Tăng cường tích tụ ruộng đất?

Cập nhật 14/06/2010 11:10

Kinh nghiệm thực tế cho thấy, Việt Nam không thể phát triển nền sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn, sức cạnh tranh cao nếu chúng ta tiếp tục giữ quy mô canh tác đất nông nghiệp nhỏ lẻ của từng hộ...

Kinh nghiệm thực tế cho thấy, Việt Nam không thể phát triển nền sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn, sức cạnh tranh cao nếu chúng ta tiếp tục giữ quy mô canh tác đất nông nghiệp nhỏ lẻ của từng hộ...

Việt Nam cũng không thể xây thương hiệu nông sản quốc gia nếu ở mỗi tỉnh, mỗi hộ nông dân tự sản, tự tiêu trên mảnh ruộng nhỏ bé của mình.

Cần phải làm gì để khuyến khích nông dân tích tụ đất đai, tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất là nội dung phỏng vấn của phóng viên với ông Đặng Quang Phán, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách và Pháp chế - Tổng Cục Quản lý đất đai - Bộ TN&MT.

* Thưa ông, hiện nay, chúng ta có những loại hình tích tụ đất đai nào?

Đất nông nghiệp (không tính đất lâm nghiệp) của nước ta hiện nay bình quân là 0,14ha/thửa đất, mỗi hộ nông dân có trung bình 0,7ha đất nông nghiệp. Như vậy, diện tích đất nông nghiệp của các hộ trên mỗi thửa rất manh mún, nhỏ lẻ. Do đó, để tăng quy mô sản xuất phải tăng cường việc tích tụ ruộng đất.

Hiện, chúng ta có 3 dạng tích tụ ruộng đất. Thứ nhất, tăng diện tích sử dụng đất của một chủ thông qua chuyển nhượng hoặc thuê mướn những hộ xung quanh. Thứ hai, nhiều chủ sử dụng đất liền kề gộp lại làm tăng quy mô của thửa đất. Thứ ba, tăng quy mô sử dụng đất của một chủ thông qua dồn điền đổi thửa.

* Ông cho biết nguyên nhân khiến cho việc dồn điền đổi thửa diễn ra rất chậm?


Nhà nước đã có chủ trương dồn điền đổi thửa từ lâu và được thể chế trong Luật Đất đai năm 2003 và Nghị định 181 về thi hành Luật Đất đai năm 2003. Tuy nhiên, tiến độ chậm do một số nguyên nhân sau:

Thứ nhất, trước đó, chúng ta thực hiện khoán ruộng, chia đất theo nguyên tắc, người nào cũng có đất tốt, đất xấu; đất xa, đất gần; đất cao, đất thấp. Bây giờ thực hiện dồn điền đổi thửa đưa vào một vị trí gần nhau gây khó khăn cho người dân và các cấp chính quyền.

Thứ hai, việc thực hiện dồn điền đổi thửa sẽ phải tiến hành đo đạc địa chính và chỉnh lý lại trên bản đồ, sau đó, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới. Trong khi đó, kinh phí đo đạc, chỉnh lý và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới là rất lớn, không thể có ngay được.

* Theo tính toán của Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp, chỉ tính riêng kinh phí đo đạc cho việc đồn điền đổi thửa tại các tỉnh ở Đồng bằng sông Hồng đã lên tới 100 tỉ đồng. Điều này đòi hỏi phải có hỗ trợ, thưa ông?

Con số 100 tỉ đồng mới chỉ nói đến kinh phí đo đạc, chứ kinh phí cho việc lập bản đồ địa chính còn lớn hơn nhiều, ở mức 15.000 tỉ đồng. Trên cơ sở đề xuất của Bộ TN&MT, Chính phủ đã có hỗ trợ kinh phí đo đạc và chỉnh lý bản đồ địa chính. Còn việc cấp sổ đỏ mới cho các thửa ruộng đã thực hiện dồn điền đổi thửa, Chính phủ đã chỉ đạo miễn lệ phí cấp giấy chứng nhận đối với hộ gia đình, cá nhân ở nông thôn và hộ sản xuất nông lâm ngư nghiệp.

* Thưa ông, theo Luật Đất đai năm 2003, Chính phủ giao đất sản xuất nông nghiệp, trồng cây hằng năm cho hộ gia đình, cá nhân trong thời hạn 20 năm (từ năm 1993-2013). Người dân băn khoăn, liệu sau 20 năm hạn điền, Nhà nước có chính sách chia lại ruộng đất hay không?

