Sau gần 8 năm được ban hành, Luật Đất đai năm 2003 đang bộc lộ nhiều bất cập. Dự án "treo" xuất hiện ngày càng nhiều gây lãng phí tài nguyên đất. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại nhiều địa phương chưa được coi là cơ sở pháp lý quan trọng, dẫn tới tình trạng thu hẹp đất sản xuất nông nghiệp, phát triển tràn lan các khu đô thị, khu công nghiệp, sân golf…
Vấn nạn dự án "treo"...
Nhiều bất cập trong Luật Đất đai năm 2003 dẫn đến tình trạng quy hoạch treo gây lãng phí. Ảnh: Ngọc Thắng
|
Tại hội nghị bàn về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và giao đất, cho thuê đất nhằm phục vụ việc sửa đổi Luật Đất đai năm 2003 vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tổ chức, một trong những vấn đề được tập trung bàn thảo là tình trạng dự án "treo". Theo đánh giá của tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN&MT), vấn đề phân cấp, phân quyền trong giao đất, cho thuê đất đã bộc lộ nhiều hạn chế, dẫn đến tình trạng dự án "treo" xuất hiện ngày càng nhiều, gây lãng phí tài nguyên đất và đặc biệt làm ảnh hưởng đến đời sống, gây bức xúc cho người dân trong vùng dự án.
Thống kê chưa đầy đủ của tổng cục này cho thấy, diện tích đất của các tổ chức được giao đất, cho thuê nhưng chưa đưa vào sử dụng hiện khoảng 299.719ha. Trong đó, diện tích để hoang hóa hơn 250.000ha, thuộc quyền quản lý của hơn 2.400 tổ chức. Riêng diện tích chưa đầu tư hoặc xây dựng chậm chiếm tới gần 49.000ha. Với các dự án bất động sản, cả nước hiện có khoảng 2.500 dự án, trong đó có 1.200 dự án thuộc diện được Nhà nước giao, cho thuê đất, nhưng chưa đưa vào sử dụng (diện tích hơn 130.000ha), tập trung ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Quảng Nam, Nam Định…
Nói về sự bất cập của dự án "treo", ông Nguyễn Minh Giảng, Chủ tịch UBND xã Đại Mỗ (Từ Liêm) cho biết, thời điểm này, có khoảng 100ha ruộng trên địa bàn xã đang bị bỏ hoang. Toàn bộ diện tích đất này dành để phục vụ các dự án xây dựng khu đô thị mới và được quy hoạch theo kiểu "xôi đỗ", giữa các khu vực đất canh tác. Chính quyền địa phương muốn đầu tư hệ thống thủy lợi, phục vụ sản xuất tại các khu đất còn lại nhằm bảo đảm đời sống cho người dân nhưng không thể triển khai bởi đòi hỏi nhiều vốn và không thể biết khi nào bị "khoanh" nốt để làm dự án.
Một số ý kiến cho rằng, sau khi Luật Đất đai 2003 phân cấp việc ra quyết định giao đất cho các địa phương, nhiều địa phương đã "trải thảm đỏ" nhằm thu hút đầu tư bằng mọi giá. Hệ quả, hàng ngàn hécta đất được các chủ đầu tư tranh thủ "ôm", rồi để cho cỏ mọc lút đầu, vừa gây lãng phí cho Nhà nước, vừa đẩy nông dân vào hoàn cảnh khó khăn vì mất đất canh tác.
… Và quản lý quy hoạch
Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở mỗi địa phương là cơ sở pháp lý quan trọng để phê duyệt và triển khai các dự án phục vụ phát triển KT-XH. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã bị nhiều địa phương xem nhẹ. Đại diện Hội Khoa học đất Việt Nam nhận định, nhiều địa phương tự chuyển mục đích sử dụng đất, tạo tình trạng rối loạn trong sử dụng đất gây tác động xấu đến môi trường. Một số nơi nôn nóng đã cho phép san lấp diện tích lớn đất nông nghiệp để lập khu công nghiệp, dịch vụ nhưng sau đó các dự án hoạt động cầm chừng, đất bị bỏ hoang, thành dự án "treo". Việc công khai quy hoạch ở nhiều địa phương vẫn còn nặng về hình thức. Địa điểm, tài liệu, cách thức… công bố về quy hoạch sử dụng đất chưa phù hợp, người dân không biết, không hiểu.
Lãnh đạo Bộ TN&MT thừa nhận, hiện nhiều ngành sử dụng đất với quy mô lớn đã lập quy hoạch hoặc xin chủ trương thực hiện dự án chưa tuân thủ những quy định hiện hành hoặc thiếu quy định ràng buộc. Nhiều khu công nghiệp đã được quy hoạch nhưng không có nhà đầu tư, trong khi đó nhiều nhà đầu tư lại xin bổ sung quy hoạch các khu công nghiệp đến năm 2015. TS Trần Kim Chung, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ đề xuất: Luật Đất đai mới nên quy định không được điều chỉnh quy hoạch trong suốt thời gian thực hiện quy hoạch sử dụng đất. Cùng với đó cần quy định chi tiết hơn về việc công khai quy hoạch, phát triển quỹ đất sạch theo quy hoạch, rồi đưa các lô đất ra đấu thầu...
Chính phủ đang chỉ đạo Bộ TN&MT cùng các bộ ngành liên quan, các địa phương tập trung hoàn thành dự thảo sửa đổi Luật Đất đai 2003. Theo kế hoạch, tháng 2-2012, Bộ TN&MT sẽ hoàn chỉnh dự thảo Luật xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp trước khi trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tháng 10-2012. Quy hoạch sử dụng đất có mối quan hệ ràng buộc với quy hoạch xây dựng đô thị. Tuy nhiên, việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hiện nhiều nơi không trùng hợp với quy hoạch đô thị.
Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các đô thị lớn có vai trò quan trọng, tác động đến chính sách giải phóng mặt bằng và phát triển đô thị. Do đó, phải nâng cao chất lượng, tăng cường quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất kể cả với các đô thị, chứ không lồng ghép hay bỏ qua nó được.
DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới