Tại TPHCM, ước tính mỗi năm có khoảng 100 ha đất bị sạt lở. Nhiều cánh đồng, khu dân cư, con đường… đã biến mất một phần do sạt lở chỉ trong vài năm...
Mặc dù có lệnh cấm khai thác cát trên sông Đồng Nai nhưng nhiều xáng cạp vẫn ngang nhiên hoạt động. Ảnh: Lê Long. |
Tại TPHCM, ước tính mỗi năm có khoảng 100 ha đất bị sạt lở. Nhiều cánh đồng, khu dân cư, con đường… đã biến mất một phần do sạt lở chỉ trong vài năm. Hàng ngàn hộ dân trong khu vực sạt lở chưa thể di dời do các dự án bố trí tái định cư vẫn trong giai đoạn khảo sát và thiết kế bản vẽ. Các dự án chống sạt lở lại đang thi công với tốc độ quá chậm hoặc nằm im do thiếu vốn, có dự án mới làm xong năm trước thì năm sau đã sụp lún, trôi ra sông… Trong khi đó, tình trạng khai thác cát trái phép vẫn đang diễn ra công khai trên nhiều tuyến sông, một trong những nguyên nhân gây sạt lở nghiêm trọng hiện nay.
Nhộn nhịp mua bán cát trên sông
Tại khu phố Lân Ngoài, phường Long Phước, có đến hàng chục xáng cạp, sà lan lớn ngang nhiên neo đậu, hút cát và mua bán cát trái phép giữa dòng sông. Tiếng động cơ gầm rú vang động cả một vùng sông nước.
Từ phía các con rạch, âm thanh rào rào của máy nổ hút cát phát ra liên tục. Cứ khoảng nửa giờ là có một ghe đầy cát được hút từ các con rạch vận chuyển ra vào khu vực sà lan đậu để mua bán. Khi cát vừa đầy, các sà lan lập tức di chuyển đến các bãi cát khổng lồ dọc theo bờ sông phía tỉnh Đồng Nai để chuyển cát lên bờ, rồi tiếp tục trở lại dòng sông để hút và thu mua cát… Vào giữa trưa, nhiều sà lan còn di chuyển cần xáng cạp vào khu vực gần bờ sông phía TPHCM để hút cát.
“Khai thác ban ngày không đủ, tranh thủ ban đêm”, nhiều người dân ở đây đã nói như vậy về hoạt động của các đối tượng khai thác cát trái phép trên sông Tắc, quận 9.
Tại các khu vực bến đò Long Đại (khu phố Long Đại), xóm Hến (khu phố Trường Khánh) thuộc phường Long Phước; khu phố Phước Thiện thuộc phường Long Bình…, ban ngày rất yên tĩnh nhưng đêm xuống hoạt động khai thác cát trái phép rất rầm rộ. Hàng chục ghe bầu trang bị máy hút cát từ các ngõ ngách kênh rạch chia nhau giăng ra trên sông Tắc. Mỗi ghe lắp 2 vòi hút dài khoảng 7 - 10m thi nhau thả ống xuống sông. Thường chỉ sau khoảng 30 phút là các ghe hút đầy cát, sau đó di chuyển về các điểm tập kết cát rồi quay lại dòng sông để tiếp tục hút cát.
Lòng sông ngày càng sâu, cát ít nên nhiều ghe đã cập sát vào gần bờ khu đất nhà dân để hút được nhiều cát hơn. Mỗi ghe làm từ 3 - 4 chuyến, diễn ra từ giữa khuya cho đến lúc gần sáng mới ngưng hẳn. Sau đó, tháo máy và vòi hút cất giấu, rửa sạch ghe, rồi cho ghe neo đậu dọc bờ sông, các con rạch… để tối mai lại tiếp tục hành trình tận diệt lòng sông.
Ước tính, sau mỗi đêm đã có hàng ngàn mét khối cát từ lòng sông bị lấy đi. Tại khu vực các xã Hòa Phú, Trung An, Phú Hòa Đông, Nhuận Đức, An Nhơn Tây, An Phú (huyện Củ Chi); các đoạn sông Soài Rạp, sông Lòng Tàu thuộc các huyện Nhà Bè, Cần Giờ... cũng đang tái diễn tình trạng này.
Một đồng vốn... bốn mươi đồng lời
Đội trưởng Thanh tra Xây dựng phường Long Phước (quận 9) Châu Văn Hoàng cho biết, phường Long Phước được bao bọc bởi sông Đồng Nai và sông Tắc. Đây là vùng thấp, đất trũng nên cần nhiều cát để san lấp làm nền móng nhà. Hơn nữa, nhu cầu cát xây dựng tại TPHCM, các tỉnh miền Đông Nam bộ rất lớn, lợi nhuận từ mua bán cát trái phép rất cao…
Chỉ tay về phía những chiếc ghe đang neo đậu dọc theo bờ sông Tắc, ông Hoàng ước tính: “Với công suất của những chiếc ghe này, có thể chở từ 4 - 7m³ cát mỗi lần, một đêm mỗi ghe có thể khai thác từ 3 - 4 chuyến, tức khoảng từ 15 - 20m³ cát/mỗi ghe. Bán “nóng” cho các vựa cát ngay trong đêm cũng kiếm được vài triệu đồng, trong khi chỉ tốn chưa đến 10 lít dầu. Chỉ cần bỏ ra một đồng vốn sẽ thu lợi bốn mươi đồng lời”.
Ngồi trên ca nô chạy dọc theo dòng sông Đồng Nai, rồi rẽ vào sông Tắc, chúng tôi bắt gặp hình ảnh hàng chục vựa cát lưu động nằm sát mé sông với hàng rào đê bao cát dựng lên khoanh vùng trên một khoảng đất trống để chứa và tiêu thụ cát tại chỗ từ ghe khai thác cát trái phép tối hôm trước…
13 phương tiện khai thác cát trái phép bị Thanh tra xây dựng phường Long Phước tịch thu. Ảnh: L. Long |
Theo Đội thanh tra Xây dựng phường Long Phước, các đối tượng khai thác cát trái phép thường cử người túc trực quanh quẩn gần trụ sở ủy ban phường để nắm tình hình và thông báo bằng điện thoại cho đồng bọn kịp thời tẩu tán. Do đó, mỗi khi thanh tra xây dựng phường phối hợp với các lực lượng chức năng ra quân thì lập tức những chiếc ghe đang hút cát nhanh chóng “biến” vào những con rạch sâu. Hoặc đối phó bằng cách giật “lỗ lù” (một nút đóng bên dưới ghe) để nước tràn vào nhấn chìm ghe rồi bơi qua bờ bên kia. Khi lực lượng chức năng rút đi, các đối tượng lại bơi trở ra trục vớt ghe và tiếp tục hoạt động.
Đối với khu vực sông Đồng Nai thuộc phường Long Phước, Long Bình thì chủ yếu là ghe từ bên phía 2 huyện Nhơn Trạch và Long Thành, tỉnh Đồng Nai kéo sang hút cát. Lợi dụng sự quản lý còn lỏng lẻo giữa vùng tiếp giáp giữa 3 quận, huyện (huyện Nhơn Trạch, Long Thành và quận 9) nên việc khai thác cát trái phép diễn ra rầm rộ, nếu bên này truy bắt thì các ghe chạy sang bên kia trốn…
Ông Hoàng cho biết, vừa qua, thanh tra xây dựng phường đã tổ chức tuần tra, tịch thu 13 chiếc ghe khai thác cát trái phép, xử lý hành chính 17 ghe mua bán, vận chuyển cát không có chứng từ nguồn gốc… Tuy nhiên, do từ đầu năm 2009 Tổ kiểm tra đường sông quận 9 bị giải thể nên tình hình khai thác cát trái phép diễn ra càng phức tạp và nhiều hơn. Mặc dù UBND phường Long Phước đã giao cho đội thanh tra xây dựng phường kiêm nhiệm vụ phòng chống khai thác cát, nhưng việc ngăn chặn, kiểm soát khai thác cát trái phép rất khó khăn do lực lượng kiểm tra chỉ có 5 người và một chiếc ghe.
Theo UBND phường Long Phước, hầu hết các vựa cát trên địa bàn phường đều không được cấp giấy phép kinh doanh. Đã nhiều lần phường đi kiểm tra nhưng chỉ có thể dừng lại ở mức xử phạt hành chính. Nhiều vựa cát đã bị lực lượng kiểm tra dẹp bỏ hôm trước thì chỉ vài hôm sau một vựa cát khác lại mọc lên để đêm xuống là nhập cát từ các đối tượng khai thác trái phép và ban ngày lại xuất bán cho những tay buôn cát vận chuyển về các tỉnh, thành tiêu thụ.
Xem ra bài toán giải quyết triệt để nạn khai thác cát trái phép vẫn chưa có lời giải.
>> Bài 2: Sổ đỏ còn, đất đã trôi sông
DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng