Tạo kênh phản biện để minh bạch thị trường

Cập nhật 03/01/2011 08:10

“Hiệp hội đi vào hoạt động sẽ giúp kênh bất động sản Đồng Nai minh bạch hơn”. đó là nhận định của ông Nguyễn Thanh Lâm, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai...

Để thị trường thông suốt, ổn định, phát triển bền vững thì cần có cơ chế chính sách rõ ràng về huy động vốn.

“Hiệp hội đi vào hoạt động sẽ giúp kênh bất động sản Đồng Nai minh bạch hơn”. đó là nhận định của ông Nguyễn Thanh Lâm, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai, kiêm Trưởng Ban vận động thành lập Hiệp hội Bất động sản Đồng Nai (ảnh), khi trao đổi với phóng viên về việc ngày 5-11 tới, hiệp hội tổ chức đại hội ra mắt.

Đồng Nai là tâm điểm thị trường

* Vài năm gần đây, thị trường bất động sản ở Đồng Nai phát triển khá nhanh. Đặc biệt trong năm 2010 thì Đồng Nai gần như là tâm điểm của thị trường khi thu hút mạnh mẽ các suất đầu tư cũng như bùng nổ nhiều dự án bất động sản. Nguyên nhân nào khiến thị trường trở nên hấp dẫn, thưa ông?

Đầu tiên nhìn nhận Đồng Nai là thị trường có tiềm năng. Trong ba năm qua, đây là một thị trường có nhiều thay đổi nhanh, nhiều loại hình bất động sản có tốc độ phát triển khá ấn tượng.

Nguyên nhân thì nhiều nhưng tập trung ở mấy vấn đề. Thứ nhất là giáp TP.HCM, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gồm TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu nên cùng có tốc độ phát triển kinh tế - xã hội nhanh. Kế đến là kết nối hạ tầng và quy hoạch đồng bộ bến cảng, sân bay, giao thông, cầu đường rất mạnh. Trong nghị quyết tỉnh ủy và UBND tỉnh xác định từ nay đến 2015 sẽ đẩy mạnh đầu tư vào kết cấu hạ tầng. Chính việc đầu tư mạnh vào hạ tầng đã thúc đẩy kênh bất động sản Đồng Nai phát triển nhanh, mạnh trong thời gian qua.

* Tuy nhiên, kênh bất động sản Đồng Nai có lúc nóng lạnh bất thường. Ông nhận định các chính sách pháp luật về đất đai, bất động sản và những quy định quản lý của tỉnh tác động đến thị trường ra sao?

Theo tôi, các cơ chế chính sách về lĩnh vực bất động sản của nhà nước nói chung và của tỉnh nói riêng nhiều năm qua đã góp phần thúc đẩy kênh bất động sản phát triển. Như quy hoạch đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và kết cấu hạ tầng xã hội, quy hoạch các khu dân cư, cảng, sân bay, giao thông… Tuy nhiên, thời gian vừa qua, hoạt động bất động sản ở Đồng Nai có lúc nóng lúc lạnh một phần cũng do cơ chế chính sách còn bất cập. Như các chính sách về đất đai, về cơ chế bồi thường, định giá đất, tín dụng… đã ảnh hưởng đến sự phát triển của thị trường bất động sản.

* Vậy cần thay đổi như thế nào về chính sách, thưa ông?


Cơ chế chính sách về đất đai, bất động sản ban hành cũng nhiều. Tuy nhiên, do sự vận động liên tục của thị trường bất động sản nên theo tôi, cơ chế chính sách cũng phải liên tục điều chỉnh để bám sát thị trường, đưa thị trường phát triển phù hợp, lành mạnh, bền vững.

* Nhiều doanh nghiệp bất động sản than còn vướng mắc trong khâu huy động vốn, lãi suất cho vay cao, ông nhận định ra sao?


Theo tôi là cần điều chỉnh về lãi suất cho vay ngay để hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp phát triển, kinh doanh bất động sản. Ổn định lãi để cho người làm bất động sản, kinh doanh bất động sản tính toán được hiệu quả về đầu tư và có chiến lược đầu tư lâu dài. Vì kinh doanh bất động sản phải kéo dài nhiều năm chứ không phải một vài năm. Thứ hai, bất động sản phải sử dụng nguồn vốn lớn, dài hạn. Vốn bất động sản sử dụng từ nhiều nguồn, vốn tự có, cá nhân, đầu tư trong nước, nước ngoài, các tổ chức chính trị xã hội tham gia đầu tư… Tuy nhiên, để thị trường thông suốt, ổn định, phát triển bền vững thì cần có cơ chế chính sách rõ ràng về huy động vốn.

Công khai các cơ chế, chính sách

* Hiệp hội Bất động sản Đồng Nai ra đời liệu sẽ làm được gì cho doanh nghiệp và người sở hữu bất động sản?

100 là số hội viên tham gia thành lập Hiệp hội Bất động sản Đồng Nai, trong đó có 50 là doanh nghiệp phát triển, kinh doanh bất động sản và còn lại 50 là cá nhân có tham gia hoạt động trong lĩnh vực này.
Hiệp hội sẽ gắn kết doanh nghiệp, nhà đầu tư, các sàn giao dịch bất động sản, các cơ quan quản lý nhà nước, các sở ban ngành lại với nhau. Gắn kết các thành phần trên lại để tạo ra một tiếng nói đồng thuận trong việc phản biện, công khai các cơ chế chính sách, minh bạch trong hoạt động thị trường... Đây cũng là các vấn đề chính hiệp hội đề ra để hoạt động có hiệu quả. Xa hơn, hiệp hội kỳ vọng sẽ làm cầu nối để chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư, điều hành thị trường bất động sản minh bạch, không để xảy ra tình trạng nóng lạnh thất thường. Mặt khác đáp ứng các nhu cầu về bất động sản của nhiều đối tượng từ thu nhập cao đến thu nhập trung bình, thấp trong tỉnh.

* Như vậy, hiệp hội chỉ dừng lại ở phản biện mà không có đề xuất, thưa ông?

Hiệp hội là hội nghề nghiệp nên có tiếng nói nhất định. Vì thế chúng tôi sẽ phải lắng nghe ý kiến từ nhiều phía: chính sách, nhà đầu tư, doanh nghiệp, quản lý nhà nước… Sau các phản biện về những chính sách bất cập, hiệp hội cũng sẽ có các đề xuất về cơ chế chính sách làm sao cho hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư, người thụ hưởng và quản lý nhà nước.

Còn trước mắt, sau khi ra đời, mục đích hoạt động hiệp hội sẽ bám sát vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, định hướng phát triển nhà ở của địa phương 2008-2015, bám sát vào chương trình phát triển nhà ở toàn quốc, trong đó có Đồng Nai…

* Xin cảm ơn ông.


Khởi động mùa kinh doanh 2011

Bên cạnh việc tổ chức đại hội thành lập Hiệp hội Bất động sản Đồng Nai, các doanh nghiệp phát triển, kinh doanh bất động sản ở Đồng Nai còn mời thêm doanh nghiệp ở TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu… tổ chức quảng bá giới thiệu về các dự án bất động sản.

Ngoài lễ ra mắt hiệp hội, các doanh nghiệp sẽ triển khai việc khởi động mùa kinh doanh năm 2011 với nhiều chính sách bán hàng hấp dẫn ở các loại hình bất động sản khu công nghiệp, đất nền, căn hộ, trung tâm thương mại - dịch vụ…

Bà Nguyễn Thị Thanh Hưong, thành viên Ban vận động thành lập Hiệp hội Bất động sản Đồng Nai


DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP