Tháng 9 xây cầu Sài Gòn 2?

Cập nhật 11/07/2010 08:35

PMC thông báo như thế nhưng UBND TP chỉ mới “chủ trương” giao PMC, nay lại xuất hiện thêm một đơn vị muốn vào cuộc nên theo quy định thì sẽ phải đấu thầu.

PMC thông báo như thế nhưng UBND TP chỉ mới “chủ trương” giao PMC, nay lại xuất hiện thêm một đơn vị muốn vào cuộc nên theo quy định thì sẽ phải đấu thầu.

Lãnh đạo Công ty Cổ phần BOT Cầu Phú Mỹ (PMC) - nay là Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng cầu Phú Mỹ vừa thông tin tới báo chí giá xây dựng cầu Sài Gòn 2 được “hạ” từ 2.430 tỉ đồng xuống còn 1.600 tỉ đồng. Bao giờ cầu Sài Gòn 2 được khởi công xây dựng?

Hạ giá gần 800 tỉ đồng, vẫn cao


Trước đây, khi đưa ra giá xây dựng cao, ông Nguyễn Thành Thái, Tổng Giám đốc PMC, lý giải: Do toàn bộ các đơn vị tư vấn thiết kế, giám sát, nhà thầu thi công đều do nước ngoài đảm trách.

Cuối tháng 6, ông Mạc Đăng Nớp, Phó Tổng Giám đốc PMC, thông tin đến báo chí tổng mức đầu tư của cầu Sài Gòn 2 là 1.600 tỉ đồng vì: “Có thể chúng tôi chọn phương án giao nhà thầu trong nước xây cầu với giá khoảng 1.500 tỉ đồng; còn các đơn vị nước ngoài đảm nhận phần tư vấn thiết kế, giám sát”.

Theo các chuyên viên ngành giao thông và tài chính, tổng mức đầu tư do PMC mới đưa ra trên vẫn cao. Bởi theo các thông số kỹ thuật cơ bản thì tổng mức đầu tư cho cầu này không thể cao hơn hai cầu Phú Mỹ, Thủ Thiêm. Mặt khác, các nút giao ở hai đầu cầu Sài Gòn 2 không phức tạp như ở cầu Thủ Thiêm. Cầu Sài Gòn 2 không phải là cầu dây văng đòi hỏi độ cao và chiều rộng khoang thông thuyền lớn như cầu Phú Mỹ (xem bảng so sánh dưới).

Cầu Sài Gòn hiện hữu luôn trong tình trạng quá tải. Ảnh: L.Đức.

Chưa rõ ai là nhà đầu tư

Ngày 30-6, UBND TP có văn bản chấp thuận chủ trương chuyển đổi đầu tư xây dựng cầu Sài Gòn 2 theo hình thức hợp đồng “Xây dựng-chuyển giao” (BT) thay vì “Xây dựng-kinh doanh-chuyển giao” (BOT). UBND TP cũng chủ trương chấp thuận giao PMC tiếp tục là nhà đầu tư dự án Cầu Sài Gòn 2.

Tuy vậy, theo Nghị định 108/2009/NĐ-CP, muốn quyết định chủ đầu tư thì phải tuần tự thông qua các thủ tục công bố công khai dự án, mời thầu rộng rãi… Sau khi xác định được nhà đầu tư là quá trình đàm phán giữa nhà đầu tư với đại diện của TP để xác định, làm rõ các vấn đề: tổng mức đầu tư, nguồn vốn, phương án tài chính… Thời gian từ đàm phán đến khi trình UBND TP, quyết định ký hợp đồng BT phải mất không dưới sáu tháng. Như vậy, thời điểm khởi công xây dựng cầu Sài Gòn 2 vào tháng 9-2010 mà ông Mạc Đăng Nớp nói với báo chí là chưa hẳn.

Lại nữa, mới đây Tổng Công ty Xây dựng số 1 (CC1 - Bộ Xây dựng) đề nghị Thành ủy, UBND TP.HCM chấp thuận cho đơn vị này được nghiên cứu, triển khai xây dựng cầu Sài Gòn 2 theo hình thức BT. Theo một chuyên viên Sở Giao thông Vận tải, khi xuất hiện hai nhà đầu tư thì UBND TP phải tổ chức đấu thầu theo luật định. Và khi đó, tổng mức đầu tư của cầu Sài Gòn 2 sẽ có thể chỉ tương đương cầu Thủ Thiêm.

Lại nữa, văn bản của UBND TP với PMC chỉ mới là chủ trương. Vì vậy đã có nhiều ý kiến cho rằng việc tự ấn định thời gian khởi công chỉ là một cách “xí phần”.

DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP