cần thay thế các phụ tùng chính hãng. Tuy nhiên, thực tế nhiều chung cư đang không thuê bảo trì thường xuyên, chỉ khi nào thang máy hỏng mới gọi thợ tới sửa chữa để tiết kiệm chi phí.

Công tác bảo trì không được thực hiện thường xuyên

Theo ông Nguyễn Hải Đức - Giám đốc, đại diện một hãng thang máy tại Việt Nam, thì: "Thang máy muốn đạt chất lượng, an toàn thì phải có công nghệ, tiêu chuẩn rõ ràng, trong đó chất lượng sản phẩm và hệ thống lắp đặt bảo trì, bảo dưỡng phải theo tiêu chuẩn của nhà sản xuất và quy định của pháp luật Việt Nam". Bên cạnh đó, chất lượng dịch vụ, bảo hành, ý thức của người sử dụng, quan điểm của chủ đầu tư về thang máy cũng quyết định rất nhiều.

Các công ty nước ngoài họ dành nhiều thời gian cũng như tài chính để nghiên cứu kỹ thuật và các vấn đề liên quan tới vận hành, bảo trì thang máy, chính vì thế khi hoạt động, thang máy đạt hiệu quả cao nhất. Sản phẩm nhập khẩu đảm bảo từ hệ thống, chất lượng thiết bị phải đạt tiêu chuẩn, bí quyết công nghệ quốc tế.

Về vấn đề tai nạn thang máy trong thời gian gần đây, ông Đức cho biết, những tai nạn về thang máy xuất phát chủ yếu là do hệ thống an toàn của thang máy có vấn đề, chứ nếu được lắp đặt, bảo trì đầy đủ thì sẽ không bao giờ xảy ra vấn đề này.

Nguyên nhân phần lớn là do ý thức của chủ đầu tư cũng như vấn đề bảo dưỡng sản phẩm sau khi lắp đặt. Theo tiêu chuẩn TCVN, khoảng cách giữa 2 lần bảo dưỡng thang máy không được quá 60 ngày nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn chủ quan, không thực hiện đúng.

Để sử dụng thang máy an toàn, trước tiên người mua nên chọn loại thang máy đã được cơ quan nhà nước kiểm tra và cấp giấy kiểm định đạt tiêu chuẩn an toàn cho phép sử dụng chở người. Những nguyên nhân dẫn đến tai nạn thường là do các thiết bị kém chất lượng bị ăn bớt trong quá trình thi công cứu hộ thang máy. Vì vậy cần phải chọn nhà thi công có uy tín để tránh tình trạng này.

Thang phải được bảo trì, bảo dưỡng định kỳ, thường xuyên. Khi phải sửa chữa, thay thế phụ tùng cho thang, lưu ý nên sử dụng các loại phụ tùng đồng bộ, cùng hãng để thay thế vì sẽ đảm bảo sự vận hành đồng bộ của toàn hệ thống thang, giúp thang hoạt động an toàn.

DiaOcOnline.vn - Theo VEF