"Tăng giá đất không ảnh hưởng di dân phố cổ"

Cập nhật 14/12/2009 10:30

Việc tăng khung giá đất tại nhiều vị trí “đắc địa” của Hà Nội sẽ không làm ảnh hưởng đến kế hoạch di dời dân phố cổ ra ngoại thành.

Việc tăng khung giá đất tại nhiều vị trí “đắc địa” của Hà Nội sẽ không làm ảnh hưởng đến kế hoạch di dời dân phố cổ ra ngoại thành.

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Đức Biền, Trưởng ban giải phóng mặt bằng thành phố Hà Nội trong câu chuyện với VnEconomy xung quanh những lo ngại về tính khả thi của đề án di dân phố cổ ra ngoại thành sau khi thành phố quyết định tăng giá đất lên 21% tại khu vực được cho là “đất vàng” này. Ông Biền nói:

Việc điều chỉnh khung giá đất hằng năm là nằm trong quy định cho phép của Chính phủ cũng như của Luật Đất đai. Thành phố Hà Nội quyết định thông qua khung giá đất mới sau khi đã cân nhắc kỹ sự tác động đến mọi mặt kinh tế - xã hội cũng như đảm bảo các nguyên tắc đồng thuận trong điều chỉnh giá.

Còn đề án di dời dân phố cổ là do quận Hoàn Kiếm xây dựng và đã được lãnh đạo thành phố đồng ý sau khi xem xét tính hợp lý và mức độ khả thi của đề án.

Thành phố xác định tăng giá ở đây là phải trên nguyên tắc là chỉ khi đã có điều kiện đảm bảo cho giá trị đất ở khu vực đó được tăng lên thì mới tăng, còn nhìn chung phải đảm bảo tính ổn định.

Sinh lời tăng... giá phải tăng

* Nhưng hiện nay, giá đất chuyển nhượng trên thị trường tại Hà Nội vốn đã quá cao. Liệu tăng khung giá đất lần này có đưa đến tình trạng “thêm dầu vào lửa”, thưa ông?

"Lợi ích của người dân như thế nào thì phải trả cho người dân như thế đã."

Đúng là tăng nhưng có chỗ tăng, chỗ không chứ không phải tăng tất cả. Thành phố chỉ đồng ý tăng ở những khu vực mà bản thân nó đã tạo ra sinh lời. Nhiều khu vực, tuyến đường trước đây giá rất thấp vì chưa được đầu tư, chưa được hoàn chỉnh, nhưng bây giờ đã thay đổi nên giá phải tăng là tất yếu.

Chẳng hạn như khu vực phố cổ, giá trị sinh lời tại đây ngày một tăng lên nên giá đất cũng phải tăng theo là điều dễ hiểu.

Đối với đất nông nghiệp thì cơ bản không có gì thay đổi vì mức giá hiện nay cũng đã cao rồi. Còn nếu sau này tiếp tục được giải phóng mặt bằng để chuyển đổi mục đích sử dụng thì mới điều chỉnh lại.

Còn chuyện tăng khung có làm cho giá thị trường tăng hay không, tôi cho rằng thị trường luôn có quy luật của nó và có yếu tố tâm lý trên thị trường. Người dân nhìn chung vẫn có tâm lý cứ thấy càng cao càng mua và thấy rẻ là bán.

Hiện thị trường lẫn Nhà nước đều đang dần đi tới đích là cung - cầu đích thực.

* Nhưng chắc chắn những doanh nghiệp bất động sản sẽ bị ảnh hưởng khi chi phí cho mua đất, thuê đất, đền bù... sẽ bị đội lên?

Tôi xin lưu ý một điều rằng, thông thường các nhà đầu tư thu hồi đất nông nghiệp để chuyển đổi mục đích thì giá đất đấy không tăng. Còn những khu vực, tuyến phố đã đầu tư, đã có hạ tầng thì mới tăng là công bằng và không ảnh hưởng lớn đến nhà đầu tư.

Còn những nhà đầu tư vừa có đất nông nghiệp vừa có đất ở đã có lợi thế sinh lời thì bắt buộc phải...chấp nhận thôi.

* Vậy còn đối với những dự án chuyển giao giữa hai năm 2009 - 2010 thì sẽ có cơ chế như thế nào?

Trong nghị định 69 của Chính phủ cũng đã nói rõ: những phần nào đã xác định được giá thuê, đền bù rồi thì tiếp tục ổn định đến 5 năm sau. Còn những phần nào giờ mới giao đất thì phải xác định lại. Điều đó cũng buộc các nhà đầu tư phải tính toán lại để quyết định đầu tư như thế nào.

Cực chẳng đã mới cưỡng chế

* Thưa ông, nhiều người e ngại về tính khả thi của đề án di dời dân phố cổ khi thành phố không áp dụng cưỡng chế?

Chúng tôi xác định, cưỡng chế là giải pháp cực chẳng đã mới phải làm nên không phải là giải pháp số 1 trong đề án này. Thành phố xác định, phải tuyên truyền cho người dân hiểu rõ lợi ích cho người dân và lợi ích của Nhà nước.

* Nhưng thành phố vừa xây dựng kế hoạch di dời, vừa tăng giá đất tại khu phố cổ liệu có tạo nên mâu thuẫn bởi tăng giá đất cũng đồng nghĩa với việc người dân tại đây sẽ lợi hơn rất nhiều?

Tôi khẳng định là không hề mâu thuẫn vì giá trị sử dụng đất ở khu vực đó đang được khẳng định là bao nhiêu thì chúng ta phải xác định đúng như thế và sẽ thực hiện theo thế. Việc tiếp tục đầu tư có thể còn làm cho giá đất tại đó tăng nữa.

Chúng ta đừng bao giờ nghĩ rằng, thành phố tăng như thế thì lấy tiền đâu mà bỏ ra. Lợi ích của người dân như thế nào thì phải trả cho người dân như thế đã.

* Nhưng vì giá đất tăng, khả năng sinh lợi cao mà người dân không chịu di dời thì sao, thưa ông?

Thành phố không cưỡng chế nên cũng có thể có một số di chuyển, còn một số có thể ở lại và tham gia chỉnh trang ngay mặt tiền của mình theo phương thức xã hội hóa nếu phù hợp với quy hoạch.

Đành rằng quy hoạch là do Nhà nước nhưng người dân vẫn sẽ được tham gia để có thể hài hòa được lợi ích của các bên. Việc quy hoạch và xây dựng lại phố cổ là để bảo tồn bản sắc nhưng đời sống của nhân dân sống tại đó vẫn phải được đảm bảo.

* Giá trị đất đai ở phố cổ là rất lớn, liệu thành phố có đủ tiền thực hiện di dời không, thưa ông?

Chúng tôi xác định, việc di dời vừa nhằm mục đích bảo tồn phố cổ, vừa tạo điều kiện cải thiện điều kiện sống cho người dân, nhưng phải có bước đi và giải pháp cụ thể. Chắc chắn vốn từ ngân sách không thể đáp ứng đủ nên chúng ta phải xã hội hóa, phải có sự tham gia của người dân.
 

DiaOcOnline.vn - Theo VnEconomy