'Sốt' nhà đất: 60% là nhằm mục đích kinh doanh

Cập nhật 12/11/2007 11:00

Năm 2007 được xem là năm tăng trưởng khá ấn tượng đối với thị trường bất động sản Việt Nam khi mà giá đất tại nhiều nơi tăng vọt. Lượng bất động sản tại nhiều thành phố đã......

Năm 2007 được xem là năm tăng trưởng khá ấn tượng đối với thị trường bất động sản Việt Nam khi mà giá đất tại nhiều nơi tăng vọt. Lượng bất động sản tại nhiều thành phố đã được xây dựng và giao dịch khá nhiều. Giá bán bất động sản vì thế cũng đã tăng lên so với năm 2006.

Sốt cao ốc và căn hộ

Theo đánh giá của Công ty Nghiên cứu, Tư vấn và Kinh doanh bất động sản hàng đầu tại Việt Nam, Công ty Vietrees (TP HCM), nhu cầu về mảng cao ốc, căn hộ tại Việt Nam tăng mạnh và rõ nét trong năm 2007, nhất là các loại căn hộ cao cấp tại các trung tâm thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ.

Tuy nhu cầu mua tăng cao, nhưng theo đánh giá của Vietrees, chắc chắn có khoảng 60% trường hợp mua là để kinh doanh. Trong những tháng cuối năm 2007 sẽ đánh dấu sự tăng mua mạnh các loại căn hộ.

Cũng theo công ty tư vấn trên, năm 2008, nhu cầu mua căn hộ vẫn còn rất cao, chủ yếu nhắm vào phân khúc căn hộ trung và cao cấp.

Tâm lý mua căn hộ và đất theo phong trào sẽ còn tiếp diễn trong những tháng cuối năm 2007 và 2008. Theo đánh giá của các chuyên gia bất động sản, tỷ lệ trượt giá vật liệu xây dựng, nhất là giá thép, chính sách mua nhà thông thoáng hơn cho Việt kiều và người nước ngoài nên đã xuất hiện tâm lý đẩy mạnh đầu tư vào bất động sản để kinh doanh.

Theo đánh giá của Vietrees, tại TP Hồ Chí Minh, giá đất tăng liên tục từ đầu năm tới nay, đặc biệt là ở các quận 2, quận 7, quận 9, quận Thủ Đức, quận Nhà Bè. Tại quận 2, giá đất tại khu vực An Phú - An Khánh vào thời điểm tháng 9 và tháng 10/2007 đã lên tới 45 - 50 triệu đồng/m2.

Tại Hà Nội, thị trường nhà đất cũng đã "nóng" lên khi nhiều giao dịch mua bán thành công. Đặc biệt là ở khu vực có quy hoạch ổn định và khu vực phía Tây Hà Nội, gần đường Phạm Hùng.

Theo đánh giá của Công ty Bất động sản CBRE, khu vực Mỹ Đình nằm ở đầu tuyến đường Láng - Hòa Lạc, khu đô thị mới này được định hướng phát triển thành trung tâm thứ 2 của thành phố.

Bên cạnh một số công trình đang được xây dựng như khu tổ hợp Manor thì hàng loạt dự án khác đang được động thổ, xây dựng cho thuê.

Đoạn giao của trục đường Phạm Hùng và đường cao tốc Láng - Hòa Lạc là điểm nối 2 trong số các khu vực mới, có nhiều tiềm năng phát triển nhất miền Bắc. Theo dự kiến, có khoảng 1 triệu người sống quanh tuyến đường cao tốc Láng - Hòa Lạc.

Nhu cầu nhà ở tại đây lên cao, tạo ra một lượng nhân công lành nghề cho các doanh nghiệp hoạt động tại khu Mỹ Đình và khu công nghệ cao Láng - Hòa Lạc. Kéo theo đó, sẽ có cuộc bùng nổ về các điểm thuê để kinh doanh, bán hàng lẻ, điểm vui chơi giải trí...

Đất ven khu vực sông Hồng cũng "ấm" dần

Sau một thời gian đóng băng vì có tin phát triển dự án ven sông Hồng thì các khu đất ven sông: khu vực Quảng Bá, Tứ Liên, Nhật Tân (quận Tây Hồ) đang có tín hiệu "ấm" lên thời gian gần đây.

Ông Lê Xuân Trường, chuyên gia tư vấn Công ty cổ phần Bất động sản BDS (Hoàn Kiếm - Hà Nội) cho biết, hiện khu Ciputra gần khu vực Tây Hồ khá khan hiếm hàng.

Những tháng cuối năm 2007, giá đất tại khu vực này có thể tăng từ 5 - 10%. Giá đất tăng do cầu tăng thực sự chứ không nhất thiết bị ảnh hưởng bởi dự án sông Hồng.

Nguyên nhân khiến giá đất tăng là do ảnh hưởng của cơn sốt chung đang bắt đầu nhen nhóm tại thị trường bất động sản và nhiều người đang săn hàng với mục đích kinh doanh.

Theo ghi nhận, các khu bất động sản nằm phía trong đê, giáp mặt đường Âu Cơ, Nghi Tàm vốn đã đắt đỏ thì nay càng lên cao hơn. Một mảnh đất đẹp gần ngã ba có thể lên tới 70 - 80 triệu đồng/m2. Sâu vào trong một chút thì giá chừng 40 - 50 triệu đồng/m2, nếu sâu hơn nữa ở trong ngõ thì giá khoảng 25 - 30 triệu đồng.

Theo bà Lê Thị Hào ở Quảng An, mảnh đất gần đường ôtô như nhà bà hiện nay, bán rẻ cũng phải được 45 triệu đồng/m2.

Bà và nhiều người dân khác cho rằng, giá đất tăng là do thuế tăng, ngoài ra, nhiều người trước đây có ý định mua ở ngoài đê thì nay do sợ dự án thành phố sông Hồng nên đổ xô vào mua đất ở trong đê để kinh doanh hoặc để ở.

Tại khu vực phía Tây, theo ý kiến của một số người dân quanh đây, họ đã cảm thấy yên tâm hơn khi báo chí đưa tin quan điểm của một kiến trúc sư cho rằng, chưa nên thực hiện dự án thành phố ven sông Hồng mà nên phát triển Thủ đô về phía Tây.

Điều này đã khiến số người rục rịch tới đây mua đất nhiều hơn. Tuy nhiên, giá đất tại đây vẫn còn thấp hơn nhiều so với lúc trước. Nhận thấy tiềm năng lớn từ thị trường bất động sản tại Hà Nội và các vùng phụ cận, một số công ty bất động sản lớn tại các tỉnh phía Nam cũng đã có xu hướng vươn ra thị trường phía Bắc kinh doanh. Trong số này có Công ty Bất động sản căn nhà mơ ước, Công ty Địa ốc ACB..

Theo Công An Nhân Dân