“Sốt” đất phía Tây thành phố

Cập nhật 25/12/2007 09:00

Trong khi thị trường nhà đất khu vực phía Bắc thành phố khá yên ả thì khu vực phía Tây Hà Nội, đặc biệt là vùng ven đô, gần đây...

Trong khi thị trường nhà đất khu vực phía Bắc thành phố khá yên ả thì khu vực phía Tây Hà Nội, đặc biệt là vùng ven đô, gần đây “sôi sùng sục” với giá cả tăng liên tục.

Số đông người tiêu dùng nhỏ lẻ sau nhiều phen chần chừ cũng bắt đầu tham gia cuộc “Tây tiến” trong khi giới đầu cơ đã âm thầm xâm nhập vùng đất này từ vài năm trước.

“Hội chứng” phía Tây

Không phải đến bây giờ người dân Hà Nội mới để ý đến các dự án ven đô, ngay từ tháng 6 - 2007, khi phiên đấu giá đất tại khu đô thị mới Cầu Giấy đẩy giá đất lên đến 82 triệu đồng/m2, giới kinh doanh nhà đất đã hiểu rằng “Hà Nội không còn là mảnh đất màu mỡ, dễ ăn”.
 
Ông Trần Anh Dũng - Giám đốc một công ty bất động sản phân tích: “Nếu tính từ trung tâm thành phố (hồ Hoàn Kiếm) thì khoảng cách đi Cầu Giấy và vào thành phố Hà Đông (Hà Tây) là tương đương. Thế nhưng, đất có hạ tầng, đấu giá thành công tại các dự án nhà ở của Hà Đông chỉ ở khoảng 16 - 22 triệu đồng/m2, thấp hơn nhiều lần đất tại Cầu Giấy”.

Cũng theo thông tin từ các nhà kinh doanh bất động sản, các khu đô thị mới của Hà Tây như Mỗ Lao, Văn Phú, Văn Khê đang là những thỏi nam châm hút giới đầu tư Thủ đô. “Có đến hơn 90% khách hàng của chúng tôi là người Hà Nội”, chị Nguyễn Thị Ngọc, Văn phòng tư vấn bất động sản Văn Phú khẳng định.

Khi thông tin về phiên đấu giá đất tại dự án Ngô Thì Nhậm (Hà Đông) đợt 3 có giá sàn lên tới 18 triệu đồng/m2 (giá sàn đợt 2 tiến hành 1 tháng trước chỉ có 11,5 triệu đồng/m2) thì giới đầu tư lại “phát điên”.

Anh Trung - một nhà đầu tư có kinh nghiệm tiết lộ, anh đã “đẩy” gần hết đất nền đang có tại các dự án như Trung Hòa - Nhân Chính, Lê Văn Lương, Nguyễn Tuân với mức giá “đỉnh” (từ 60 - 90 triệu đồng/m2) để mua đất tại các dự án vùng ven phía Tây.

“Đi tắt, đón đầu”?



Các dự án nhà ở cấp cao ven đô rất được người dân chú ý.


Theo giới chuyên môn, các nhà đầu tư đang đổ xô đến khu vực ven Hà Nội, nhất là khu Văn Quán, Nam An Khánh... vì đất ở khu vực này giá thấp hơn nhiều so với trong nội đô và khả năng sinh lời trong tương lai được đánh giá rất cao.
 
Không chỉ có các nhà đầu tư Hà Nội, nhiều người ở các tỉnh lân cận như Hải Dương, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc... cũng đang tìm đến khu vực này. Các nhà đầu tư kỳ vọng sẽ đón đầu được khu “đất vàng” trong tương lai vì những lời đồn đoán, thông tin nửa kín nửa hở xung quanh việc mở rộng địa giới hành chính Hà Nội.

Thêm vào đó, sự xuất hiện của hàng loạt “đại gia” bất động sản tại khu vực này như Tập đoàn Việt Nam, Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD)... cũng khiến nhiều người yên tâm. Cuối cùng, không khí ngột ngạt, chật chội trong nội đô cũng đủ khiến người ta hiểu rằng, chủ trương đầu tư phát triển thành phố ra vùng ven đô là không sớm thì muộn.

Giá rẻ có đi kèm chất lượng cao?

Theo đánh giá của giới kinh doanh, các dự án khu đô thị mới, khu đô thị vệ tinh xung quanh Hà Nội thu hút được khách mua bởi được quy hoạch khá tốt với cơ sở hạ tầng, giao thông thuận tiện... Trong đó, có mô hình các khu biệt thự ngoại ô gần gũi với thiên nhiên (cách trung tâm thành phố khoảng 1 giờ xe chạy) nằm trong một quần thể độc lập, riêng biệt, gia chủ có thể sống ở ngoại ô để hưởng thụ cuộc sống yên bình, không khí trong lành... và làm việc trong thành phố, đi về hàng ngày.

Theo Giám đốc một công ty xây dựng, đặc điểm nổi bật của các khu đô thị ven đô so với các khu đô thị hiện có trong Hà Nội là quy hoạch không gian tốt, hệ số sử dụng đất không quá cao. “Rất nhiều Việt kiều, những người có tiền ở Hà Nội đang nhắm đến các biệt thự, nhà vườn tại các dự án ven đô với mong muốn có một không gian sống hiện đại, yên tĩnh” - ông này nói.

Hiện nay, do lượng nhà đầu tư đổ vốn tham gia cuộc “Tây tiến” tăng mạnh, giá cả nhà đất vùng ven cũng theo đó leo thang. Không chỉ nhà liên kế, biệt thự, giá nhà chung cư cũng tăng mạnh. Nếu nửa năm trước, “suất” mua nhà chung cư chỉ chênh 30 - 40 triệu đồng thì nay đã lên tới trên 80 - 100 triệu đồng.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Sỹ Liêm - Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng: “Hầu hết các dự án đều triển khai ở những vùng hạ tầng xã hội còn kém nên các chủ đầu tư phải đặc biệt coi trọng việc xây dựng trường học, bệnh viện, siêu thị... trong phạm vi dự án của mình nếu muốn nhắm vào đối tượng khách hàng Hà Nội. Nếu không tính toán kỹ, các nhà đầu tư có thể sẽ phải trả giá với một lượng tiền lớn bị treo”.

Theo An Ninh Thủ Đô