Cuộc gặp gỡ bàn tròn các nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp thuộc khu vực miền Đông Nam Bộ đã được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh.
Cuộc gặp gỡ bàn tròn các nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp thuộc khu vực miền Đông Nam Bộ đã được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh.
Các doanh nghiệp tham gia bức xúc xoay quanh nội dung của Nghị Định số 142/2005/NĐ-CP ngày 14-11-2005 của Chính phủ quy định về giá thuê đất tại các Khu công nghiệp tăng lên nhiều lần so với các quy định đã được áp dụng từ trước năm 2006.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Công ty Tín Nghĩa (Đồng Nai) cho biết, vào thời kỳ năm 1995-2005 Nhà nước đã có chính sách ưu đãi liên quan đến giá thuê đất tại các Khu công nghiệp và quy định ở mức ổn định trong thời gian 5 năm và nếu có thay đổi thì không được vượt quá 15% của mức giá trước đó. Tuy nhiên kể từ ngày 1/1/2006, khi áp dụng Nghị định số 142 của Chính phủ tính thuế giá đất tại Khu công nghiệp theo giá thị trường đã khiến cho nhiều nhà đầu tư khó khăn. Ông Bình nói, giá thuế đất tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 (Đồng Nai) vào thời điểm 1997- 2005 chỉ có 500 đồng/m2/năm, hiện nay mức giá là 1.400 đồng/m2/năm. Diện tích đất ở nhiều nơi đã tăng 2-3 lần, thậm chí có nơi tăng 18 lần.
Ông Hồ Đức Thành, Công ty CP Phát triển đô thị công nghiệp số 2 (D2D) phân tích, Nghị định 142 về tiền thuê đất quy định, giá cho thuê đất mà các đơn vị đầu tư kinh doanh cơ sở hạ tầng tính bằng 0,5 giá đất theo mục đích sử dụng đất thuê do UBND cấp tỉnh ban hành theo Nghị Định số 188 của Chính phủ và được điều chỉnh 5 năm một lần. Như vậy thông qua Nghị Định 142 đã công bố, giá trị đất của thị trường bên ngoài luôn bị biến động, không mang tính ổn định như trước đây. Mặt khác, theo thông tư số 130 của Bộ Tài Chính từ thời điểm đầu năm 2009 thì hoạt động đầu tư kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp, các dự án đầu tư vào các Khu công nghiệp không còn được hưởng như trước nữa, càng khiến cho doanh nghiệp gặp khó khăn. Trong khi đó, tiền thuê đất được hình thành trên cơ sở giá đất tại thị trường được các tỉnh công bố thông qua từng thời điểm nên tiền thuê đất luôn bị biến động theo xu hướng tăng, gây mất ổn định và bị động cho nhà đầu tư.
Ông Nguyễn Văn Tình, Ban quản lý Khu công nghiệp tỉnh Long An bức xúc, các Khu công nghiệp hiện có trên cả nước đa số đã được xây dựng và cho thuê đất trước thời điểm năm 2006, do vậy nếu áp dụng mức giá thuê đất theo Nghị Định 142 là không phù hợp. Bởi lẽ hợp đồng ký với các doanh nghiệp thuê đất đã được thực hiện, nay đàm phán với các doanh nghiệp để tính tiền thuế đất tăng là khó khăn.
Ông Nguyễn Minh Hiếu, đại diện Công ty CP Thống Nhất đề nghị, Nghị Định số 142 chỉ nên áp dụng cho các Khu công nghiệp hình thành sau này, nếu áp dụng đối với các doanh nghiệp đã đầu tư trước đây (2006) sẽ khiến cho nhiều đơn vị phá sản. Ông Nguyễn Thành Hóa, Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam (IDICO) cho rằng, mặc dù tiền thuê đất tại Khu công nghiệp, các doanh nghiệp giao nộp cho Nhà nước, doanh nghiệp chỉ hưởng phần dịch vụ cơ sở hạ tầng nhưng khi giá thuê đất ở các Khu công nghiệp tăng cao, chủ doanh nghiệp sẽ khó khăn, khó thu hút đầu tư.
Việc tăng giá đất thuê tại các Khu công nghiệp theo Nghị định 142 thực tế cũng đã làm cho hoạt động kinh doanh và thu hút vốn đầu tư vào các Khu công nghiệp bị giảm sút. Chẳng hạn như ở Đồng Nai, trong 6 tháng đầu năm nay, 29 khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh cho thuê được khoảng 18,48 ha đất, chỉ bằng 18% so với cùng kỳ năm 2008 (103 ha). Một số doanh nghiệp cũng cho biết, tình hình thu hút vốn đầu tư nước ngoài tại các Khu công nghiệp ở Đồng Nai đang gặp rất nhiều khó khăn, trong đó do giá thuê đất tăng cao.
Trước thực tế này, các doanh nghiệp kiến nghị, cần phải có giải pháp riêng về tiền thuê đất mang tính ổn định, dự báo được và mỗi lần thay đổi không quá 15% so với thời điểm điều chỉnh trước đó. Đối với các hợp đồng thuê đất đã được ký trước ngày 1/1/2006 vẫn giữ nguyên như mức tiền thuê đất đã ký và điều chỉnh tăng 15%; riêng hợp đồng ký sau năm 2006 được xác định tiền thuê theo mặt bằng giá hiện tại. Đối với các Khu công nghiệp được cấp phép từ đầu năm 2009 đến nay, vẫn tiếp tục được hưởng chế độ ưu đãi cho đến hết thời gian của nội dung ưu đãi như đã quy định trước đây tại Nghị Định số 108 mà Chính phủ đã ban hành.
DiaOcOnline.vn - Theo Công Thương