Hiện Bộ TN&MT đang tham mưu cho Chính phủ xây dựng Luật Đất đai sửa đổi để trình Quốc hội, dự kiến sẽ ban hành trước năm 2013. Khi tiến hành xây dựng Luật Đất đai sửa đổi, có nghiên cứu đến thời hạn sử dụng đất nông nghiệp theo hướng cho người nông dân được sử dụng đất nông nghiệp như chu kỳ trước đây là 20 năm hoặc có thể lâu hơn.

* Chi phí và thủ tục để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hiện nay rất phức tạp, không khuyến khích tích tụ đất đai. Điều này cần phải giải quyết như thế nào, thưa ông?

Bộ TN&MT đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 88 năm 2009 về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo giấy chứng nhận mới. Đồng thời, Bộ TN&MT cũng ban hành Nghị định 17 năm 2009 hướng dẫn thực hiện Nghị định 88, theo đó, quy định rõ những thủ tục trong việc cấp giấy chuyển nhượng, chuyển đổi, giảm thời gian thực hiện trong quy trình cấp giấy chứng nhận, rất thuận tiện cho người dân khi thực hiện công tác chuyển nhượng.

Xin cảm ơn ông!


TS. Vũ Trọng Khải, nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp và phát triển nông thôn 2

Chính sách đất đai chưa rõ ràng, minh bạch


Chúng ta thực hiện dồn điền đổi thửa rất chậm bởi cách làm không theo nguyên tắc kinh tế thị trường. Dồn điền đổi thửa thực hiện theo kiểu đổi ruộng lấy ruộng, dựa vào việc vận động, thuyết phục người dân nên không thể nhanh được. Nếu thực hiện dồn điền đổi thửa theo nguyên tắc thị trường, thuận mua vừa bán, thì sẽ nhanh và hiệu quả hơn. Hạn chế của việc dồn điền đổi thửa chúng ta đang làm là chỉ tạo điều kiện cho người nông dân quản lý sản xuất dễ dàng, thuận lợi và hiệu quả hơn, chứ không dẫn đến sự chuyển biến về chất trong nền nông nghiệp hàng hóa.

Tại sao thị trường chuyển nhượng quyền sử dụng đất diễn ra chậm mặc dù có tiềm năng? Nguyên nhân ở cả hai phía: cung và cầu. Về phía cung, người nông dân không muốn bán quyền sử dụng đất khi chưa tìm được kế sinh nhai khác cho thu nhập ổn định. Công nghiệp dịch vụ ở nông thôn chưa phát triển để có thể thu hút lực lượng lao động dôi dư trong nông nghiệp. Người nông dân ra thành phố làm việc với tâm trạng bất an, vì vậy, họ muốn giữ đất đai như vật đảm bảo an toàn để khi không có việc họ lại quay về với mảnh ruộng của mình. Còn "cầu" cũng không nhiều bởi đầu tư vào nông nghiệp rất lớn, trong khi rủi ro cao. Rủi ro lớn nhất trong nông nghiệp không phải là thời tiết, thị trường mà là chính sách đất đai chưa rõ ràng, minh bạch. Hiện nay, khung pháp lý cho việc chuyển quyền sử dụng đất trong nông nghiệp chưa rõ ràng.

TS. Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn

Rút bớt lao động nông nghiệp

Các nhà hoạch định chính sách phải giải được hai bài toán: Thứ nhất, xử lý mâu thuẫn giữa hơn 10 triệu hộ nông dân nhỏ lẻ, manh mún về đất đai, lao động, kỹ thuật... khi chuyển sang nền kinh tế hiện đại như thế nào? Thứ hai, cần xử lý ra sao vấn đề tỷ trọng GDP nông - lâm nghiệp giảm nhanh trong khi lao động nông thôn giảm chậm? Chúng ta phát triển nông nghiệp cổ truyền lên nữa là điều rất khó khăn vì tăng năng suất mãi cũng sẽ chạm trần, quay vòng đất cũng có giới hạn. Cách tốt nhất để tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp là phải rút bớt lao động ra, tăng quy mô sản xuất và tiến hành cơ giới hóa. Hiện nay, lao động rút ra khỏi nông nghiệp thấp là do thị trường lao động và quy định về đất đai chưa thông thoáng. Vì thế, bên cạnh chính sách đất đai, chúng ta cần đẩy mạnh phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ và đưa lao động ra khỏi nông thôn không phải bằng công nghiệp, mà bằng dịch vụ.


DiaOcOnline.vn - Theo VOV News