"Sốt" nhà đất ở Hà Nội: Thật hay ảo?

Cập nhật 22/04/2009 10:35

Gần đây bất động sản nhận được nhiều chính sách kích cầu từ Chính phủ. Theo đó, tin “sốt” nhà đất cũng bắt đầu xuất hiện.

Gần đây bất động sản (BĐS) nhận được nhiều chính sách kích cầu từ Chính phủ. Theo đó, tin “sốt” nhà đất cũng bắt đầu xuất hiện.

Tuy nhiên theo các chuyên gia, “văn hoá truyền khẩu” ở Việt Nam còn nặng nề, chỉ cần nghe vài người nói ở một khu vực nào đó giá BĐS đang tăng là sẽ có rất nhiều người ùa theo, tạo nên cơn “sốt” ảo.

Tăng giá theo... tin đồn

Ngày 19 và 20/4, chúng tôi vào vai người mua đất đến các vùng ven đô như khu vực đường Lê Văn Lương kéo dài, xã Vân Canh, thị trấn Canh (huyện Hoài Đức), xã Thượng Cát, xã Phú Diễn (huyện Từ Liêm). Đến đâu người bán nhà, bán đất cũng cho biết giá nhà, đất mới tăng chứ cách đây nửa tháng vẫn ở mức thấp nhất.

Theo đó, giá đất ở các khu đô thị liền kề, biệt thự dọc tuyến đường Lê Văn Lương kéo dài như Văn Khê, Trung Văn, Mỗ Lao, Phùng Khoang, Dương Nội... đã được “hét” tăng thêm từ 2 - 3, thậm chí là 5 triệu đồng/m².

Ông Nguyễn Trọng Thủy, Giám đốc Trung tâm Bất động sản Mỹ Đình 2 cho biết: Thông tin chính thức mở đường Lê Văn Lương kéo dài liên kết mạng giao thông, xâu chuỗi các khu đô thị dọc hai bên như Phùng Khoang, Trung Văn, Dương Nội, Văn Khê nối thẳng ra Trung Hòa - Nhân Chính, tạo ra trục giao thông quan trọng nối trung tâm Hà Nội với các khu vực mở rộng khiến trị giá đất tăng. Nhưng ít ngày gần đây, đất những nơi này tiếp tục tăng đến 32 - 33 triệu đồng/m², nguyên nhân có thể do người có đất thấy có nhiều người hỏi mua nên tăng giá hoặc họ thấy kinh tế không tệ như dự đoán”.

Đất trong làng tại xã Phú Diễn, đất thuộc khu vực Trại Gà (cách đường tàu khoảng 200m về phía xã Cổ Nhuế) cách đây 1 tháng vẫn được người dân rao bán với mức giá 11- 12 triệu đồng/m². Tuy nhiên đến thời điểm này, những mảnh đất này đều được rao bán với mức 14 - 15 triệu đồng/m².



700 m² đất vườn nhà bà An bỏ hoang để bán đất giá cao. Ảnh: TG


Bà Nguyễn Thụy An, 60 tuổi, xã Phú Diễn, Từ Liêm đang là người có diện tích đất bán nhiều nhất trong xã cho biết: “Tôi có 700 m² đất đang cần bán. Khách mua đến đâu, tôi sẽ chia thổ tự mở đường ra đến đó nhưng nhất định phải ở mức giá 15 triệu đồng/m², kém không bán”. Khi chúng tôi thắc mắc, cách đây 1 tháng đã đến xem và khi đó bà rao bán là 12 triệu đồng/m², bà An thản nhiên: “Giá đó xưa rồi, bây giờ đất đang lên”.

Chị Trần Thị Minh, thôn 10, xã Vân Canh, cũng tăng giá mảnh đất mình đang rao bán từ 10 triệu đồng/m² lên 12 triệu đồng/m². Chị Minh giải thích: “Cách đây nửa tháng đất ở đây chỉ 10 triệu nhưng bây giờ quanh khu này ai cũng rao bán 12 triệu đồng/m², có chỗ ở thôn 8 còn vừa bán được 14 triệu đồng/m². Giá tăng chung rồi, không ai dám hét giá cao để khách đi đâu”.

Khi hỏi nguyên nhân tăng giá, không chỉ bà An, chị Minh không lý giải nổi, mà nhiều người dân muốn bán đất cũng trở nên lúng túng. Chỉ biết rằng những khu đất đó không thuộc quy hoạch, cũng không có con đường mới nào sắp sửa chạy qua. Ngay phần đất của bà An, người dân hay “cò” đất ở khu vực này thường nói đường Hoàng Quốc Việt kéo dài chỉ cách đây hơn 1km nhưng đó là tính theo đường chim bay, còn đường bộ thì... không dưới 5km.

“Văn hoá truyền khẩu” “thổi” giá đất

Ông Nguyễn Ngọc Anh, trợ lý Giám đốc Cty cổ phần Tư vấn, đầu tư xây dựng Đông Dương, đường Láng Hạ, quận Ba Đình, người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư BĐS tại Hà Nội nhận định: “Thị trường nhà đất có ấm lên nhưng không diễn ra trên diện rộng mà chỉ diễn ra tại một số khu vực hạ tầng tốt, không quá xa trung tâm. Nhưng trên thực tế vẫn diễn ra tình trạng tăng giá tuỳ tiện trên diện rộng. Dù chưa hẳn đã có đông người mua và giá cũng chưa hẳn đã cao như những lời đồn thổi. Nguyên nhân chủ yếu là do ở nước ta, “văn hoá truyền khẩu” còn rất nặng nề. Chỉ cần nghe vài người nói ở một khu vực nào đó giá BĐS đang tăng là sẽ có rất nhiều người ùa theo".

Ông Nguyễn Huy Tưởng, Giám đốc Trung tâm thông tin địa ốc Tâm Đại Dương, đường K3, Cầu Diễn cũng khẳng định: “Trên thực tế phần lớn là giao dịch không thành công. Chủ yếu là người đi khảo giá chứ không mang tiền theo để sẵn sàng đặt cọc và giá thường bị các “cò” loan tin, đẩy lên cao để khi bán được đất thì ăn cả phần trăm lẫn giá chênh lệch. Số lượng giao dịch và giá cũng ấm lên đôi chút so với trước, nhưng chủ yếu ở những nơi liên quan đến các công trình giao thông có triển vọng như đường Lê Văn Lương kéo dài, đường Láng - Hòa Lạc, đường Hoàng Quốc Việt kéo dài... còn các chỗ khác nếu có tăng thì chỉ là tăng ảo”.

Cũng theo ông Nguyễn Huy Tưởng, việc tăng giá, dù là thật hay ảo thì nó cũng chỉ nhất thời. Sự cân đối thị trường BĐS bao giờ cũng mang tính địa phương và theo một giai đoạn nhất định. Vì vậy, chưa thể khẳng định được thị trường BĐS đang “nóng” trở lại.

Sôi động nhất là thị trường nhà giá thấp

Theo ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam, hiện tại chỉ khu vực nhà giá thấp là hoạt động sôi động nhất. Nguyên nhân chủ yếu là do chính sách mở của Nhà nước đang thực sự kích cầu thị trường này. Đây cũng là phân khúc được đông đảo người có nhu cầu thực sự quan tâm. Sự “nóng” lên ở phân khúc này mang tính cộng hưởng thúc đẩy sự “nóng” lên ở những phân khúc khác. Cũng theo đó, nhiều kẻ trục lợi loan tin đẩy giá nhà đất lên cao.


>Bất động sản Hà Nội lại bị "làm giá"

DiaOcOnline.vn - Theo Gia Đình