Đường vành đai IV sẽ được xây dựng theo tiêu chuẩn đường ô tô cao tốc 6 làn xe. Ảnh: Đức Thanh |
Với tổng mức đầu tư dự kiến lên tới 60.000 tỷ đồng, Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai IV Hà Nội là công trình có quy mô lớn, đang được nhà đầu tư trong lĩnh vực hạ tầng và bất động sản đặc biệt quan tâm.
Vào thời điểm này, đã có thể hình dung sơ bộ về tuyến đường vành đai IV Hà Nội - dự án đang được các nhà đầu tư trong lĩnh vực hạ tầng và bất động sản đặc biệt quan tâm. Theo Báo cáo cuối kỳ Dự án do Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông - vận tải (TEDI) lập, vừa được Bộ Giao thông - Vận tải thông qua vào cuối tuần qua, đường vành đai IV được xác định là vành đai “cao tốc của Thủ đô”, có chiều dài tuyến là 98 km. Tuyến đường sẽ đi qua địa giới hành chính của 13 huyện, quận thuộc 3 tỉnh, thành phố là Hà Nội (Hà Đông, Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín); Hưng Yên (Văn Giang, Yên Mỹ, Văn Lâm) và Bắc Ninh (Yên Phong, Tiên Du, Thuận Thành và TP. Bắc Ninh).
Dự kiến, đường vành đai IV có điểm đầu Km3+695 trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (địa phận xã Thanh Xuân, Sóc Sơn, Hà Nội); điểm cuối tại Km35+300 trên đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long. Tuyến đường sẽ giao cắt và kết nối một loạt tuyến đường xuyên tâm hướng vào Thủ đô Hà Nội gồm: đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai; đường trục chính đô thị Mê Linh; đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long; đường Láng - Hòa Lạc, các quốc lộ 2, 32, 6, 5, 1, 38, 21B, 39B; đường tỉnh 422, 72, 207 và 282.
Ông Nguyễn Năng Thể, Phó tổng giám đốc Ban quản lý Dự án 2 (PMU2, thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đơn vị quản lý Dự án) cho biết, hướng tuyến này cơ bản đã ổn định do đã được các địa phương có văn bản thống nhất chính thức.
Theo đề xuất của đơn vị tư vấn, đường vành đai IV sẽ được xây dựng theo tiêu chuẩn đường ô tô cao tốc 6 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/h. Đối với các đoạn tuyến thông thương, tuyến có chỉ giới xây dựng 120 m, đoạn qua các khu đô thị, công nghiệp xây dựng cầu cạn hoặc tường chắn có chỉ giới xây dựng từ 60 đến 70 m. Tổng diện tích phải giải tỏa, thu hồi đất phục vụ Dự án vào khoảng 1.230 ha, trong đó, Hà Nội là 740 ha, Hưng Yên là 230 ha và Bắc Ninh là 260 ha.
Theo ông Nguyễn Chí Khánh, Chủ nhiệm lập dự án (TEDI), đường vành đai IV có 3 cầu vượt sông đặc biệt lớn là cầu Hồng Hà (Km11 +300) vượt sông Hồng nối huyện Mê Linh và Đan Phương dài 5.000 m; cầu Mễ Sở (Km56+550) vượt sông Hồng cách vị trí phà Mễ Sở 1 km về phía Thượng Lưu dài 2.532 m; cầu Đuống vượt sông Đuống cách phía Đông cầu Hồ (Bắc Ninh) khoảng 1 km dài 1.729 m.
Với chiều dài tuyến và quy mô xây dựng như trên, Dự án đòi hỏi một lượng vốn đầu tư cực lớn. Tính toán cho thấy, chỉ tính riêng chi phí xây dựng 98 km tuyến phía Nam Quốc lộ 18 (phía Bắc tuyến tận dụng đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai và Nội Bài - Hạ Long) đã lên tới 58.836 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng là 35.028 tỷ đồng; chi phí giải phóng mặt bằng và tái định cư là 8.124 tỷ đồng. Dự kiến, Dự án sẽ tổ chức đền bù, giải phóng mặt bằng từ quý III/2010, xây dựng công trình từ năm 2011 đến 2015.
“Mục tiêu chính của đường vành đai IV là kết nối các khu đô thị vệ tinh và khu công nghiệp tiệm cận với vùng lõi của Thủ đô Hà Nội, phục vụ giải tỏa lưu lượng các phương tiện giao thông nội đô, đặc biệt là một lượng rất lớn xe tải, xe ô tô quá cảnh trên các tuyến đường quốc lộ, cao tốc hướng tâm vào thành phố”, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Trương Tấn Viên đánh giá.
Do quy mô đầu tư rất lớn, nên Bộ Giao thông - Vận tải đang đề xuất chia Dự án về các địa phương có tuyến đường đi qua tham gia đầu tư bằng các nguồn vốn đa dạng, khuyến khích các địa phương tổ chức triển khai theo các hình thức BT, BOT. Bộ sẽ chủ trì chung về đầu tư trên một số đoạn và các công trình đặc biệt bằng vốn ngân sách hoặc vốn vay ODA.
Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Hồ Nghĩa Dũng, đây là phương án huy động vốn phù hợp nhất cho Dự án, vừa giảm tải cho ngân sách, vừa tạo cơ hội tham gia cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Được biết, dự báo nhu cầu vận tải vào năm 2020 trên các cung đoạn của tuyến đường dao động từ 24.644 xe tiêu chuẩn/ngày đêm, trong đó đoạn từ Quốc lộ 5 đến Quốc lộ 1 là 38.279 xe tiêu chuẩn/ngày đêm. Đây là mức rất cao, tương đương với nhu cầu vận tải của những đoạn tuyến đường cao tốc Bắc - Nam đang được Bộ Giao thông - Vận tải kêu gọi vốn đầu tư.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư