Thời gian gần đây, thị trường BĐS đã có dấu hiệu hồi phục trở lại với việc khách hàng có nhu cầu mua nhà để ở tăng, lượng giao dịch thành công ngày càng tích cực. Tuy nhiên, dù mới chỉ qua cơn bạo bệnh nhưng những mặt xấu của thị trường như đầu cơ, làm loạn giá đã xuất hiện trở lại.
Thời gian gần đây, thị trường BĐS đã có dấu hiệu hồi phục trở lại với việc khách hàng có nhu cầu mua nhà để ở tăng, lượng giao dịch thành công ngày càng tích cực. Tuy nhiên, dù mới chỉ qua cơn bạo bệnh nhưng những mặt xấu của thị trường như đầu cơ, làm loạn giá đã xuất hiện trở lại.
Sôi động quảng cáo rao bán
Song song với việc các dự án ồ ạt mở bán, trên các trang mạng xuất hiện khá nhiều quảng cáo rao bán lại căn hộ của các dự án có chủ đầu tư, đơn vị phân phối uy tín. Đặc biệt, với các dự án nằm vị trí đắc địa ở Hà Nội, TPHCM, có nhiều sự quan tâm của khách như Home City, Vinhomes Nguyễn Chí Thanh, Helios Tower, Scitech Tower… thông tin bán, chuyển nhượng lại căn hộ, bán suất ngoại giao với nhiều mức giá đăng tải nhan nhản trên các website.
Thậm chí, để câu khách, các cò trên mạng còn rao giá bán rẻ hơn giá của chủ đầu tư đưa ra. Ngay cả dự án chủ đầu tư chưa công bố mở bán, tiết lộ về mức giá giao dịch, nhưng thông tin bán, giá bán cũng đã được đăng tràn lan trên các website. Điển hình như dự án Tràng An Complex (số 1 Phùng Chí Kiên, Hà Nội) do GP Invest làm chủ đầu tư.
Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc GP Invest Nguyễn Quốc Hiệp bức xúc cho biết dự án Tràng An Complex mới khởi công ngày 24-1 vừa qua, dự kiến sẽ mở bán chính thức khi đã hoàn thiện móng vào tháng 6 tới với giá trên 30 triệu đồng/m2.
Tuy nhiên, hiện nay trên rất nhiều trang mạng đã có thông tin rao bán căn hộ chung cư Tràng An Complex với đủ mức giá khác nhau từ 26-30 triệu đồng/m2. Ông Hiệp mong người có nhu cầu mua nhà tại dự án hãy tìm hiểu kỹ và chỉ giao dịch với chủ đầu tư hoặc đơn vị phân phối do chủ đầu tư ủy quyền.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia BĐS, việc rao bán dự án không thông qua chủ đầu tư chính là hoạt động của giới đầu cơ. Giám đốc Công ty Phú Quý Land Nguyễn Mạnh Hà cho rằng do thị trường bắt đầu sôi động trở lại, nhu cầu mua nhà của người dân tăng, nhất là dịp cuối năm nên giới đầu cơ đã tìm cách săn dự án hot, từ đó tranh thủ, thậm chí mạo danh chủ đầu tư, đại lý để chèo kéo khách.
Ở góc độ khác, cũng có một số người mua được suất ngoại giao, nhân cơ hội thị trường cuối năm sôi động đẩy hàng thu tiền về trước Tết.
Nguy cơ nhiễu loạn thị trường
Hầu hết các chuyên gia BĐS, đơn vị tư vấn đều có chung nhận định, ngay từ giữa năm 2014, hiện tượng đầu cơ bắt đầu nhen nhóm xuất hiện trở lại sau nhiều năm vắng bóng. Thời điểm hiện tại, yếu tố này ngày càng rõ nét hơn khi thị trường đã ổn định, hồi phục song không phải diễn ra ở tất cả các dự án, mà chủ yếu tập trung vào dự án tiềm năng, có thể tăng giá, thu lợi trong ngắn hạn.
Ông Phạm Thanh Hưng, Chủ tịch Công ty CEN Invest, nhà tư vấn phân phối BĐS lâu năm, chia sẻ dù khách hàng khi mua không nói mục đích sử dụng, song qua cách quan tâm đến những yếu tố cấu thành sản phẩm cũng có thể cảm nhận được. Khách hàng có nhu cầu mua nhà để ở thường quan tâm đến vị trí, tiện ích, chất lượng căn hộ, còn khách đầu tư chỉ quan tâm đến giá, khả năng sinh lời nhanh. Thực tế, có rất nhiều khách sau khi đặt cọc mua căn hộ, chỉ trong thời gian ngắn đã tìm cách sang tên để thu về khoản lợi nhuận nhất định.
Ở một góc độ khác, Trưởng bộ phận Định giá và Tư vấn Tài chính của Savills Hà Nội, ông Nguyễn Hồng Sơn nhận định: “Đầu cơ là hoạt động không thể thiếu được của thị trường. Thậm chí, yếu tố này còn có tác động thúc đẩy thị trường phát triển. Nhưng với BĐS chỉ nên hạn chế ở tỷ lệ nhất định, tránh thị trường sai lệch, méo mó, giá cả bị lũng đoạn, bởi đầu cơ chính là đối tượng thổi giá lên đồng thời cũng hạ giá xuống. Hơn nữa, đầu cơ luôn có tâm lý ăn xổi, không kiếm được lợi từ việc bán lại căn hộ sẽ quay ra trì hoãn đóng tiền, gây ảnh hưởng đến toàn bộ tiến độ công trình”.
Ảnh minh họa.
|