Tái định cư: Quá nhiều bất cập

Cập nhật 19/08/2009 09:20

Tại Hà Nội, trong những năm gần đây, để hàng loạt dự án được triển khai, nhiều hộ dân đã phải di dời khỏi nơi ở cũ. Chủ trương của thành phố là phải tạo điều kiện, sớm ổn định cuộc sống của người dân tại nơi ở mới.

Chất lượng nhà tái định cư luôn là nỗi lo của người dân.

Tại Hà Nội, trong những năm gần đây, để hàng loạt dự án được triển khai, nhiều hộ dân đã phải di dời khỏi nơi ở cũ. Chủ trương của thành phố là phải tạo điều kiện, sớm ổn định cuộc sống của người dân tại nơi ở mới.

Tuy nhiên, thực tế thì sự thiếu thốn cơ sở hạ tầng, yếu kém trong quản lý ở các khu tái định cư khiến cuộc sống của người dân rất khó khăn.

Theo bà Lê Thị Bích Thuận, Viện Kiến trúc, quy hoạch đô thị và nông thôn (Bộ Xây dựng ), về lý thuyết, các khu tái định cư phải là một đơn vị ở hoàn chỉnh đầy đủ cả về thương mại, giáo dục, dịch vụ, cơ sở hạ tầng... Tuy nhiên, trên thực tế, hầu như không dự án tái định cư nào đáp ứng đầy đủ được các điều kiện trên.

Thiếu cơ sở hạ tầng

Ổn định học tập cho con cái là nỗi lo đầu tiên của các bậc phụ huynh khi dọn về ở trong các khu tái định cư bởi hầu hết những khu này đều chưa quan tâm tới quy hoạch trường lớp. Trẻ em lứa tuổi mẫu giáo thường bỏ học vì phải đi quá xa, với học sinh bậc tiểu học và trung học cơ sở, cha mẹ rất vất vả đưa đón các em đi học trái tuyến ở những nơi khác.

Đấy là chưa kể đến những bất cập trong việc thiết kế các khu nhà ở tái định cư. Thang máy các chung cư Nam Trung Yên, Đền Lừ... quá nhỏ, thậm chí không đặt vừa băng ca cứu thương. Hệ thống cầu thang thoát hiểm của nhà A3, A4, A5 khu Đền Lừ được thiết kế theo kiểu xoáy trôn ốc, thiếu ánh sáng, không đạt tiêu chuẩn về diện tích.

Việc bố trí các tái định cư xa nơi cư trú cũ còn khiến những lao động phổ thông bị tách xa địa bàn mưu sinh, không có việc làm, không còn nguồn nhu nhập. Tất cả những vấn đề trên dẫn đến hệ quả là chất lượng sống của người dân tái định cư thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung. Thậm chí ở một số khu tái định cư, người dân nhận nhà nhưng không có sổ đỏ, khó nhập hộ khẩu vì... thiếu hồ sơ.

Buộc phải di dời chỗ ở cộng với những nhu cầu trong cuộc sống chưa được đáp ứng kịp thời nên nhiều vấn đề nảy sinh của những người dân ở các khu tái định cư càng trở nên bức xúc. Ngoài cần trường lớp cho con, còn cần chợ, cần trung tâm y tế, ở đâu cũng cần phải có tổ dân phố, có sinh hoạt đoàn thể, hội phụ nữ, hội hưu trí, hội cựu chiến binh...

Về vấn đề này, ông Vũ Văn Hậu, Giám đốc Sở Tài nguyên, môi trường và nhà đất cũng từng băn khoăn: Theo tiêu chuẩn các khu tái định cư phải đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, có cả nhà chung cư cao tầng lẫn nhà thấp tầng, có cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ tạo việc làm cho các đối tượng phải di chuyển... Tuy nhiên đa số các khu tái định cư mới chỉ đáp ứng được điều kiện tối thiểu về cấp điện, cấp nước.

Buông lỏng quản lý


Không chỉ thiếu thốn về cơ sở hạ tầng, người dân các khu tái định cư cho rằng sự buông lỏng trong quản lý còn là một trong những yếu tố quan trọng khiến công trình xuống cấp nhanh.

Tại khu tái định cư Đền Lừ, những sự cố hỏng hóc thang máy, nhà thấm, dột, cháy bóng đèn cầu thang, không bơm nước... là chuyện thường xuyên nhưng ít khi được ban quản lý quan tâm, khắc phục. Lý do họ đưa ra là không có kinh phí.

Đến khu đô thị mới Trung Hòa – Nhân Chính, rất dễ nhận ra một bên là nhà ở kinh doanh thương mại sạch đẹp, khang trang do được quản lý, trong khi khu nhà tái định cư ngay bên cạnh thì xập xệ, nhếch nhác. Vệ sinh quanh khối nhà tái định cư T10 và T11 rất bẩn, nhiều bọc rác vương vãi tại tầng 1, vỉa hè xộc xệch do gạch bị bong, tường thấm bẩn; một bên thì từ vỉa hè đến bồn hoa, thảm cỏ được chăm sóc, tỉa xén kỹ càng trông đẹp mắt, một bên là cỏ dại mọc um tùm, nham nhở...

Cùng trong một khu đô thị mới nhưng bên nhà kinh doanh có một đội ngũ nhân viên quản lý khác và bên nhà tái định cư là một đội ngũ khác với cung cách quản lý khác hẳn nhau. Bên nhà kinh doanh, nhân viên mặc đồng phục, từ nét mặt đến cử chỉ rất nghiêm túc, gia đình nào chỉ để rác ngay trước cửa nhà mình cũng bị nhắc nhở ngay, cả khu nhà cũng không tìm đâu một bóng đèn bị hỏng. Còn với khu nhà tái định cư, chuyện hỏng hóc, vứt rác bừa bãi là thường.

Bà Lê Bích Thuận cho rằng thực trạng này không chỉ là hệ quả của sự “vô chủ” và vô trách nhiệm về quản lý ở các khu tái định cư mà còn thể hiện sự yếu thế và trình độ dân trí của cư dân sống trong các khu này. Sự khác biệt nêu trên đòi hỏi phải xây dựng được một mô hình quản lý phù hợp các khu tái định cư thay vì để tồn tại một cách “vô chủ” như hiện nay.

Theo kế hoạch, đến năm 2010, quỹ nhà tái định cư của Hà Nội cần khoảng 25.000 lô đất căn hộ và khoảng 1.000 căn hộ chung cư. Hiện nay, sau khi mở rộng đã thống kê tới trên 770 dự án với quỹ đất gần 76.700 ha. Có hơn 500 đồ án đã được phê duyệt với quỹ đất 40.200ha, dân số 2.122.000 người.

Những số liệu trên cho thấy để phát triển đô thị, nhu cầu về nhà ở tái định cư sẽ ngày càng là áp lực lớn và yêu cầu cấp bách. Các nhà lãnh đạo cũng như người dân phải xác định việc tạo lập nhà tái định cư là một quá trình mang tính chiến lược, gắn kết với lịch sử phát triển Thủ đô chứ không phải chỉ là những giải pháp mang tính tình thế.


DiaOcOnline.vn - Theo VnEconomy