Tâm lý sở hữu nhà: Gánh nặng trên vai người thu nhập thấp

Cập nhật 21/03/2014 11:12

Ngay sau khi gói 30.000 tỷ được nới lỏng điều kiện cho vay, lại xuất hiện tình trạng "cò” nâng giá chênh lệch đối với khách hàng mua nhà. Điều này đã đẩy cơ hội sở hữu nhà của người thu nhập thấp ngày càng xa hơn.

Ngay sau khi gói 30.000 tỷ được nới lỏng điều kiện cho vay, lại xuất hiện tình trạng "cò” nâng giá chênh lệch đối với khách hàng mua nhà. Điều này đã đẩy cơ hội sở hữu nhà của người thu nhập thấp ngày càng xa hơn.


Hơn 3000 khách hàng cá nhân đã được vay gói 30.000 tỷ đồng

Thông tin mới nhất từ Bộ Xây dựng, tính đến hết ngày 15-3, các ngân hàng đã cam kết cho vay 3.048 khách hàng với tổng số tiền là 2.909 tỷ đồng. Trong đó đã giải ngân cho 3.023 khách hàng với dư nợ cho vay đạt 1.322 tỷ đồng, tăng 64% so với thời điểm 31-12-2013. Hiện các ngân hàng đã giải ngân cho 14 dự án với số tiền là 591 tỷ đồng. Đối với hộ gia đình, cá nhân, 5 ngân hàng thương mại nhà nước đã cam kết cho vay 3.030 khách hàng cá nhân với số tiền là 1.134 tỷ đồng, trong đó đã giải ngân cho 3.011 khách hàng với dư nợ 731 tỷ đồng.
Mục tiêu của Chính phủ đặt ra, đến năm 2015 cả nước phải đạt 10 triệu mét vuông nhà ở xã hội, trong đó chủ yếu là chung cư. Còn đến năm 2020, tổng nhu cầu về nhà ở sẽ là khoảng 432 nghìn căn hộ (tương đương khoảng 17,28 triệu m2). Có thể thấy, nhu cầu về nhà ở của người dân ngày càng cao và chủ yếu là đối tượng thu nhập trung bình, thu nhập thấp. Tuy nhiên, ngược lại với nhu cầu đó, nguồn cung thuộc phân khúc bình dân lại không cân xứng, mặc dù tồn kho nhiều. Lý do là bởi giá nhà vẫn quá cao so với thu nhập trung bình của người dân.

Mặc dù gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng là để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, hạ nhiệt giá nhà trên thị trường và hướng tới đối tượng người dân thu nhập thấp có cơ hội sở hữu nhà, song thực tế, với mức thu nhập bình quân của người dân hiện nay, cơ hội sở hữu nhà vẫn rất khó.

Điểm qua một số dự án chung cư hiện nay, có thể khẳng định, giá nhà tuy có giảm so với trước song vẫn không hề "mềm” khi vẫn ở mức 13,5 triệu đến 15 triệu đồng/m2. Đơn cử như chủ đầu tư dự án Văn Phú Victoria mới đây đã thông báo mở bán căn hộ thuộc tổ hợp chung cư Victoria Van Phu, Hà Đông, Hà Nội với giá từ 15 triệu đồng/m2 trở lên.

Theo nhiều chủ đầu tư, giá ở mức này đã là rất thấp so với thời điểm khi thị trường đang "sốt”. Dù vậy, đối với phần lớn người thu nhập thấp, mức này vẫn không thể giúp họ có cơ hội sở hữu nhà. Đó còn chưa kể đến thực trạng, gần đây, khi gói hỗ trợ 30.000 tỷ được nới lỏng điều kiện cho vay đối với khách hàng cá nhân, đã xuất hiện tình trạng "cò” đòi tiền chênh lệch cao ngất ngưởng đối với các khách hàng đã đặt cược tiền nhà.

Anh Trần Văn Tân, ở Thanh Xuân, Hà Nội, một khách hàng may mắn có cơ hội được tiếp cận gói hỗ trợ 30.000 tỷ cho biết, trước Tết Nguyên đán, anh đã đặt mua một căn hộ chung cư với giá bán 14 triệu đồng/m2. Số tiền phải trả qua sàn giao dịch cho mức chênh lệch của căn hộ này là 20 triệu đồng. Nhưng thời điểm này, mức chênh lệch nói trên đã lên gấp cả chục lần. 

Gần 300 dự án BĐS tạm dừng do thiếu vốn

Bộ Xây dựng vừa có báo cáo Chính phủ kết quả rà soát các dự án bất động sản trên phạm vi toàn quốc. Theo đó, có gần 300 dự án phải tạm dừng do thiếu vốn.  Đặc biệt, có 287 dự án phải tạm dừng tại 47 địa phương, chiếm 14,5% diện tích đất xây dựng nhà ở. Các dự án tạm dừng chủ yếu là do chủ đầu tư không huy động được thêm nguồn vốn để triển khai tiếp.

Ngoài ra, còn có 470 dự án, với tổng diện tích đất khoảng 6.983 ha là những dự án đã hoàn thành, hoặc chưa có báo cáo, các địa phương đang tiếp tục cập nhật số liệu báo cáo bổ sung.

Theo bảng báo giá của của một sàn giao dịch bất động sản, giá một căn hộ chung cư với giá gốc 13 triệu đồng/m2 có giá chênh tới ít nhất 210 triệu đồng. Tùy loại dự án, vị trí, địa điểm, giá tiền chênh lệch còn cao hơn, có nơi mức giá chênh lệch lên tới 250 triệu đồng.

Như vậy, để có cơ hội sở hữu một căn hộ trị giá khoảng 600 triệu đồng, nay người thu nhập thấp phải chi thêm tới 200 triệu đồng tiền chênh lệch. 

Tuy vậy, nhiều chuyên gia trong ngành cho rằng, người thu nhập thấp sẽ có nhiều cơ hội có nhà để ở hơn nếu như họ thay đổi tư duy "phải mua được nhà”. Nói về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam đã nhận định rằng, người dân Việt Nam vẫn rất nặng tâm lý là cần phải sở hữu một căn nhà. Do đó họ cố gắng tìm đủ mọi cách để vay đủ tiền mua một căn nhà. Họ coi việc phải đi thuê nhà là sự mất mát rất lớn so với việc căn nhà đó do chính họ sở hữu. Chính tâm lý này đã đẩy người dân vào tình thế tưởng như tuyệt vọng vì cho rằng, họ làm cả đời cũng không thể có cơ hội sở hữu được một căn nhà. "Tại sao không nghĩ đến phương án thuê nhà để ở?”- Thứ trưởng Nam đặt câu hỏi và ông đưa ra lời khuyên rằng, với mức thu nhập bình quân 4 – 5 triệu đồng/ tháng hiện nay, người thu nhập thấp hoàn toàn có thể thuê được một căn nhà để ở, không nhất thiết cứ phải vay mượn để mua cho được một căn nhà.


DiaOcOnline.vn - Theo Đại Đoàn kết