Không chỉ nhiều con đường bị hư hại nặng mà vỉa hè cũng nát như tương. Đại biểu HĐND TP phản ứng mạnh.
Vỉa hè đường Võ Thị Sáu bị tróc loang lổ. (Ảnh chụp ngày 8-7). Ảnh: V.Thuật. |
Không chỉ nhiều con đường bị hư hại nặng mà vỉa hè cũng nát như tương. Đại biểu HĐND TP phản ứng mạnh.
Trước thực trạng nhiều tuyến đường ở TP.HCM sau khi tháo dỡ rào chắn vẫn còn tình trạng lồi lõm, chắp vá..., tại cuộc sơ kết sáu tháng đầu năm của Sở GTVT ngày 6-7, ông Lê Quyết Thắng, Giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị số 1, nhận định: Tình trạng tái lập mặt đường chưa khớp với nền đường cũ rất phổ biến, chắc chắn phải làm lại nền đường.
Nhà thầu cứ vô tư!
Theo ông Lê Quyết Thắng, riêng kinh phí tái lập mặt đường cần khoảng hai tỷ đến hơn 10 tỷ đồng. Vấn đề đặt ra là nhà nước hay ai phải gánh phần kinh phí này? Và trách nhiệm cụ thể cho việc tái lập bề mặt cả đoạn đường là của ai?
Hôm qua (8-7), ông Lê Toàn, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM, cho biết việc dặm vá, tu bổ ngoài “lô cốt” là do các khu quản lý giao thông đô thị (QLGTĐT) chịu trách nhiệm. Theo ông Toàn, kinh phí duy tu ngoài rào chắn được huy động từ nhiều nguồn và cũng tùy từng hạng mục mà có cách phân phối nguồn vốn duy tu khác nhau, “chủ yếu là từ TP”. Tuy nhiên, ông Toàn cũng không nói rõ là cụ thể từ nguồn nào.
Trong khi đó, ông Thắng lý giải rằng Khu QLGTĐT chịu trách nhiệm dặm vá tạm thời bên ngoài “lô cốt”. Ông Thắng cũng khẳng định: Tiền chi tái lập đường ngoài “lô cốt” nằm trong nguồn duy tu đường sá lấy từ ngân sách TP. Vậy tiền thu được từ việc xử phạt các trường hợp thi công “lô cốt” vi phạm thì sao? Ông Trần Hồng Nam, Phó Chánh thanh tra Sở GTVT TP, cho biết sáu tháng đầu năm 2009, Thanh tra Sở đã xử phạt hơn 1.000 trường hợp với số tiền hơn ba tỷ đồng. Số tiền nộp phạt này được dùng chủ yếu để xây dựng các phương án an toàn giao thông do TP điều phối.
Như vậy, cuối cùng thì ngân sách nhà nước vẫn phải è cổ gánh các chi phí tái lập toàn bộ mặt đường, dù thực tế có “lô cốt” hầu như chắn hết bề rộng đường và khiến cả con đường hỏng nặng.
Vẫn là đào đâu vá đấy
Ông Thắng cũng giải thích rằng sau thời gian hoàn thành và chờ bù lún, nhà thầu có trách nhiệm rải một lớp nhựa bao phủ luôn cả phần bên ngoài “lô cốt” và lúc đó sẽ không còn tình trạng mặt đường như chiếc áo vá.
Dù ông Thắng giải thích vậy nhưng trên thực tế theo ghi nhận của người viết, nhiều đường như Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh), Nguyễn Kiệm (quận Gò Vấp, Phú Nhuận), Nguyễn Văn Trỗi (Phú Nhuận) đã tháo dỡ “lô cốt” từ khá lâu nhưng nền đường vẫn trong tình trạng chắp vá, sụt lún khá bê bối theo kiểu đào đâu vá đó. Ông Võ Vĩnh Bảo, Trưởng bộ môn Cầu đường (Trường đại học GTVT TP.HCM), lo ngại: “Về nguyên tắc, khi tái lập phải đảm bảo nguyên hiện trạng như ban đầu và đảm bảo chịu được lực tác động. Việc tái lập kiểu vá lỗ, vá lằn không những không đảm bảo mỹ quan đô thị mà còn ảnh hưởng xấu về sau do mặt đường không còn bằng phẳng, phui rãnh”. Theo ông Trần Hồng Nam, trước đó Thanh tra Sở GTVT đã từng kiến nghị Sở GTVT rằng đối với công trình đào đường có bề rộng lằn phui chiếm hơn 2/3 diện tích mặt đường thì buộc nhà thầu tráng nhựa lại toàn bộ mặt đường và Sở chấp nhận về mặt chủ trương. Tuy nhiên, thực tế cho thấy người dân cứ kêu vì mặt đường bị băm nát.
Tới lượt vỉa hè nát bét
Trong khi đó, theo ghi nhận của phóng viên, ngoài việc mặt đường sau khi lập “lô cốt” thi công bị hư hỏng nặng, hiện lại thêm tình trạng hễ “lô cốt” mọc đến đâu, vỉa hè tan nát đến đó. Điều đáng nói là dù nhiều lề đường vừa mới làm xong nhưng chỉ cần “lô cốt” xuất hiện trong một thời gian ngắn, lập tức gạch ốp vỉa hè bị bong tróc, sụt lún. Đơn cử như trên đường Võ Thị Sáu, nhiều đoạn chỉ còn trơ đất cát và hiện đã xuất hiện hàng loạt ổ gà. Bà Đào Thị Kim Dung, ngụ số 30 Võ Thị Sáu, phường Tân Định, quận 1 cho biết vỉa hè này được làm mới từ tháng 10-2008. “Nhưng đến tháng 4-2009, sau khi “lô cốt” xuất hiện, gạch vỉa hè liền bị tróc lên. Ngay cả phần gờ giữa vỉa hè với lòng đường cũng bị xới tung vì lượng xe chạy lên vỉa hè rất lớn” - bà Dung cho hay. Ngoài ra, vỉa hè các đường Hai Bà Trưng, Nguyễn Kiệm, Đinh Tiên Hoàng, Hoàng Văn Thụ... cũng bị gãy vỡ gạch ngổn ngang.
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Ngọc Hữu, Chủ tịch UBND quận 3, khẳng định: “Trong quá trình thi công vỉa hè bị hư hỏng thì nhà thầu phải chịu trách nhiệm khắc phục. Sắp tới, chúng tôi yêu cầu các nhà thầu phải khắc phục lại hệ thống vỉa hè bị hư hỏng trên các tuyến đường do quận quản lý”.
Trao đổi vấn đề này, một số nhà thầu đồng quan điểm là nhà thầu sẽ chịu trách nhiệm và để giảm bớt tốn kém thì thường các nhà thầu làm xong mới khắc phục vỉa hè luôn một lần. Liệu đây là lời hứa thật?
Tại phiên chất vấn hôm qua, các đại biểu HĐND TP cũng đặt vấn đề trách nhiệm với tình trạng tái lập mặt đường cẩu thả. Tuy nhiên, những gì các đại biểu đặt ra đã được Giám đốc Sở Trần Quang Phượng trả lời bằng một lời hứa: “Do thời gian có hạn nên sẽ trả lời các đại biểu bằng văn bản sau”. Không ít đại biểu tỏ vẻ thất vọng.
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP