Sau các cuộc giám sát, Quốc hội cần ra nghị quyết để tăng cường tính hiệu lực. Sáng qua (23-10), thảo luận tại tổ về chương trình xây dựng luật...
Sau các cuộc giám sát, Quốc hội cần ra nghị quyết để tăng cường tính hiệu lực.
Sáng qua (23-10), thảo luận tại tổ về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và chương trình giám sát của Quốc hội năm 2009, không ít đại biểu Quốc hội đã đặt nghi vấn về việc Chính phủ xin rút dự án Luật Đất đai (sửa đổi) ra khỏi chương trình năm 2008 trong khi đây là vấn đề cấp bách.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Phạm Khôi Nguyên cho biết: Từ năm 1987 đến nay, Luật Đất đai đã qua năm lần sửa đổi nhưng tại sao không ổn? Một trong những vấn đề bức xúc nhất hiện nay là tình trạng luật chồng lên luật, một mảnh đất có ba luật, bốn, năm nghị định điều chỉnh gây rắc rối cho quản lý và phiền hà cho dân.
Mục tiêu 2010 cơ bản cấp xong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khó thành hiện thực vì vẫn tồn tại hai loại “giấy đỏ”, “giấy hồng” mà chưa có cách làm thống nhất.
Theo Bộ trưởng Nguyên, vấn đề là làm sao sửa Luật Đất đai phải giải quyết được quan điểm lớn, chẳng hạn như đất nông nghiệp trước đây giao 20 năm thì giờ giao bao nhiêu năm, theo đó là chính sách thuế, thu hồi thế nào cần phải rõ ràng.
“Nước ngoài người ta vẫn đánh thuế đất nông nghiệp, còn hỗ trợ cho nông dân là chuyện khác. Còn ta thì miễn thuế nông nghiệp nên người dân sẵn sàng bỏ hoang ruộng đất, chờ giải tỏa để được đền bù. Vì vậy, ta phải thay đổi cách quản lý trước khi sửa luật, tính toán làm sao cho ổn định chứ cứ sửa xong rồi lại sửa thì không ổn” - ông Nguyên nói.
Về việc lựa chọn các nội dung giám sát của Quốc hội năm 2009, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra ba nội dung (để đại biểu chọn hai): chương trình giáo dục phổ thông và việc biên soạn, xuất bản sách giáo khoa; việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Phần lớn các ý kiến đều cho rằng các nội dung đó là những vấn đề lớn, bức xúc lâu năm trong nhân dân cần được mổ xẻ, xem xét để có những giải pháp thích hợp.
Đa số đại biểu đề nghị sau các cuộc giám sát, Quốc hội phải ra nghị quyết để các kết quả giám sát mang tính pháp lý cao.
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP