Tận dụng công sở khi thiếu điểm vui chơi

Cập nhật 14/09/2007 10:00

Công viên Thủ Lệ có vị trí đẹp, nhưng cũng không hấp dẫn được nhiều người dân.Tận dụng công sở nhà nước trong dịp lễ lớn...

Công viên Thủ Lệ có vị trí đẹp, nhưng cũng không hấp dẫn được nhiều người dân.Tận dụng công sở nhà nước trong dịp lễ lớn, khi các điểm vui chơi quá tải, là một trong những cách các KTS đề xuất để khắc phục tình trạng công viên, điểm vui chơi tại Hà Nội vừa thừa vừa thiếu.

Ông Ngô Trung Hải, Viện phó Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn, nhận xét, các công viên được quy hoạch từ trước của Hà Nội đều "nằm đúng chỗ", thường đặt cạnh hồ nước và được quy hoạch tốt. Tuy nhiên, vị chuyên gia này cho rằng, hầu hết công viên mới xây đều không làm được điều này, đồng thời khi đưa vào sử dụng cũng không được chăm sóc tốt.

Đồng thời, tại các khu đô thị mới của thành phố hầu như chưa có các khu công viên và vui chơi. Hiện chỉ đô thị Linh Đàm có không gian cây xanh cũng như khu vui chơi cho người dân trong khu vực, song cũng chưa đủ để đáp ứng nhu cầu. Ông Hải cho rằng, Hà Nội cần bảo tồn và chăm sóc tốt các công viên cây xanh vì thành phố đang thiếu trầm trọng các điểm nghỉ tĩnh.

KTS Nguyễn Yến Nga, Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn, cũng nhận xét, đất cây xanh của Hà Nội chưa được quy hoạch thành hệ thống và vẫn phân tán trong các quận nội, ngoại thành. Tỷ lệ đất cây xanh trên đầu người tại thành phố chưa đạt 1 m2. Tại các quận Hoàn Kiếm và Đống Đa, tỷ lệ này còn thấp hơn tại các quận Ba Đình và Hai Bà Trưng. 

Đồng thời, để giải quyết nhu cầu cho người dân, ông Hải cho rằng, cần xây dựng nhanh các khu vui chơi. "Quanh Hà Nội có nhiều nơi có thể đặt các điểm vui chơi, chỉ cách thành phố vài chục phút đi xe, như Sóc Sơn, Đồng Mô, Bắc Ninh...", ông Hải đề xuất.

Thậm chí, vị chuyên gia quy hoạch này đề xuất, có thể làm như một số nước khác, tận dụng công sở của chính quyền để tổ chức hoạt động vui chơi cho trẻ em trong những dịp lễ tết, khi các điểm vui chơi công cộng quá tải. "Tại một số nước, người ta sử dụng tạm thời sân, sảnh lớn của cơ quan nhà nước cho trẻ nhỏ vui chơi trong những dịp đặc biệt, chúng ta cũng có thể áp dụng như vậy", ông Hải nói. 

Hiện Sở Quy hoạch Kiến trúc đang soạn thảo một số điều chỉnh về quy hoạch các khu công viên, cây xanh của thành phố. Theo đó, đơn vị này đề xuất kiểm soát dân số nội đô, giữ lại các khu hiện có của thành phố. Đồng thời, Sở cũng dự kiến thành phố sẽ xây thêm các công viên cây xanh và các khu vui chơi tại vùng ven đô.

Tuy nhiên, việc xây mới các công viên, khu vui chơi tại thành phố "vấp" phải vấn đề đầu tiên là kinh phí. Trong số 90 dự án công khai gọi vốn mới đây của thành phố có 12 dự án công viên, khu vui chơi. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, các dự án này đều có doanh nghiệp đăng ký đấu thầu, song lượng nhà thầu thấp hơn hẳn so với các dự án khách sạn, khu mua sắm...

Theo ông Ngô Văn Quý, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, các doanh nghiệp đều e ngại chậm thu hồi vốn từ các dự án này bởi khả năng kinh doanh kém hơn. Vì thế, các nhà thầu đổ xô đăng ký các dự án "béo bở" như trung tâm thương mại, khách sạn, khu đô thị. Có dự án khu đô thị có đến trên 40 nhà đầu tư đăng ký. Song với các khu công viên, vui chơi công cộng, các dự án đều có không quá 10 doanh nghiệp tham gia. Trong khi đó, đến nay, Hà Nội chưa có chính sách ưu đãi áp dụng riêng với các dự án đầu tư khu vui chơi công cộng.

  

Theo Dothi