Những dự án bất động sản “khủng” không dựa trên thực lực của chủ đầu tư, khi thị trường điều chỉnh đã làm tiêu tan những giấc mộng không tiền.
Người dân tranh thủ phơi rác ở phần đất đã GPMB của Nam Cường.
(Ảnh: Quang Hưng)
|
Hàng nghìn người dân các huyện Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai (TP. Hà Nội) tiếp tục trồng cấy trên phần đất quy hoạch làm Dự án đường trục kinh tế xã hội Bắc – Nam Hà Nội do Công ty cổ phần Tập đoàn Nam Cường làm chủ đầu tư từ nhiều năm nay mà cũng không biết chính xác số phận dự án sẽ đi đến đâu.
Theo quy hoạch, dự án đường trục Bắc Nam Hà Tây cũ có chiều dài 63,3 km, mặt đường rộng 42m với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 7.694 tỷ đồng.
Dự án của Nam Cường được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận tại Văn bản số 209/TTg – CN ngày 5/2/2008 theo hình thức BT (xây dựng – chuyển giao) kết hợp với hình thức BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao).
Tập đoàn Nam Cường đã khởi công dự án đường trục Bắc Nam Hà Tây từ tháng 7/2008.
Vào thời điểm lập quy hoạch và xin phê duyệt dự án (năm 2008), Nam Cường trở thành một trong số những dự án đầu tư bất động sản nhiều tham vọng nhất của các nhà đầu tư địa ốc khu vực phía Bắc.
Chuỗi “siêu” đô thị của Nam Cường cũng gây nhiều đồn đoán về việc các chủ đầu tư dự án kinh doanh bất động sản có sự liên kết vận động, chuẩn bị cho việc xác lập quỹ đất dự án trước khi Hà Tây sáp nhập về Hà Nội.
Tuy nhiên, dự án đổi hạ tầng lấy hơn 10.000 ha đất nông nghiệp để chuyển sang đất đô thị của Nam Cường mới chỉ kịp động thổ và xây được cây cầu vượt qua đại lộ Thăng Long thì phải dừng lại chờ kết quả rà soát các dự án, đồ án quy hoạch trên địa bàn Hà Nội và chờ phê duyệt Quy hoạch chung Hà Nội mở rộng.
Đến giữa năm 2012, khi nhận thấy tình hình thị trường bất động sản đã hoàn toàn không có khả năng phục hồi trong tương lai trung hạn, Tập đoàn Nam Cường đã đề nghị trả lại cho Hà Nội, kết thúc số phận của một chuỗi siêu đô thị rộng lớn trải dài từ Bắc xuống Nam Thành phố.
Theo giải thích của Tập đoàn Nam Cường thì sau địa giới hành chính của Hà Nội được mở rộng, một trong chuỗi 6 dự án khu đô thị mới theo trục kinh tế Bắc – Nam Hà Nội là khu đô thị Thạch Thất không còn phù hợp với quy hoạch chung của Thủ đô. Tập đoàn Nam Cường đã đề nghị giao lại dự án này cho UBND Thành phố.
Tuy nhiên, giới chủ đầu tư bất động sản thì cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến việc Nam Cường trả lại dự án là do sự u ám của thị trường địa ốc. Nếu dự án đường trục kinh tế Bắc – Nam Hà Nội tiếp tục thực hiện sẽ được chuyển sang hình thức đầu tư trực tiếp bằng nguồn “tiền tươi” từ ngân sách nhà nước chứ không thực hiện theo hình thức “đổi đất lấy hạ tầng” như trước đây!
Số phận dự án chông chênh đến nỗi tấm biển giới thiệu dự án nằm ở phía Bắc Quốc lộ 32 sau thời gian dãi nắng dầm mưa đã bạc màu nhưng chủ đầu tư cũng không buồn dời đi.
Cũng từng ấp ủ hàng loạt dự án bất động sản lớn khi nguồn vốn đầu tư có hạn, Công ty cổ phần tập đoàn Vina Megastar mới đây coi như tan "giấc mộng" hoành tráng của mình, còn Chủ tịch HĐQT phải vướng vòng lao lý.
Vina Megastar được biết đến với hàng loạt dự án bất động sản lớn nhỏ như: Megastar Xuân Đỉnh (huyện Từ Liêm, Hà Nội); dự án chung cư 409 - Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai, Hà Nội), Dự án cao ốc Hesco Văn Quán (quận Hà Đông, Hà Nội) và Dự án Khu công nghiệp Yên Mỹ 2 (huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên)...
Các dự án sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn từ nguồn vốn huy động vốn của khách hàng, nhà đầu tư thứ cấp, ngân hàng... Khi thị trường bất động sản điều chỉnh theo xu hướng giảm, chủ đầu tư đã nhanh chóng lâm vào tình cảnh mất thanh khoản.
Lấy tiền dự án nọ đầu tư vào dự án kia, Sông Đà Thăng Long đã "sa lầy" vào vũng bùn bất động sản
|
Một chủ đầu tư cũng từng “ôm ấp” những dự án bất động sản khủng là Công ty cổ phần Sông Đà Thăng Long (STL) với hàng loạt dự án bất động sản từ Bắc chí Nam, mới đây đã chính thức “chào thua” với dự án Khu đô thị Usilk City tại quận Hà Đông (Hà Nội).
Dự án đã thu hơn 4.000 tỷ đồng của khách hàng, nhà đầu tư thứ cấp, đáng lẽ, với số tiền này, chủ đầu tư hoàn toàn có thừa khả năng xây dựng và bàn giao căn hộ nhưng STL lại mang một phần số tiền này rải vào các dự án bất động sản tại Nha Trang, TP. Hồ Chí Minh… dẫn đến mất cân đối tài chính nghiêm trọng và phải đối mặt với nguy cơ phá sản.
Tổng công ty Sông Đà mới đây cũng xin trả lại dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 3 cũ đoạn Hà Nội – Thái Nguyên. Dự án có chiều dài 33,3 km, được Tập đoàn Sông Đà đề xuất xây dựng năm 2010 theo hình thức BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao) kết hợp với hình thức BT (xây dựng – chuyển giao) từ năm 2010.
Đổi lại, Tập đoàn Sông Đà sẽ được UBND Thành phố Hà Nội giao khoảng 300 đến 400 ha đất tại xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh để xây dựng khu đô thị, dịch vụ... kinh doanh hoàn vốn cho dự án. Tuy nhiên, trước tình hình khó khăn của thị trường bất động sản kéo dài, Sông Đà đã quyết định rút lui khỏi dự án này.
Điều đáng lo ngại hơn là báo cáo của UBND TP. Hà Nội tại kỳ họp HĐND giữa năm 2013, số dự án bất động sản thuộc diện đổi đất lấy hạ tầng xin đình, giãn, hoãn tiến độ lên đến con số hàng trăm. Những dự án kể trên, có lẽ mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Đầu Tư