Tập trung nguồn lực cho đầu tư xây dựng cơ bản

Cập nhật 01/10/2013 08:20

Chiều 30/9, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sửu đã chủ trì hội nghị giao ban trực tuyến với lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện về tình hình thực hiện đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) 9 tháng đầu năm 2013.

Chiều 30/9, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sửu đã chủ trì hội nghị giao ban trực tuyến với lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện về tình hình thực hiện đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) 9 tháng đầu năm 2013.

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sửu phát biểu tại buổi họp giao ban trực tuyến về xây dựng cơ bản.

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch & Đầu tư (KH&ĐT), tổng nguồn vốn kế hoạch XDCB năm 2013 của toàn TP là 24.921 tỷ đồng. Tính đến hết ngày 27/9/2013, khối lượng thực hiện vốn XDCB (không bao gồm 6.030 tỷ đồng vốn ghi thu chi BT, vốn ủy thác cho các quỹ và các nhiệm vụ chi đặc thù) đạt 12.281,5 tỷ đồng/ kế hoạch 18.891 tỷ đồng (đạt 65% kế hoạch); giá trị giải ngân chung 11.165 tỷ đồng (đạt 58,1% kế hoạch). Trong điều kiện mất cân đối giữa nhu cầu và nguồn lực, TP đã đình, hoãn giãn 120 dự án với mốc vốn hơn 30 nghìn tỷ đồng; thu hồi 160 tỷ đồng vốn của 9 dự án do chậm khởi công, bổ sung vào dự phòng ngân sách. Tuy nhiên, nhiều chủ đầu tư đã nỗ lực, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, đặc biệt là các dự án chuyển tiếp và chuyển tiếp hoàn thành trong năm 2013, do vậy tỷ lệ giải ngân 9 tháng đầu năm là 62,9% cao hơn cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2012 đạt 59,4%).

Đối với dự án trọng điểm, TP đã hoàn thành 6 dự án cầu vượt góp phần tích cực trong việc giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông; tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong công tác GPMB cho một số dự án quan trọng của TƯ trên địa bàn như: Dự án đường cầu Nhật Tân - Nội Bài; Dự án đường Hà Nội - Lào Cai; Đường Hà Nội Thái Nguyên… kết quả có nhiều chuyển biến tích cực, như các huyện: Đông Anh, Sóc Sơn, Gia Lâm, đủ điều kiện và khả năng bàn giao mặt bằng theo yêu cầu tiến độ của Bộ GTVT.

Về nguồn vốn 1.000 tỷ đồng trái phiếu xây dựng Thủ đô, phiếu phát hành đợt 1 năm 2013, UBND TP đã phân bổ hợp lý cho 5 công trình trọng điểm; đã giải ngân đạt khoảng 664 tỷ đồng. TP vừa phát hành thành công 1.000 tỷ đồng vốn trái phiếu xây dựng Thủ đô đợt 2 năm 2013, dự kiến sẽ phân bổ ngay đầu tháng 10/2013 cho các công trình trọng điểm khác…

Đối với nguồn vốn XDCB cho quận, huyện, thị xã, TP đã cơ bản giao đủ kế hoạch, đã thực hiện ước 4.121,7 tỷ đồng/KH 7.092,3 tỷ đồng (đạt 58,12% KH), giá trị giải ngân đạt 3.747 tỷ đồng (đạt 52,83%). Trong đó, nguồn vốn phân cấp, đạt giá trị giải ngân 2.907 tỷ đồng, bằng 48,5% KH; nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu cho ngân sách cấp - huyện - thị xã khối lượng thực hiện khoảng 900 tỷ đồng/KH 1.100 tỷ đồng, bằng 82% KH, giá trị giải ngân đạt 840 tỷ đồng, bằng 76% KH.

Tại hội nghị, các ý kiến cho rằng, việc mất cân đối về nguồn lực và nhu cầu đầu tư, dẫn đến việc bố trí vốn còn dàn trải. Đáng lưu ý, nguồn vốn ngân sách TƯ hỗ trợ có mục tiêu giá trị giải ngân chỉ đạt 5,8% KH; vốn đầu tư phát triển cho các chương trình mục tiêu quốc gia và TP giá trị giải ngân đạt 43% KH. Tình trạng nợ đọng XDCB có xu hướng tăng lên, nhất là trong lĩnh vực xây dựng nông thôn mới. Theo thống kê sơ bộ của Sở KH&ĐT, tổng số nợ đọng XDCB đến ngày 30/6/2013 khoảng 1.980 tỷ đồng.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sửu nhận định, tình tình thực hiện đầu tư XDCB đến thời điểm hiện tại có khá hơn những năm trước, nhưng vẫn thấp hơn bình quân của cả nước (71%). Do đó, các sở, ngành quận, huyện, cần tiếp tục thực hiện đồng bộ Kết luận của Chủ tịch UBND TP tại hội nghị giao ban XDCB quý II/2013. Trong đó, yêu cầu các chủ đầu tư, các cấp, các ngành tập trung, rà soát nguồn vốn nợ XDCB năm 2013, tổng hợp báo cáo TP trước ngày 15/10/2013. Đối với những dự án của TƯ còn đang nợ vốn TP, giao Sở KH&ĐT phối hợp với Sở Tài chính, GTVT thống kê cụ thể để TP đôn đốc hoàn trả, đồng thời quyết liệt đẩy nhanh công tác GPMB cho các dự án.

Phó Chủ tịch thành phố cũng yêu cầu các địa phương tập trung bám vào nguồn thu để điều chỉnh vốn XDCB hợp lý, tránh chậm trễ như hàng năm. Đối với các dự án quan trọng, cần tích cực phối hợp với các sở, vận dụng linh hoạt các cơ chế chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh  tiến độ GPMB, huy động nguồn vốn, nhưng phải đảm bảo theo đúng chính sách pháp luật. Giao Sở Tài nguyên -Môi trường tích cực phối hợp với các ngành tìm giải pháp giúp các huyện đẩy nhanh đấu giá QSDĐ để tạo nguồn thu. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, loại bỏ những thủ tục rườm rà để cùng thực hiện những nhiệm vụ trên.

DiaOcOnline.vn - Theo Kinh tế và Đô thị