Tại sao dự án nhà ở xã hội vẫn... ế!

Cập nhật 12/12/2014 15:05

Trái ngược với không khí "nhộn nhịp" khi tìm kiếm cơ hội mua nhà ở xã hội của người dân vài năm trước đây, hiện người dân đang dần thờ ơ với loại hình nhà ở này. Bên cạnh đó, tại các địa phương khác hàng nghìn căn hộ NƠXH vẫn bị ế mặc dù giá căn hộ so với Hà Nội, Tp.HCM thì chỉ bằng một nửa.

Trái ngược với không khí "nhộn nhịp" khi tìm kiếm cơ hội mua nhà ở xã hội của người dân vài năm trước đây, hiện người dân đang dần thờ ơ với loại hình nhà ở này. Bên cạnh đó, tại các địa phương khác hàng nghìn căn hộ NƠXH vẫn bị ế mặc dù giá căn hộ so với Hà Nội, Tp.HCM thì chỉ bằng một nửa.

Tại sao dự án nhà ở xã hội vẫn... ế!

Nguyên nhân có thể kể đến nhiều, nhưng theo ý kiến một nhà môi giới, vấn đề quan trọng nhất là vị trí quá xa xôi và hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội ở nhiều dự án nhà ở xã hội đều có vấn đề. Trong đó, nút thắt vị trí gần như không thể tháo gỡ, bởi mấy ai dám đem đất vàng ở nội đô các thành phố lớn ra… xây nhà ở xã hội.

Trong khi đó, chỉ riêng tại Hà Nội, theo thống kê, hiện đã có 66 dự án nhà ở xã hội đã và đang triển khai, với gần 5,1 triệu m2 sàn xây mới, trong đó có 44 dự án nhà thu nhập thấp, nhà xã hội, với 37.800 căn hộ, 10 dự án nhà cho sinh viên, 12 dự án nhà cho công nhân. Mục tiêu đến năm 2020, Hà Nội sẽ xây thêm được 32.000 căn hộ nhà thu nhập thấp. Lượng nhà ở xã hội dự kiến xây mới tại TP. HCM chỉ có hơn, chứ không kém con số tại thủ đô. Với tình hình này, trong tương lai, việc bội thực nguồn cung nhà ở xã hội rất có thể sẽ xảy ra.

Nếu như mấy năm về trước, một dự án nhà ở xã hội được tung ra thị trường thì ngay lập tức, chỉ cần qua một đợt bán thì đã hết hàng, thì này, tại một số dự án mới được đem ra thị trường gần đây, dự án nào nhanh thì cũng phải qua hai đợt bán, không thì phải mất ba, thậm chí nhiều hơn thế để bán được căn hộ. Tình trạng trên có thể lý giải ở góc độ giá, cụ thể: chênh lệch giá bán giữa nhà ở xã hội với nhà ở thương mại ở thời kỳ đầu lên tới hàng chục triệu đồng/m2, thế nhưng ở thời điểm hiện tại không có sự chênh lệch nhiều, thậm chí, nếu xét thêm cả vị trí, thì nhà ở thương mại "ăn đứt" nhà ở xã hội.

Bên cạnh đó, tại các địa phương, Tình trạng "ế" nhà ở xã hội còn diễn ra nghiêm trọng hơn. Giải thích về thực trạng này, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Thừa Thiên - Huế, ông Lê Quang Dũng cho biết, việc phát triển NƠXH không đánh trúng tâm lý của đại đa số người mua do nhà chung cư chưa phải là xu hướng được ưa chuộng của người dân Huế. Ngoài ra, mức giá hơn 5 triệu đồng/m2 mà chủ đầu tư đưa ra mặc dù đã rẻ so với những khu đô thị lớn như Hà Nội, Tp.HCM, nhưng so với mức thu nhập của người mua của tỉnh lẻ thì lại đắt.

Còn theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hưng Yên, ông Lương Anh Tuấn lại cho rằng, hiện giá đất nền tại Hưng Yên đã rẻ hơn rất nhiều so với đất tại các thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn, thay vì mua NƠXH, người dân sẽ lựa chọn mua đất xây nhà vì nhiều lợi thế của loại hình này.

Số lượng căn hộ bán được tại địa phương hầu như không tăng dù Nhà nước có nhiều chính sách mới như mở rộng đối tượng, lãi vay ưu đãi... để khai thông phát triển NƠXH. Nhiều địa phương như Huế, Đà Nẵng… đã phải đứng ra mua lại căn hộ ế để cứu chủ đầu tư.

Trong khi đó, hiện hàng loạt dự án NƠXH mới vẫn đang được khởi công. Ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, cho biết: “Chương trình NƠXH được đưa ra trong năm 2009 nhưng không được tổ chức toàn diện. Nhiều địa phương lao vào làm NƠXH và thiếu đi những nghiên cứu, đánh giá thực tế về nhu cầu của người dân. Một vùng núi như Lạng Sơn mà xây chung cư thì ai ở? Các mô hình thiếu thực tế này thất bại đã gây lãng phí lớn cho ngân sách của Nhà nước”.

Ông Liêm cho rằng, nhiều doanh nghiệp đua nhau làm NƠXH tại các địa phương khó tránh khỏi họ muốn lợi dụng những chính sách ưu đãi về vay vốn giá rẻ. Đồng thời, lý lịch “đã từng làm NƠXH” giúp chủ đầu tư dễ tiếp cận những vị trí đất vàng tại tỉnh lẻ.


DiaOcOnline.vn - Theo Kinh doanh & Pháp luật