Tại sao bất động sản Việt "hút" nhà đầu tư ngoại?

Cập nhật 25/12/2010 10:20

Trong những năm gần đây, thị trường bất động sản thế giới diễn ra hết sức sôi động, đặc biệt ở các nước đang phát triển. Vậy nguyên nhân gì khiến loại hình đầu tư này thu hút giới kinh doanh nhiều hơn cả chứng khoán?

Trong những năm gần đây, thị trường bất động sản thế giới diễn ra hết sức sôi động, đặc biệt ở các nước đang phát triển. Vậy nguyên nhân gì khiến loại hình đầu tư này thu hút giới kinh doanh nhiều hơn cả chứng khoán?

Theo tính toán của các chuyên gia thì bất động sản chiếm khoảng 50% của cải quốc gia ở các nước tiên tiến, còn ở các nước đang phát triển con số này là gần 3/4. Nhưng tỷ lệ số bất động sản được đăng ký thành tài sản chính thức trở thành vốn ở các nước đang phát triển lại rất thấp. Vì, không giống các quốc gia phát triển, ở những nước lạc hậu thị trường ngầm thường rất lớn, đặc biệt là thị trường bất động sản; cho nên hầu hết bất động sản ở đó chưa trở thành hàng hóa, chưa được định giá chính thức.

Các nước đang phát triển nắm 10 nghìn tỷ USD

Qua khảo sát của tiến sĩ De Soto, tác giả cuốn “Sự bí ẩn của Tư bản” và các cộng sự của ông ở một loạt các nước đang phát triển thì giá trị của bất động sản chưa được thương mại hóa lớn hơn gấp nhiều lần tổng số tiền tiết kiệm và tiền gửi ở các ngân hàng thương mại, tổng giá trị của các công ty niêm yết trên sở giao dịch chứng khoán, tất cả khoản đầu tư nước ngoài và tất cả các doanh nghiệp Nhà nước cộng lại.

Cũng theo tiến sĩ De Soto, nếu tính gộp lại, tổng giá trị của các bất động sản (thường do những người nghèo nắm giữ) không được đăng ký một cách hợp pháp ở các nước đang phát triển hiện nay xấp xỉ gần 10 nghìn tỷ USD, tức là bằng khoảng hai lần tổng cung tiền lưu hành ở Mỹ. Nó cũng gần bằng tổng giá trị của tất cả các công ty niêm yết trên các sở giao dịch chứng khoán chính của 20 nước phát triển nhất thế giới (New York, Tokyo, London, Frankfurt, Toronto, Pari, Milan, NASDAQ…) và cả chục sở giao dịch khác. Nó nhiều hơn 20 lần tổng đầu tư nước ngoài trực tiếp vào các nước đang phát triển trong 15 năm kể từ 1989, bằng 46 lần tất cả các khoản cho vay của Ngân hàng Thế giới trong ba thập kỷ vừa qua, bằng 90 lần các khoản trợ cấp phát triển từ tất cả các nước tiên tiến cho Thế giới thứ ba trong cùng thời gian ấy.


Các nước đang phát triển nắm giữ một lượng bất động sản có giá trị rất lớn. Ảnh minh họa.

Trong những năm gần đây, thị trường bất động sản thế giới diễn ra sôi động, đặc biệt là ở các quốc gia đang phát triển. Theo phân tích của các chuyên gia, những nhà đầu tư vào bất động sản có được nhiều sự lựa chọn hơn so với những nhà đầu tư vào cổ phiếu và chứng khoán trên thị trường. Thứ nhất, bất động sản có thể thay đổi về kích thước, hình dạng, kiểu cách và cách thức sử dụng. Ngoài ra, người sở hữu bất động sản còn có nhiều quyền lợi khác như: có thể thế chấp, có thể cho thuê… Bất động sản có thể được sở hữu bởi một cá nhân, tập thể hoặc liên doanh, có thể thuê chung hoặc thuê chọn gói. Mỗi loại hình sở hữu bất động sản có những thuận lợi và bất lợi riêng. Tuy nhiên, sự đa dạng của chúng cho phép người sở hữu tìm ra cách để thoả mãn nhu cầu của họ.

Giới đầu tư ngoại: "kết" thị trường BĐS Việt Nam

Thị trường bất động sản ở các nước châu Á, đặc biệt là các nước mới nổi như Việt Nam, đang được quan tâm nhiều hơn sau khủng hoảng vì được nhìn nhận là ít rủi ro hơn thị trường các nước phát triển. Mặt khác, đồng tiền ngày càng giảm giá trong khi dân số châu Á thì rất trẻ là cơ hội vàng cho các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam.

Theo số liệu mới nhất của Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch Đầu tư), tính đến hết quý III/2010, các nhà đầu tư nước ngoài đã giải ngân hơn 8 tỷ USD vào các dự án tại Việt Nam. Quy mô vốn đầu tư trung bình của một dự án bất động sản vẫn giữ mức khá cao, đạt khoảng 144,9 triệu USD một dự án.

Ông Alpha Chen, Giám đốc marketing quốc tế của CT & D Group (nhà đầu tư dự án Phú Mỹ Hưng), chứng minh, năm 2008, kinh tế toàn cầu suy thoái nhưng Phú Mỹ Hưng vẫn rất thành công, bởi chỉ một tháng sau khi công bố là đã bán xong dự án mới.

Cũng là một trong những nhà đầu tư đến Việt Nam khá lâu và khá thành công, ông Marc Townsend, Tổng giám đốc CB Richard Ellis (CBRE), cho biết, mặc dù kinh tế toàn cầu khó khăn nhưng một, hai năm qua, các khu sân golf, những khách sạn, resort lớn vẫn được xây dựng. Điều này cho thấy thị trường bất động sản Việt Nam không hề nguội. Mặt khác, mức sống của người dân Việt Nam ngày càng cao, một bộ phận gia đình đã chi nhiều tiền hơn cho du lịch, nghỉ dưỡng. Do vậy, xu hướng nhà nghỉ theo kiểu hộ gia đình như ở Singapore, Hong Kong đang phát triển tại Việt Nam.

Là một nhà đầu tư tiềm năng trong ngành xây dựng và bất động sản, Hàn Quốc hiện có tới 158 doanh nghiệp xây dựng đang làm ăn tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư trên 10 tỷ USD. Theo thống kê, trong lĩnh vực bất động sản hiện có 61 dự án của các nhà đầu tư Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký 6,1 tỷ USD (chiếm 20,4% tổng số các dự án của Hàn Quốc) và chiếm 17,6% tổng dự án của toàn ngành. Còn trong lĩnh vực xây dựng hiện có 194 dự án của các nhà đầu tư Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký 2,1 tỷ USD, chiếm 10% tổng số các dự án của Hàn Quốc và chiếm 2% tổng dự án của toàn ngành.

Đánh giá về thị trường bất động sản Việt Nam, ông George Kobrossy, Tổng giám đốc Zamil Steel Vietnam, phân tích: triển vọng nguồn vốn FDI vào Việt Nam tăng trong thời gian gần đây do hai lý do: thứ nhất là niềm tin của nhà đầu tư vào nền kinh tế; thứ hai là Việt Nam có những điều kiện hết sức thuận lợi như chính trị ổn định, nguồn nhân lực dồi dào, cơ sở hạ tầng liên tục được cải thiện và đặc biệt là cam kết của Chính phủ trong việc khuyến khích đầu tư nước ngoài.

Lý giải cho việc tại sao thị trường bất động sản Việt Nam lại có sức hút mạnh mẽ đối với các doanh nghiệp FDI, ông Nguyễn Xuân Trung, quyền Cục trưởng Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và đầu tư), cho rằng: sở dĩ có sự bùng nổ về các dự án FDI vào bất động sản là vì giá bất động sản tại Việt Nam tương đối cao so với các nước trong khu vực. Như dự án Keangnam tại Phạm Hùng, Hà Nội có giá khoảng 2.800 - 3.000 USD một m2. Mặt khác, thủ tục hành chính của Việt Nam đã được cải thiện rất nhiều như giá thuê đất, thủ tục đất đai hiện giao cho các địa phương, cho nên, tiếp cận đất dễ dàng hơn, diện tích đất giao cũng cao hơn...

DiaOcOnline.vn - Theo Đất Việt