Hơn 700 kỹ sư và công nhân của nhà thầu Obayashi đang hối hả thi công đúc hầm đúng theo kế hoạch. Đại diện nhà thầu cho biết...
Hơn 700 kỹ sư và công nhân của nhà thầu Obayashi đang hối hả thi công đúc hầm đúng theo kế hoạch. Đại diện nhà thầu cho biết, hiện việc thi công hầm dẫn đào lấp và tường dẫn chữ U đạt 50% khối lượng cho cả hai phía quận 1 và quận 2; bể đúc đã hoàn thành 30% khối lượng bê tông cho bốn đốt hầm, các đốt hầm sẽ được hoàn tất vào tháng 6/2008.
Hầm Thủ Thiêm là hầm dìm hiện đại đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á có kích trước siêu trường, siêu trọng. Khi dự án hoàn thành, không chỉ mang lại những hiệu quả về kinh tế xã hội mà còn giúp chuyển giao cho Việt Nam những công nghệ mới trong xây dựng công trình. Công trình này được coi là điểm nhấn toàn tuyến của dự án Đại lộ Đông - Tây, với chiều dài 21,89 km (khởi công từ tháng 5/2005).
Hầm dìm Thủ Thiêm được thiết kế dài 1,49 km, rộng 33 m, cao 9m, có 6 làn xe, mỗi bên 3 làn cho cả ôtô và xe máy, có 2 làn thoát hiểm. Ở giữa là giải phân cách rộng 80 cm, xe gắn máy và ôtô khi lưu thông qua hầm sẽ đạt tốc độ 60 km/giờ.
Thông số về đảm bảo an toàn được thiết kế hiện đại bằng các hệ thống kỹ thuật bên trong hầm như hệ thống thông gió, hút ẩm, bơm nước, chiếu sáng, thông tin liên lạc, chống cháy nổ. Hai bên hông hầm còn thiết kế hai đường thoát hiểm, khi có sự cố, các cửa thoát hiểm mở ra cho các phương tiện lưu thông kịp thời hoặc quay đầu trở lại...
Khi hầm Thủ Thiêm hoàn thành và đi vào sử dụng cũng là lúc Đại lộ Đông - Tây được kết nối hoàn chỉnh, nối hai đầu Đông Bắc và Tây Nam Tp. Hồ Chí Minh, cải thiện hệ thống giao thông nội thị đang quá tải. Các phương tiện giao thông lúc ấy sẽ không đi vào trung tâm thành phố.
Dự án này hoàn thành cũng tạo tiền đề cho việc giãn dân cư đô thị về phía Đông và phía Nam thành phố. Đặc biệt góp phần quan trọng cho sự hình thành khu trung tâm thương mại mới ở quận 2. Con đường này sẽ trở thành con đường huyết mạch nối với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, tạo thành các mối liên kết chặt chẽ các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Tại công trường đúc đốt hầm, nhà thầu Obayashi (Nhật Bản) đặt trạm trộn bê tông đặc biệt, trộn bê tông với đá bào lần đầu tiên được áp dụng trong ngành xây dựng công trình ở Việt Nam. Có tất cả 4 đốt hầm, mỗi đốt có kích thước dài 96m, rộng 33m, cao 10m, trọng lượng khoảng 25 ngàn tấn.
Ông Nguyễn Đỗ - kỹ sư trưởng công trình cho biết: “Đảm bảo sự an toàn tuyệt đối cho công trình là mục tiêu chính trong khi thi công của chúng tôi. Vì thế, chúng tôi đã sử dụng công nghệ hiện đại nhất khi tiến hành rút chân không và đánh chìm đốt hầm đúng vị trí.
Sau khi đánh chìm thì tự động các đốt hầm hút vào nhau thành một khối liên kết và chìm xuống đúng vị trị đã xác định. Các đốt hầm đã định vị đúng vị trí sâu cách đáy sông 12m thì tiến hành lấp và chúng tôi sẽ rải một lớp đá lên phía trên nóc hầm để tránh tình trạng neo tàu thuyền va chạm”.
Theo Kinh Tế & Đô Thị